Manchester City đang tiến những bước rất dài để vươn lên ngang bằng với đại kình địch Manchester United. Thương vụ chuyển nhượng cổ phần của tập đoàn City Football Group trị giá 265 triệu bảng vừa qua đã đưa Man City trở thành CLB bóng đá giàu thứ tư thế giới.
Sau nhiều năm phải cay đắng ngước nhìn gã hàng xóm giành hết danh hiệu này đến danh hiệu khác, Man City giờ đây đã ngẩng cao đầu, sánh bước kiêu hãnh với Man United.
Mùa 2005/2006
Man City bị Chelsea “hút máu” ngôi sao sáng giá nhất là Shaun Wright-Phillips với giá 21 triệu bảng. Theo chiều ngược lại, những lão tướng như Andy Cole hay Darius Vassell được đưa về. Man City thời ấy kém cỏi đến mức một cầu thủ Trung Quốc như Sun Jihai cũng là trụ cột. Cuối mùa, họ cán đích ở vị trí thứ 15.
Man City thời chưa có đồng tiền Ả-rập. Ảnh: Getty. |
MU của Sir Alex Ferguson 3 năm liên tiếp không chạm tay vào ngôi vô địch. Chelsea của Mourinho thay thế Arsenal bất bại (mùa 2003/2004) trở thành đối trọng lớn nhất với MU. Lúc này, Man City chỉ là đội bóng làng nhàng không đáng để mắt tới.
MU mua: Edwin van der Sar, Park Ji Sung, Ben Foster, Nemanja Vidic, Patrice Evra. Tổng chi 19 triệu bảng.
Man City mua 9 cầu thủ. Tổng chi 9,5 triệu bảng
Mùa 2006/2007
M.U chấm dứt thành công cơn khát danh hiệu dài nhất trong lịch sử tham dự Premier League bằng sự xuất sắc của bộ đôi Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo.
Những tân binh được mang về trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2006 như Nemanja Vidic hay Patrice Evra đóng góp lớn trong việc củng cố hàng phòng ngự.
Man City vượt lên 1 bậc so với mùa giải trước đó nhưng đẳng cấp thì vẫn thua kém MU với khoảng cách trời vực.
MU mua: Michael Carrick, Tomasz Kuszczak, Henrik Larsson. Tổng chi 18,6 triệu bảng.
Man City mua 6 cầu thủ. Tổng chi 4 triệu bảng.
Mùa 2007/2008
Ronaldo trình diễn phong độ chói sáng với 31 bàn thắng ở Premier League, chiếm luôn ngôi vua phá lưới. Sự bổ sung những cái tên như Owen Hargreaves, Nani và Anderson bên cạnh Michael Carrick giúp tuyến giữa MU mạnh hơn rất nhiều. Chặng đường đến chức vô địch cũng có công rất lớn của Carlos Tevez.
Công cuộc đại cải tổ ở Man City có dấu hiệu manh nha. Họ trải qua 2 mùa chuyển nhượng tương đối bận rộn với 10 bản hợp đồng. Những đồng bath của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra giúp Man City leo lên vị trí thứ 9 trên BXH mùa này.
Chính trị gia người Thái chỉ mất đúng 81,6 triệu bảng để sở hữu Man City và ông nhanh chóng đưa HLV Sven-Goran Eriksson lên nắm quyền.
MU mua: Owen Hargreaves, Anderson, Nani, Tomasz Kuszczak... Tổng chi 56,125 triệu bảng.
Man City mua 10 cầu thủ. Tổng chi 49,97 triệu bảng.
Mùa 2008/2009
Mùa bóng này đánh dấu mức chi mua cầu thủ của Man City lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 100 triệu bảng. Công cuộc đại cải tổ đã chính thức bắt đầu với những đồng tiền sặc mùi dầu mỏ của tập đoàn Abu Dhabi.
Robinho là bản hợp đồng đáng kể đầu tiên của Man City. Ảnh: Man City FC. |
Do những rắc rối về chính trị, ông Thaksin đành phải bán lại Man City cho tập đoàn Abu Dhabi. Ông chủ mới là Sheikh Mansour tuyên bố sẽ thay máu, thay cả hình ảnh đại diện của nửa xanh thành Manchester, từ 1 đội bóng làng nhàng thành đội bóng hàng đầu nước Anh và châu Âu.
Tuy vậy mọi chuyện diễn ra không đúng với ý muốn của Man City khi họ chỉ đứng thứ 10. Còn với MU, dù chỉ có thêm đúng tân binh Berbatov là đáng chú ý nhưng họ vẫn có lần thứ 3 liên tiếp vô địch Ngoại hạng.
