Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ cắt chuyên gia y tế tại TQ trước khi dịch bệnh xảy ra ở Vũ Hán

Việc Mỹ cắt bỏ vị trí của một chuyên gia về dịch bệnh có thể đã khiến Washington cũng như các nước không kịp thời nắm bắt tình hình bùng phát virus corona ở Trung Quốc từ sớm.

Vài tháng trước khi đại dịch virus corona bắt đầu, chính quyền Trump đã rút về một chuyên gia y tế công cộng quan trọng của Mỹ tại Bắc Kinh, người hỗ trợ phát hiện dịch bệnh ở Trung Quốc, theo Reuters.

Chuyên gia người Mỹ, một nhà dịch tễ học được phái cử thường trú tại cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, đã rời khỏi vị trí vào tháng 7/2019, theo bốn nguồn tin.

Các ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên có thể xuất hiện vào đầu tháng 11 và khi dịch bệnh bùng phát mạnh, chính quyền Trump hồi tháng 2 lên án Trung Quốc vì che giấu thông tin về dịch bệnh và không cho các chuyên gia Mỹ vào nước này để trợ giúp.

"Thật đau lòng khi chứng kiến", tiến sĩ Bao-Ping Zhu, một người Mỹ gốc Hoa từng đảm nhiệm vai trò này, vị trí được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) trả lương, từ năm 2007 đến năm 2011, cho hay.

"Nếu có ai đó ở đó, giới chức y tế công cộng và chính phủ các nơi trên khắp thế giới đã có thể hành động nhanh hơn nhiều".

my cat tai mat o trung quoc anh 1

Một diễn viên múa ballet đeo mặt nạ phòng độc trình diễn trên đường phố New York hôm 18/3. Ảnh: Reuters.

Vị trí lý tưởng để làm "tai mắt"

Ông Zhu và các nguồn tin khác cho biết, chuyên gia người Mỹ nói trên, tiến sĩ Linda Quick, là người đào tạo cho các nhà dịch tễ học Trung Quốc được triển khai đến các vùng tâm dịch để giúp theo dõi, điều tra và ngăn chặn dịch bệnh.

Họ nói bà Quick, với tư cách người của CDC Mỹ, là vị trí lý tưởng để làm "tai mắt" giúp Mỹ và các nước khác nắm bắt tình hình bùng phát virus corona tại thực địa, và lẽ ra đã có thể cảnh báo họ về mối đe dọa ngày càng gia tăng sớm hơn nhiều tuần.

Không có chuyên gia về dịch bệnh nào của nước ngoài được đưa đến để dẫn dắt chương trình sau khi bà Quick rời đi vào tháng 7, theo các nguồn tin. Ông Zhu cho biết một chuyên gia thường trú có thể nắm được thông tin về dịch bệnh từ sớm, sau khi hình thành mối quan hệ thân thiết với các đối tác Trung Quốc.

Ông Zhu và các nguồn khác cho biết bà Quick lẽ ra đã có thể cung cấp thông tin theo thời gian thực cho Mỹ và giới chức trên thế giới trong những tuần đầu tiên của dịch bệnh, những tuần mà Washington nói rằng chính phủ Trung Quốc đã ngăn chặn việc tiết lộ thông tin và đưa ra những đánh giá sai lầm.

Bà Quick rời đi trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vướng vào cuộc chiến thương mại cay đắng và bà biết rằng vị trí của bà - vai trò được biết đến với tên gọi chính thức là cố vấn thường trú cho Chương trình Đào tạo Dịch tễ học Địa phương của Mỹ tại Trung Quốc, hưởng lương từ ngân sách liên bang - sẽ bị cắt giảm kể từ tháng 9.

CDC Mỹ nói họ lần đầu hay tin về một "cụm 27 người mắc bệnh viêm phổi" không rõ nguyên nhân tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 31/12.

