Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãnh đạo bang ở Mỹ giận dữ vì chính phủ chậm chi viện chống dịch

Việc số ca nhiễm tăng nhanh khiến các bệnh viện ở Mỹ rơi vào cảnh quá tải và thiếu hụt vật tư. Y bác sĩ thậm chí phải tái sử dụng khẩu trang hoặc dùng khăn trùm đầu thay thế.

Các thống đốc, thị trưởng và nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch tại Mỹ hôm 22/3 nói họ vẫn chưa nhận được sự chi viện đáng kể từ chính quyền liên bang, bao gồm khẩu trang và trang thiết bị y tế khác mà các quan chức chính quyền cho biết họ đã gửi đi, theo Politico.

Giữa lúc cuộc đàm phán giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về gói giải ngân chống dịch thứ ba rơi vào bế tắc, áp lực đối với các bệnh viện ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ngày càng gia tăng. Một số thống đốc Dân chủ đang yêu cầu giới chức phối hợp hơn nữa trong phản ứng quốc gia để đưa nhu yếu phẩm đến nơi cần thiết nhanh nhất có thể đến.

Song Tổng thống Donald Trump đã phản pháo các thống đốc, nói họ "không nên đổ lỗi cho chính phủ liên bang về những thiếu sót của chính họ". Ông nói vai trò của chính phủ liên bang là ở đó "để hỗ trợ các vị nếu các vị thất bại, và sẽ luôn như vậy!".

Thiếu thốn khắp nơi

"Chúng tôi đang rất cần (chi viện)", Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy nói với ABC sáng 22/3. "Chúng tôi đã yêu cầu một số lượng lớn từ kho dự trữ chiến lược ở Nhà Trắng. Họ đã đưa cho chúng tôi chỉ một phần nhỏ".

lanh dao bang o my gian du anh 1

Một người đàn ông dùng tã giấy làm khẩu trang tạm thời trên đường phố Brooklyn, New York, hôm 18/3. Ảnh: Reuters.

Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer nhắc lại sự khẩn thiết đó, nói rằng các bệnh viện ở tiểu bang của bà đang xử lý khoảng 800 ca nhiễm virus đã được xác nhận - tăng lên rất nhiều lần so với chỉ một ca 12 ngày trước - và đang phải vật lộn với sự thiếu hụt nghiêm trọng cả bộ dụng cụ xét nghiệm và đồ bảo hộ cho nhân viên y tế.

Tình trạng thiếu thốn đã buộc các bệnh viện phải áp dụng các biện pháp rủi ro như tái sử dụng khẩu trang và cho nhân viên đeo khăn trùm đầu khi không có khẩu trang.

Việc thiếu đồ bảo hộ cá nhân khiến nhân viên y tế có nguy cơ bị nhiễm bệnh hoặc bị cách ly cao hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng nhân sự quá tải hiện nay tại các bệnh viện.

"Chúng tôi phải có số khẩu trang đó", bà Whitmer nói. "Nếu chính phủ liên bang thực sự bắt đầu tập trung khi thấy rõ rằng cả thế giới sẽ đối mặt với chuyện này, chúng ta sẽ đứng ở vị thế mạnh hơn bây giờ... Sẽ có thiệt hại nhân mạng vì chúng ta không chuẩn bị".

Hiệp hội chính đại diện cho các bệnh viện ở Mỹ cũng báo cáo những lỗ hổng đang tồn tại trong đường dây cung cấp, bất chấp việc huy động các khoản chi viện liên bang từ Kho Dự trữ Chiến lược Quốc gia, quyên góp của các doanh nghiệp và các nguồn khác.

"Có nguồn cung. Nhiều người tiếp cận được, nhưng có một kẽ hở và chúng tôi sẽ cần nhiều hơn", Richard Pollack, CEO của Hiệp hội Bệnh viện Mỹ, nói với CBS. "Nếu chúng tôi không bảo vệ nhân viên y tế của mình, hệ thống sẽ sụp đổ hoàn toàn".

Chiến lược chắp vá

Lãnh đạo Cơ quan Xử lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) Peter Gaynor vẽ nên một bức tranh lạc quan hơn trong các lần xuất hiện trên ABCCNN sáng 22/3. Ông nói khẩu trang và các thiết bị khác trong Kho Dự trữ Chiến lược Quốc gia đang trên đường đến các tiểu bang - những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh như Washington, California và New York.

