Malaysia công bố 212 ca nhiễm mới hôm 23/3, tăng vọt ở mức cao chưa từng thấy ở quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch ở Đông Nam Á, nâng tổng số ca nhiễm nước này lên 1.518 với 14 ca tử vong. Phần lớn các ca nhiễm mới liên quan đến buổi cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo ở Kuala Lumpur, nơi có sự tham gia của 16.000 người hồi đầu tháng này.
Cùng ngày, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan thông báo nước này ghi nhận 122 ca nhiễm virus corona mới, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 721.
Singapore cũng ghi nhận mức tăng ca nhiễm mới lớn nhất trong một ngày, với 54 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở đảo quốc sư tử lên tới 509.
Thủ tướng Đức xét nghiệm âm tính lần 1 với virus corona
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nữ chính khách kỳ cựu đang "cảm thấy ổn" trong thời gian tự cách ly. Xét nghiệm lần 1 của bà cho kết quả âm tính với virus corona.
Người đứng đầu chính phủ Đức đang chờ các xét nghiệm khác để đảm bảo tình hình sức khỏe. Bà Merkel phải tự cách ly sau khi một bác sĩ từng tiếp xúc với bà xét nghiệm dương tính với virus corona vào ngày 22/3. Nữ chính trị gia vẫn tiếp tục làm việc từ xa và không rời khỏi nhà.
462 ca tử vong mới ở Tây Ban Nha
Số ca tử vong vì Covid-19 tại Tây Ban Nha đã lên đến 2.182 trường hợp, tăng 462 ca trong một ngày. Số ca bệnh được xác nhận ở nước này tăng vọt từ 28.572 người lên 33.089.
Phó thủ tướng Tây Ban Nha Carmen Calvo ngày 22/3 đã nhập viện vì triệu chứng viêm phổi và đang chờ xét nghiệm Covid-19, theo thông báo của chính phủ Madrid ngày 23/3.
"Phó thủ tướng đã đến một bệnh viện vào trưa hôm qua. Sau khi được các bác sĩ kiểm tra y tế, bà phải ở lại bệnh viện để điều trị viêm phổi", Reuters dẫn thông báo của chính phủ Tây Ban Nha.
Phó thủ tướng Tây Ban Nha Carmen Calvo. Ảnh: Reuters. |
Theo Telegraph, tình trạng khẩn cấp và phong tỏa toàn quốc tại Tây Ban Nha sẽ được kéo dài đến ngày 11/4 và không loại trừ khả năng tiếp tục gia hạn nếu tình hình dịch bệnh còn nghiêm trọng.
Người cao tuổi là nhóm dân số chịu tác động lớn nhất của dịch bệnh. Người trên 80 tuổi chiếm gần 67% tổng số ca tử vong trên toàn quốc. Con số này ở Italy, tâm dịch của châu Âu, chỉ dừng ở 50%. Nhân viên y tế cũng chiếm đến 12% số ca nhiễm trên toàn quốc, cao gấp 3 lần Trung Quốc và nghiêm trọng hơn rất nhiều quốc gia khác.
Chính phủ Tây Ban Nha buộc phải trao quyền lại cho địa phương để tự mua sắm trang thiết bị y tế vì tình trạng thiếu hụt khẩu trang và thiết bị bảo hộ cho y bác sĩ vẫn tiếp diễn bất chấp biện pháp trưng dụng từ trung ương.
Trong khi đó, Iran cũng ghi nhận mức tăng về số ca tử vong, với 127 trường hợp mới, đưa tổng số bệnh nhân qua đời vì Covid-19 lên 1.812 người. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur ngày 23/3 cập nhật số ca nhiễm virus tại nước này tăng 1.411 trường hợp trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca dương tính với virus corona lên 23.049.
Hai tướng Ai Cập qua đời vì nhiễm virus corona
Dịch Covid-19 đang bắt đầu bùng phát tại châu Phi, làm dấy lên quan ngại các nước ở "lục địa đen" sẽ chịu tác động nặng nề vì cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế thiếu hụt nghiêm trọng.
Bộ Trưởng Y tế Nam Phi ngày 23/3 xác nhận số ca dương tính với virus corona ở nước này tăng 128 trường hợp so với ngày 22/3 lên 402 bệnh nhân, tương đương mức tăng gần 40%.
Ở Bắc Phi, Ai Cập cũng ghi nhận đến 327 ca nhiêm và 14 trường hợp tử vong. Hai quan chức quân sự cấp cao tại nước này đã qua đời vì nhiễm virus là Thiếu tướng Shafee Dawood, một lãnh đạo lực lượng công binh, và Thiếu tướng Khaled Shaltuot, lãnh đạo đơn vị quản lý nguồn nước của quân đội.
Ông Shaltout được mô tả đã mắc bệnh sau khi tham gia công tác tẩy độc khử trùng để chống virus lây lan.
Quân đội Anh khảo sát trung tâm triển lãm London cho kịch bản ứng phó Covid-19
Bộ Quốc phòng Anh cho biết một số nhân sự hoạch định chiến lược của quân đội ngày 23/3 đã đến thăm Trung tâm Triển lãm London (ExCel) để đánh giá cơ sở này có thể hỗ trợ được phương diện nào trong nỗ lực ứng phó dịch virus corona, theo Reuters.
Trong khi đó, Thủ tướng Boris Johnson đang lên kế hoạch siết chặt các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội trên toàn quốc. Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh nhấn mạnh thông điệp của chính phủ là "người dân cần ở nhà" để "cứu người, bảo vệ những người chịu rủi ro cao và hỗ trợ Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS)".
Người phát ngôn này cho biết các bộ trưởng sẽ đánh giá dữ liệu về giao tiếp xã hội. Nếu thông tin cho thấy người dân vẫn làm ngơ trước khuyến cáo, "chúng tôi sẽ không ngần ngại có những biện pháp mạnh tay hơn nếu thấy cần thiết", Telegraph dẫn lời.
Trước đó, Telegraph tiết lộ ông Johnson có thể đối diện đánh mất toàn bộ nội các và trợ lý cấp cao nếu không sớm tiến hành phong tỏa thủ đô London, trong đó bao gồm biện pháp hạn chế mọi di chuyển không thiết yếu.
3 bác sĩ qua đời ở Pháp vì nhiễm virus corona
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran xác nhận một bác sĩ tại nước này đã qua đời vào ngày 22/3.
Ông là nhân viên tại khoa cấp cứu và tai nạn ở Compiegne, phía bắc thủ đô Paris. Đây là vùng bùng phát chuỗi lây nhiễm virus corona đầu tiên tại Pháp.
Truyền thông Pháp cũng ghi nhận thêm 2 trường hợp bác sĩ nhiễm virus corona tử vong, gồm một chuyên gia nhãn khoa 66 tuổi và một bác sĩ đa khoa 60 tuổi. Cả hai đều làm việc tại miền Đông nước Pháp, nơi các bệnh viện đang quá tải vì số ca nhiễm virus corona.
Tính đến ngày 23/3, Pháp đã ghi nhận 16.018 ca bệnh Covid-19, trong đó có 674 trường hợp tử vong. Đây là nước có số ca nhiễm cao thứ 4 châu Âu, sau Italy, Đức và Tây Ban Nha.