Kể từ đó, dịch Covid-19, bệnh do virus corona chủng mới gây ra, đã lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới, làm tử vong hơn 14.600 người trong hơn 336.000 người nhiễm virus. Dịch bệnh đã gây quá tải cho hệ thống y tế ở một số quốc gia, bao gồm Italy và có thể sắp tới ở Mỹ và những nơi khác.

my cat tai mat o trung quoc anh 2
Rào chắn được dỡ bỏ trên đường phố Vũ Hán hôm 21/3, hai tháng sau khi thành phố ở miền Trung Trung Quốc bị phong tỏa hoàn toàn để ngăn chặn virus corona lây lan. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc họp báo hôm 22/3 không lâu sau khi câu chuyện này được đăng tải, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói bài viết của Reuters giống như những câu chuyện khác liên quan đến CDC Mỹ mà ông mô tả là "sai 100%", song không đề cập đến việc liệu vị trí của bà Quick tại Trung Quốc có phải đã bị cắt bỏ hay không.

Tiến sĩ Robert Redfield, Giám đốc CDC Mỹ, khẳng định sự hiện diện của cơ quan này tại Trung Quốc "thực tế đang được tăng cường khi chúng ta nói chuyện này", mà không giải thích thêm.

Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, CDC Mỹ nói rằng việc rút bỏ vị trí cố vấn không cản trở khả năng thu thập thông tin của Washington, và "hoàn toàn không liên quan đến việc CDC không hay biết về các ca (nhiễm virus) ở Trung Quốc từ sớm".

Cơ quan này cho biết quyết định rút bỏ cố vấn thường trú "đã bắt đầu từ trước mùa hè năm ngoái và là do năng lực kỹ thuật xuất sắc của Trung Quốc và sự chín muồi của chương trình".

CDC Mỹ cho biết họ đã cử hai nhân viên gốc Hoa của họ làm "cố vấn" cho chương trình đào tạo. Cơ quan này không trả lời các câu hỏi về vai trò hoặc chuyên môn cụ thể của các "cố vấn" này.

"CDC Mỹ đã có 30 năm làm đối tác với CDC Trung Quốc và hai bên hợp tác chặt chẽ", tuyên bố cho biết. "Chúng tôi có đội ngũ nhân sự phù hợp để làm việc với Trung Quốc và có khả năng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nếu được yêu cầu".

Yêu cầu bình luận về tính minh bạch và khả năng ứng phó của Trung Quốc với dịch bệnh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Reuters xem phát biểu của người phát ngôn Cảnh Sảng hôm 20/3.

Ông Cảnh cho biết nước này đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ, toàn diện nhất và triệt để nhất một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm, và đã thông báo cho (Tổ chức Y tế Thế giới - WHO) cũng như các quốc gia và khu vực có liên quan về tình hình mới nhất một cách kịp thời".

Một chuyên gia về dịch bệnh nói với Reuters rằng ông hoài nghi việc cố vấn thường trú của Mỹ sẽ có thể có được thông tin sớm hơn hoặc tốt hơn cho chính quyền Trump, do chính phủ Trung Quốc đã che giấu thông tin.

"Rốt cuộc, xét theo hoàn cảnh ở Trung Quốc, có lẽ điều đó sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn", Scott McNabb, nhà dịch tễ học làm việc tại CDC Mỹ trong 20 năm và hiện là giáo sư nghiên cứu tại Đại học Emory, nhận xét.

"Vấn đề là Trung Quốc đã xử lý như thế nào. Điều đáng lẽ nên thay đổi là Trung Quốc nên thừa nhận chuyện đó sớm hơn và họ đã không làm vậy".

Cảnh báo từ CDC Trung Quốc

Alex Azar, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), hôm 20/3 cho biết cơ quan của ông đã biết về virus corona chủng mới vào đầu tháng 1, dựa trên các cuộc trò chuyện của tiến sĩ Redfield với "các đồng nghiệp Trung Quốc".

Ông Redfield biết rằng "đây có vẻ là một chủng virus corona" mới từ tiến sĩ Cao Phúc, người đứng đầu CDC Trung Quốc, theo một quan chức giấu tên của HHS. "Tiến sĩ Redfield đã luôn nói chuyện với tiến sĩ Cao", quan chức này cho hay.

Ông Zhu và các nguồn tin khác cho biết các nhà lãnh đạo Mỹ lẽ ra không nên dựa vào giám đốc CDC Trung Quốc để cập nhật tình hình và đưa ra cảnh báo. Nói chung, giới chức Trung Quốc đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trong những tuần đầu và không thừa nhận bằng chứng về việc virus lây từ người sang người cho đến ngày 20/1.