"Chúng đã được phân phối. Chúng đã được phân phối trong vài tuần qua. Chúng đang được vận chuyển hôm nay. Chúng sẽ được giao ngày mai", ông Gaynor nói với ABC.

'Chúng tôi đang vận chuyển từ kho dự trữ quốc gia, chúng tôi đang vận chuyển từ các nhà cung cấp, chúng tôi đang vận chuyển từ nguồn quyên góp. Việc này đang diễn ra".

Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), cũng đưa ra những đảm bảo tương tự trên chương trình Face the Nation của CBS.

"Các tài nguyên đang được sắp xếp sẽ được chuyển trực tiếp đến các điểm nóng cần nhất", ông nói. "Vì vậy, không chỉ New York đang cố gắng tự tìm lấy tài nguyên, mà chúng tôi sẽ đổ vào đó từ chính phủ liên bang. Vì vậy, đây sẽ là sự kết hợp giữa địa phương và liên bang. Nhưng rất, rất rõ ràng đây là ưu tiên rất cao".

lanh dao bang o my gian du anh 2

Một bác sĩ khám cho bệnh nhân làm xét nghiệm virus corona tại Bệnh viện St. Barnabas ở New York. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, ông Gaynor và các quan chức chính quyền khác đã bỏ qua các câu hỏi lặp đi lặp lại về việc chính xác có bao nhiêu khẩu trang đang được chuyển đi và khi nào chúng sẽ đến tay các bác sĩ và y tá cần chúng.

"Tôi không thể cho bạn một con số chung chung", ông nói trong một cuộc phỏng vấn khác trên CNN, nói thêm rằng các thống đốc không nên phụ thuộc vào các khoản giải ngân liên bang và nên tự mình tìm kiếm khẩu trang và các trang thiết bị khác.

"Nếu bạn tìm thấy nó trên thị trường, hãy tiến tới mua. FEMA sẽ hoàn trả số tiền này", ông nói. "Đây là trách nhiệm chung".

Một số thống đốc đã phản ứng, cảnh báo rằng việc để các bang đọ sức với nhau, với chính phủ liên bang và với các quốc gia khác trong cuộc chiến đấu thầu trên thị trường tư nhân không phải là cách ứng phó trước một đại dịch đòi hỏi phải có phản ứng phối hợp ở cấp quốc gia để có được và phân bổ hàng hóa khẩn cấp.

"Đó là một khu vực rộng lớn, Miền Tây Hoang dã... ngoài kia", Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker nói về những nỗ lực của ông để có được hàng hóa. "Và thực sự chúng tôi đã trả tiền quá cao (cho trang thiết bị bảo hộ cá nhân) vì sự cạnh tranh đó".

"Chúng tôi cần chính phủ liên bang cung cấp cho chúng tôi những bộ dụng cụ xét nghiệm đó", bà Whitmer nói. "Và nói thẳng đó là một chiến lược chắp vá trong đó mỗi bang làm những gì họ có thể - chúng tôi sẽ làm điều đó nếu chúng tôi phải làm, nhưng sẽ rất tốt nếu có một chiến lược quốc gia".

Không thể chờ đến khi có thêm người chết

Các thống đốc, các nhà lập pháp và thị trưởng cuối tuần qua tiếp tục yêu cầu Nhà Trắng sử dụng quyền hạn theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để đẩy mạnh tốc độ sản xuất khẩu trang, máy thở và các sản phẩm khan hiếm khác vì nhiều bệnh viện cho biết họ sẽ hết những thứ này trong vòng vài ngày tới.

Ông Trump cũng nói trên Twitter sáng 22/3 rằng ông đã cho phép một số công ty xe hơi sản xuất máy thở và các "sản phẩm kim loại" không rõ khác cho các bệnh viện, nhưng không nói cụ thể lộ trình hay số lượng cung ứng.

Việc chuyển nhà máy sản xuất ô tô thành nơi sản xuất trang thiết bị y tế không thể xảy ra ngay lập tức và có thể mất vài tháng. Trong khi đó, các bệnh viện cần trợ giúp ngay lập tức.