MU mua: Fabio, Rafael, Dimitar Berbatov, Zoran Tosic, Ritchie De Laet. Tổng 42,4 triệu bảng.
Man City mua: Vincent Kompany, Shaun Wright-Phillips, Pablo Zabaleta, Robinho, Wayne Bridge, Craig Bellamy, Nigel de Jong, Shay Given... Tổng 122,35 triệu bảng.
Mùa 2009/2010
MU mất chức vô địch vào tay Chelsea của Carlo Ancelotti. Man City có năm thứ 2 liên tiếp chi hơn 100 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng.
Gây chấn động nhất là việc The Citizens chiêu mộ Carlos Tevez, tiền đạo mùa trước còn thuộc biên chế M.U. HLV Mark Hughes bị sa thải, thay thế là ông thầy Roberto Mancini.
Joleon Lescott, Kolo Toure, Emmanuel Adebayor và Gareth Barry cũng được mang về, qua đó cải thiện vị trí đáng kể khi City xếp thứ 5 sau vòng 38.
Man City đã ý thức được vị thế của họ. Họ đặt 1 băng-rôn rất lớn trước SVĐ: “Chào mừng đến Manchester” với hình ảnh Tevez oai hùng trên nền xanh. Sir Alex bắt đầu gọi Man City là “noisy neighbor” (gã hàng xóm ồn ào).
MU mua 4 cầu thủ. Tổng chi 21,5 triệu bảng.
Man City đưa về Carlos Tevez, Emmanuel Adebayor, Kolo Toure, Joleon Lescott, Patrick Vieira, Adam Johnson...Tổng chi 128,5 triệu bảng.
Mùa 2010/2011
MU nhanh chóng giành lại ngôi vương từ tay Chelsea của Ancelotti. Sir Alex có sự dè chừng nhất định với gã hàng xóm nhưng vẫn làm tốt công việc của mình bằng việc giúp MU vô địch lần thứ 4 trong 5 năm.
Trong khi đó, Man City đẩy “công cuộc ồn ào” lên 1 nấc thang mới. Phí mua sắm lên tới 143 triệu bảng.
Man City chiêu mộ thành công Yaya Toure đang trên đỉnh cao phong độ của Barcelona. Họ gạ gẫm được David Silva mà Barca và Real đều thèm muốn. Họ mời được Patrick Viera để nâng tầm đội bóng. Ngoài ra còn Mario Balotelli và James Milner. Túi tiền không đáy của giới chủ giúp Man City có 1 chỗ trong top 3.
MU mua Chris Smalling, Javier Hernandez, Bebe, Lindegaard. Tổng chie 28,1 triệu bảng.
Man City mua Jermone Boateng, Yaya Toure, David Silva, Aleksander Kolarov, Mario Balotelli, James Milner, Edin Dzeko. Tổng chi 143 triệu bảng.
Mùa 2011/2012
Kể từ khi có chỗ trong top 3, Man City đóng đinh ở đó và thậm chí duy trì vị trí thứ 1 và thứ 2 chung cuộc.
Bàn thắng vàng của Aguero giúp Man City cuỗm chức vô địch từ tay MU. Ảnh: Getty. |
Họ không còn là kẻ thách thức mà chính thức rũ bùn đứng dậy thành nhà vô địch. Mùa giải lịch sử của Man City khép lại đầy ngọt ngào bằng bàn thắng vàng của Sergio Aguero vào phút bù giờ thứ 5, giúp Man City cuỗm chức vô địch ngay trên tay của MU. MU chỉ còn biết trách mình khi đến những vòng cuối, khoảng cách giữa họ với Man City có lúc lên tới 8 điểm.
Kế hoạch nghỉ hưu của Sir Alex bị hoãn lại, ông quyết phục hận ở mùa sau (2012/2013).
MU đưa về Phil Jones, Ashley Young, David de Gea, Paul Scholes (hoãn treo giày). Tổng chi 49,3 triệu bảng.
Man City đưa về Gael Clichy, Savic, Aguero, Samir Nasri, Owen Hargreaves. Tổng chi 94 triệu bảng.
Mùa 2012/2013
Với khát khao phục thù để viết 1 cái kết đẹp cho chương cuối sự nghiệp cầm quân, Sir Alex truyền cho học trò khát khao rất lớn. Với bộ khung ổn định, ông chỉ cần mang về Robin van Persie, trao cho anh số áo 20 với hy vọng anh sẽ góp công lớn mang về chức vô địch Anh thứ 20 cho MU.