Sau khi dịch bệnh bùng nổ và Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, các quan chức chính quyền Trump chỉ trích Trung Quốc kiểm duyệt thông tin về dịch bệnh và Mỹ đã không thể đưa các chuyên gia của Mỹ đến Trung Quốc để giúp ngăn chặn sự lây lan.

my cat tai mat o trung quoc anh 3

Hình bác sĩ Lý Văn Lượng tại Prague, thủ đô Cộng hòa Czech. Bác sĩ Lý là một trong những người đầu tiên lên tiếng về dịch bệnh tại Vũ Hán, nhưng bị công an triệu tập cảnh cáo và sau đó đã qua đời vì nhiễm virus. Ảnh: Reuters.

Ông Azar nói với CNN hôm 14/2 rằng ông và ông Redfield đã chính thức đề nghị cử một nhóm của CDC Mỹ đến Trung Quốc vào ngày 6/1 nhưng đến khi đó vẫn chưa nhận được sự cho phép của Trung Quốc. HHS là cơ quan chủ quản của CDC Mỹ.

"Tiến sĩ Redfield và tôi đã đưa ra lời đề nghị vào ngày 6/1 - 36 ngày trước, 60.000 ca nhiễm và 1.300 ca tử vong", ông Azar nói.

"Chúng tôi đã đề nghị đưa các chuyên gia của CDC Mỹ đến để hỗ trợ các đồng nghiệp Trung Quốc đi đến tận cùng của các câu hỏi khoa học quan trọng như: Bệnh này lây truyền như thế nào? Mức độ nghiêm trọng ra sao? Thời gian ủ bệnh bao lâu hay có thể có lây truyền dù không triệu chứng hay không?".

Vài ngày sau, WHO được phép cử một nhóm bao gồm hai chuyên gia của Mỹ đến Trung Quốc. Nhóm này đã ở Trung Quốc từ ngày 16 đến ngày 24/2. Đến lúc đó, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 75.000 ca nhiễm.

Vào ngày 25/2, ngày đầu tiên CDC Mỹ cảnh báo công chúng Mỹ sẵn sàng cho việc dịch bệnh bùng phát tại nước này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc ứng phó sai cách trước dịch bệnh, với việc "kiểm duyệt" sự lên tiếng của chuyên gia y tế và truyền thông.

Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi kể từ đó cùng với việc ông Trump gọi virus corona chủng mới là "virus Trung Quốc" - cách gọi mà Trung Quốc đã lên án là kỳ thị. Tuần trước, chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng người Mỹ từ ba tổ chức tin tức của Mỹ, bao gồm New York Times , Washington Post và Wall Street Journal, sẽ bị trục xuất khỏi Trung Quốc.

Từ bạn bè thành đối thủ

Quyết định cắt bỏ vị trí của bà Quick được đưa ra khi CDC Mỹ cố gắng giảm bớt số lượng nhân sự người Mỹ tại Trung Quốc trong hai năm qua, các nguồn tin nói với Reuters.

"Chúng tôi đã rút về nhiều chuyên gia y tế công cộng", một chuyên gia nói.

Tuy nhiên, CDC Mỹ khẳng định rằng nhân sự không phải là vấn đề và động thái này không phải là lý do của việc không nắm bắt thông tin. "Không phải sự thiếu hụt nhân sự làm hạn chế khả năng của chúng tôi", họ nói.

Đội ngũ CDC Mỹ tại Bắc Kinh hiện có ba công dân Mỹ giữ vai trò thường trực, một người Mỹ tạm thời và khoảng 10 người quốc tịch Trung Quốc, cơ quan này cho biết. Trong số nhân sự người Mỹ, một người là chuyên gia bệnh cúm với chuyên môn về bệnh đường hô hấp. Virus mới không gây ra cúm, dù đó là bệnh đường hô hấp.