"Chúng tôi không thấy bất cứ chỉ dấu nào cho thấy bất cứ nhà máy nào làm việc 24/7. Chúng tôi không nhận được lô hàng nào", Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio nói trên NBC. "Tôi không thể nói thẳng hơn: Nếu tổng thống không hành động, mọi người sẽ chết, dù lẽ ra họ đã có thể sống nếu không như vậy".

Ông De Blasio cũng kêu gọi tổng thống lập tức triển khai nhân sự y tế của quân đội tới các điểm nóng virus corona như thành phố của ông.

"Toàn bộ nhân sự được đào tạo về y tế của quân đội nên được cử đến những nơi gặp khủng hoảng sâu sắc, như New York, ngay bây giờ", ông nói. "Tại sao họ lại ở căn cứ của họ? Tại sao họ không được phép phục vụ? Tôi đảm bảo với bạn họ sẵn sàng phục vụ. Nhưng tổng thống phải ra lệnh".

lanh dao bang o my gian du anh 3

Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua gói giải ngân thứ ba để ứng phó với virus corona, tính đến hôm 22/3. Ảnh: Reuters.

Dù ông Trump đã ký đạo luật quốc phòng vào tuần trước, ông Gaynor xác nhận rằng chính quyền vẫn chưa sử dụng nó để yêu cầu bất kỳ công ty nào sản xuất thêm sản phẩm. Ông cho rằng một bước đi như vậy là không cần thiết vì các công ty đã tăng cường sản xuất.

"Chúng ta đã không phải sử dụng nó, bởi vì các công ty trên khắp đất nước, các bên quyên góp, họ đang nói "Chúng tôi có thể làm gì để giúp bạn?' Và điều đó xảy ra mà không cần sử dụng - đòn bẩy đó", ông nói. "Nếu đến một lúc mà chúng tôi phải sử dụng đòn bẩy đó, chúng tôi sẽ làm".

Cả trong các cuộc gọi riêng với Nhà Trắng và trong các cuộc phỏng vấn công khai, các nhà lập pháp đều khẳng định rằng phải hành động ngay lúc này.

"Chúng ta không thể đợi cho đến khi số lượng người chết thực sự lớn để bắt đầu sản xuất, đặc biệt là các thiết bị phức tạp hơn như máy thở và giường bệnh viện", Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez của bang New York nói với CNN.

"Chúng ta cần bắt đầu sản xuất ngay bây giờ để sẵn sàng cho sự gia tăng sắp xảy ra trong hai đến ba tuần tới"

Vào tối 22/3, ông Trump đã công bố một vài con số cụ thể trong cuộc họp tại Nhà Trắng của lực lượng chuyên trách chống dịch, tập trung vào các thiết bị và vật tư trên đường đến New York và bang Washington.

"Và chúng ta có nhiều, rất nhiều thứ đang chờ xử lý", ông Trump nói. "Thực ra không phải đang chờ xử lý, chúng đang được chế tạo, chúng đang được làm ra. Và chúng đang được chuyển đi".

Mỹ điều tàu bệnh viện để giải quyết khủng hoảng vì dịch Covid-19 Vì virus corona đang lan rộng khắp nơi, chính phủ Mỹ yêu cầu lực lượng hải quân triển khai 2 tàu vận chuyển bệnh viện đến vùng bị nhiễm dịch nặng nề để điều trị cho các bệnh nhân.

Mỹ cắt chuyên gia y tế tại TQ trước khi dịch bệnh xảy ra ở Vũ Hán

Việc Mỹ cắt bỏ vị trí của một chuyên gia về dịch bệnh có thể đã khiến Washington cũng như các nước không kịp thời nắm bắt tình hình bùng phát virus corona ở Trung Quốc từ sớm.

Gói cứu trợ kinh tế nghìn tỷ USD chưa được thông qua ở Mỹ

Số phận gói cứu trợ khổng lồ nhằm giải cứu kinh tế Mỹ thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 đang “lơ lửng” sau khi không nhận được lá phiếu nào của đảng Dân chủ ngày 22/3.

TT Trump bức xúc vì Trung Quốc thiếu minh bạch về dịch bệnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/3 nói ông “bức xúc” vì Trung Quốc thiếu hợp tác, thiếu minh bạch trong những ngày đầu của dịch Covid-19.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm