“Khi thực hiện một số hoạt động như tiến vào không phận của người khác, chúng ta có thể tự đẩy mình vào nguy cơ tính toán sai lầm trong khu vực”, tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh Bộ chỉ huy Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương - nói ngày 4/6 trong cuộc họp báo qua điện thoại - theo AFP.
Tuyên bố của ông Wilsbach được đưa ra sau khi quân đội Malaysia ngày 31/5 cáo buộc 16 vận tải cơ Il-76 và Y-20 Trung Quốc bay theo đội hình chiến thuật trên Biển Đông, và áp sát không phận Malaysia, khiến không quân nước này phải huy động máy bay phản lực ngăn chặn.
Bắc Kinh nói đây chỉ là hoạt động huấn luyện thông thường và máy bay cũng chưa tiến vào không phận Malaysia.
Một đội máy bay Trung Quốc biểu diễn vào năm 2010. Ảnh: Yuxian1122/Wikimedia Commons. |
Cũng tại cuộc họp báo trên, tướng Wilsbach còn nhận định Trung Quốc đã tăng cường số lần xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan - hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ.
Trong những tháng gần đây, tần suất các chuyến bay vượt eo biển từ Trung Quốc đã tăng đáng kể, từ đó gây sức ép đối với năng lực phòng không của Đài Loan.
“Tôi tin rằng đây là chiến thuật của Trung Quốc để gây phí tổn cho lực lượng phòng không Đài Loan”, bằng cách bắt đối phương phải phản ứng mỗi lần có xâm nhập, tướng Wilsbach nhận định.
Đối mặt với năng lực quân đội được cải thiện đáng kể của Trung Quốc, tướng Wilsbach cho biết Không quân Mỹ đang tìm cách luân chuyển khí tài quân sự trong khu vực và đưa chúng tránh xa các căn cứ lớn để giảm rủi ro trở thành mục tiêu.
“Chúng tôi đã quan sát, phân tích, và đánh giá cụ thể trong khu vực để tìm nơi thích hợp cho mỗi bước đi”, tướng Wilsbach nói.
Trung Quốc gần đây gia tăng các yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông, nơi khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 3.000 tỷ USD được chuyên chở bằng tàu bè đi qua mỗi năm.
Ngày 20/3, nhà chức trách Philippines cho biết họ phát hiện khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu trái phép ở đá Ba Đầu.
Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Nhóm tàu này bị Philippines cáo buộc là do “dân quân biển Trung Quốc điều khiển”.
Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc, nói rằng đây chỉ là "tàu cá" đang neo đậu tránh thời tiết xấu. Tuy nhiên, các tàu hiện diện trong nhiều ngày mà không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi, theo AFP.