"Tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi nhận được báo cáo về việc tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển của chúng tôi vào ngày 4/6. Các tàu của chúng tôi, bao gồm cả tàu thuộc hải quân, đang giám sát chặt chẽ tình hình", Đại tá Fauzi Othman, người đứng đầu Cơ quan Chấp pháp Hàng hải Malaysia (MMEA) tại thành phố Miri, cho biết ngày 7/6.
Tuyên bố trên được đưa ra vài ngày sau khi có thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển gần cụm bãi cạn Luconia (phía Malaysia gọi là Beting Patinggi Ali). Cụm bãi cạn này cách bờ biển thành phố Miri, Malaysia khoảng 160 km.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough vào năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Ông Fauzi cũng cho biết các phương tiện của lực lượng chấp pháp Malaysia được triển khai gần cụm bãi cạn này, và sẽ thường xuyên tuần tra để "đảm bảo chủ quyền quốc gia".
Phía Malaysia không nêu chi tiết hoạt động của tàu Trung Quốc tại khu vực.
Hiện Trung Quốc chưa bình luận về vụ việc.
Trước đó, vào ngày 1/6, không quân Malaysia cho biết 16 máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc gần xâm phạm không phận nước này.
Malaysia đã phải điều tiêm kích lên ứng phó khi các máy bay Trung Quốc bay vào phạm vi dưới 60 hải lý ngoài khơi bang Sarawak, trên phần đảo Borneo của nước này.
Theo Borneo Post, ngư dân địa phương đã phát hiện tàu Trung Quốc tại cụm bãi cạn Luconia trong nhiều năm.
Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), tính từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã xuất hiện tại khu vực cụm bãi cạn Luconia ít nhất 258 trên tổng số 365 ngày.
Luconia là một trong những bãi cạn lớn nhất trên Biển Đông, trải dài trên diện tích khoảng 1.400 km2. Hiện Trung Quốc, Đài Loan và Malaysia đều tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này.