Không phụ kỳ vọng ông thầy, Robin van Persie ghi 26 bàn thắng, khép lại mùa bóng với danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh và màn chia tay ngọt ngào cho 26 năm gắn bó với MU của Sir Alex.
Sau mùa giải thất bại với việc kém MU đến 11 điểm, HLV Mancini bị sa thải thẳng tay. Đây là mùa giải hiếm ho họ chidưới 100 triệu bảng cho thị trường chuyển nhượng.
MU đưa về Shinji Kagawa, Robin Van Persie, Wilfred Zaha...Tổng chi 56,3 triệu bảng.
Man City đưa về 6 cầu thủ. Tổng chi 52,2 triệu bảng.
Mùa 2013/2014
Man City bắt đầu công cuộc tái thiết với việc mời về “kỹ sư” Manuel Pellegrini và tiếp tục chi hơn 100 triệu bảng cho chuyển nhượng. Cuối mùa đó, họ vượt qua Liverpool đầy kịch tính để giành ngôi vô địch. Man City bắt đầu xây dựng chiều sâu với việc ra mắt Trung tâm huấn luyện trị giá 200 triệu bảng. Trong khi ấy, trung tâm của MU ngày càng xuống cấp.
Riêng với MU, họ trải qua cuộc chuyển giao tồi tệ nhất trong lịch sử đội bóng. “Người được chọn” David Moyes bị sa thải chỉ trong chưa đầy 1 mùa giải, khiến MU rơi xuống thứ bảy và không được dự Champions League. Lần đầu tiên trong lịch sử, Man City còn được đánh giá cao hơn cả MU.
MU đưa về Marouane Fellani, Juan Mata...Tổng chi 64,6 triệu bảng.
Man City đưa về Fernandinho, Jesus Navas, Alvaro Negrado, Stevan Jovetic, Martin Demichelis. Tổng chi 120,9 triệu bảng.
Mùa 2014/2015
Đội hình già nua của Man City với các trụ cột bắt đầu bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp vẫn cố gắng lê lết chạm tới vị trí thứ 2 chung cuộc. Man City dường như là đội bóng rất giỏi nước rút.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, MU mua sắm nhiều hơn Man City. Họ chi đến 223 triệu bảng, đó là kết quả của cuộc đổ bộ của Louis van Gaal xuống Old Trafford. Chuyển nhượng rầm rộ giúp MU giành lại vé Chmapions League, nhưng lối chơi nhàm chán của họ cùng phong cách huấn luyện và tư duy độc tài của Van Gaal bị than phiền quá nhiều.
MU đưa về Ander Herrera, Luke Shaw, Marcos Rojo, Angel Di Maria, Daley Blind, Radamel Falcao, Victor Valdes . Tổng chi 223,7 triệu bảng.
Man City đưa về Bacary Sagna, Fernando, Mangala, Frank Lampard, Wilfred Bony...Tổng chi 90,8 triệu bảng.
Mùa 2015/2016
Sau 1 mùa bị Luật Công bằng tài chính kiềm tỏa, Man City tiếp tục vung tay không e dè trên chợ cầu thủ. Họ đem về Kevin de Bruyne với giá chuyển nhượng phá kỷ lục Ngoại hạng Anh. Những luồng sinh khí mới giúp họ bay cao trên đỉnh BXH, dù đã có đến 3 cú ngã đau chỉ sau 14 vòng đấu.
MU vẫn nối tiếp giai điệu nhàm chán, những tranh cãi và mâu thuẫn nội bộ càng dày thêm. Mọi thứ ở Old Trafford đều mong manh.
MU đưa về Anthony Martial, Morgan Schneiderlin, Memphis Depay, Darmian, Bastian Schweinsteiger, Sergio Romero. Tổng chi 114,4 triệu bảng.
Man City đưa về Kevin De Bruyne, Raheem Sterling, Nicolas Otamendi, Fabian Delph...Tổng chi 151 triệu bảng
Tròn 10 mùa giải, Man City thực sự lột xác từ đội bóng “thấp cổ bé họng” trở thành đại gia thực sự của bóng đá Anh và châu Âu. Núi tiền rất cao, chiến lược đúng hướng, sự táo bạo cùng việc bẻ lái hướng tới chiều sâu, xây dựng truyền thống đội bóng khiến Man City ngày càng mạnh mẽ và vững chắc hơn. Với MU, họ vẫn lạc lối ở kỷ nguyên quá độ hậu Sir Alex, dù kết quả kinh doanh vẫn hết sức ấn tượng.