Nhóm này, ngoại trừ bà Quick, được phân đến các cơ sở của Đại sứ quán Mỹ. Không có nhân viên nào của CDC Mỹ ngoài bà Quick thường trú tại cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, các nguồn tin cho biết.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới giảm đáng kể, kết quả của việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn quyết liệt, bao gồm việc phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, nơi sinh sống của 60 triệu người.

my cat tai mat o trung quoc anh 4

Nhân viên y tế chăm sóc một trẻ sơ sinh nhiễm virus corona tại Bệnh viện Nhi Vu Hán hôm 16/3. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết, Mỹ có thể sử dụng những người như bà Quick với các liên hệ tại thực địa, đặc biệt nếu lo ngại đợt bùng phát thứ hai xảy ra.

Thomas R. Frieden, cựu giám đốc CDC Mỹ, nói rằng nếu cố vấn thường trú của Mỹ vẫn ở Trung Quốc, "có thể chúng ta sẽ biết nhiều hơn về cách thức chủng virus corona này lây lan và cách nào hiệu quả nhất để ngăn chặn nó".

Tiến sĩ George Conway, nhà dịch tễ học quen biết bà Quick và từng làm cố vấn thường trú từ năm 2012 đến năm 2015, cho biết việc chi trả cho vị trí này đã gặp khó khăn trong nhiều năm, vì cuộc tranh cãi lâu năm giữa các quan chức y tế Mỹ về việc có nên để Trung Quốc trả tiền cho chương trình đào tạo của chính họ hay không.

Tuy nhiên, kể từ khi chương trình đào tạo được triển khai năm 2001, nó không chỉ giúp củng cố hàng ngũ các nhà dịch tễ học Trung Quốc trong lĩnh vực này, mà còn thúc đẩy mối quan hệ đồng nghiệp giữa giới chức y tế công cộng ở hai nước

"Chúng tôi đến đó với tư cách là những nhà ngoại giao uy tín và trở về như những đồng nghiệp thân thiết và thường là bạn bè", ông Conway nói.

Năm 2007, tiến sĩ Robert Fontaine, nhà dịch tễ học của CDC Mỹ và là một trong những quan chức Mỹ phục vụ lâu nhất ở vị trí cố vấn thường trú, được trao tặng vinh dự cao nhất của Trung Quốc nhờ giúp phát hiện và điều tra các cụm bệnh nhân viêm phổi không rõ nguyên nhân.

Song kể từ năm ngoái, theo ông Frieden và những người khác, căng thẳng gia tăng giữa chính quyền Trump và lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đã gây tổn hại cho sự hợp tác.

"Thông điệp từ chính quyền là 'Không làm việc với Trung Quốc, họ là đối thủ của chúng ta'", ông Frieden nói.

Chiến dịch tái tranh cử của ông Trump đã đưa ra một tuyên bố vào tối 22/3, nói tranh cãi về việc cắt giảm nhân sự của CDC Mỹ là vấn đề đã bị chính trị hóa.

"Đảng Dân chủ rất muốn chính trị hóa cuộc khủng hoảng virus corona và biến vấn đề thành vũ khí để chống lại Tổng thống Trump", tuyên bố nói. "Làm như vậy, họ đã đứng về phía Trung Quốc và bao che cho sự giấu giếm của Bắc Kinh".

Mỹ điều tàu bệnh viện để giải quyết khủng hoảng vì dịch Covid-19 Vì virus corona đang lan rộng khắp nơi, chính phủ Mỹ yêu cầu lực lượng hải quân triển khai 2 tàu vận chuyển bệnh viện đến vùng bị nhiễm dịch nặng nề để điều trị cho các bệnh nhân.

'Cách ly ở Bắc Kinh, tôi chứng kiến cách Trung Quốc chống dịch'

Ở đỉnh điểm của dịch Covid-19 ở Trung Quốc, người dân Bắc Kinh phải chịu nhiều biện pháp nghiêm ngặt. Nhờ vậy, dịch bệnh được đẩy lùi và mọi hoạt động đang dần phục hồi.

Gói cứu trợ kinh tế nghìn tỷ USD chưa được thông qua ở Mỹ

Số phận gói cứu trợ khổng lồ nhằm giải cứu kinh tế Mỹ thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 đang “lơ lửng” sau khi không nhận được lá phiếu nào của đảng Dân chủ ngày 22/3.

Đông Phong

Theo Reuters

Bạn có thể quan tâm