Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Malaysia siết quản lý với Grab vì cáo buộc tăng giá cước

Grab nhiều lần bị cáo buộc tăng giá cước từ sau thương vụ sáp nhập với Uber. Cơ quan chức năng Malaysia đang quản lý chặt chẽ hơn với hãng gọi xe này.

Theo Nikkei, chính quyền Malaysia hôm 12/7 vừa thông báo các công ty ứng dụng gọi xe theo yêu cầu sẽ chịu quản lý chặt hơn. Đây được xem là động thái để tạo "môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn" cho các hãng taxi truyền thống.

Kể từ 13/7, các tài xế đối tác của những hãng như Grab sẽ phải có giấy phép hành nghề dịch vụ vận tải công cộng. Đây là chính sách nhằm nâng tính chuyên nghiệp của tài xế và đảm bảo lái xe không có tiền án tiền sự.

Các phương tiện trên 3 năm tuổi sẽ buộc phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng hàng năm. Các lái xe sẽ có một năm để chấp hành theo quy định mới.

Các quy định trên, bao gồm việc mở rộng phạm vi bảo hiểm, phúc lợi đã được áp dụng với taxi truyền thống từ trước đó.

grab mua lai uber anh 1

Cơ quan chức năng Malaysia đang muốn siết quản lý với Grab

Năm 2017, Malaysia là nước đầu tiên tại Đông Nam Á hợp pháp hóa các dịch vụ gọi xe theo nhu cầu qua ứng dụng bằng cách sửa đổi các quy định hiện hành. Qua đó, các hãng gọi xe như Grab có cơ hội để mở rộng phạm vi hoạt động.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia ông Anthony Loke cho hay các dịch vụ gọi xe đang phát triển lượng khách hàng nhanh chóng với số lượng cuốc xe mỗi tháng đạt 18 triệu cuốc/tháng trong năm 2018, tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước.

"Chúng tôi muốn tạo một sân chơi bình đẳng cho các bên", ông Loke cho hay.

Chính phủ đã nhận rất nhiều cáo buộc về việc Grab tăng giá cước kể từ sau thương vụ này và đang điều tra về khả năng độc quyền thị trường của Grab.

Đáp lại, Grab cho rằng hãng đang hỗ trợ các tài xế đối tác trong giai đoạn chuyển đổi cũng như làm việc cùng chính phủ để cải thiện tiêu chuẩn của phương tiện giao thông công cộng.

"Chúng tôi cam kết sẽ làm việc cùng chính phủ để ủng hộ một khung chính sách cân bằng giúp tạo nên môi trường cạnh tranh bình đẳng", giám đốc thị trường Malaysia của Grab nhận định.

Malaysia có khoảng 200.000 tài xế lái xe dịch vụ qua ứng dụng và một phần tư trong số này làm việc toàn thời gian. Để so sánh, chỉ có khoảng 67.000 xe taxi đang hoạt động tại Malaysia.

grab mua lai uber anh 2
Nhiều quốc gia tại Đông Nam Á đang lo ngại thương vụ giữa Uber và Grab có thể nảy sinh tình trạng độc quyền. Ảnh: CNA.

Theo New York Times, Mỹ cũng từng có động thái tương tự với các ứng dụng gọi xe khi một vài bang của nước này áp quy định với xe chạy qua ứng dụng như với taxi truyền thống. 

Nhiều người cho rằng sự trỗi dậy của các dịch vụ gọi xe qua ứng dụng là do dịch vụ yếu kém của các hãng taxi truyền thống. Cơ quan quản lý nhiều nước đã không mạnh tay xử lý các vi phạm của lái xe taxi truyền thống vì cho rằng lực lượng này thuộc nhóm thu nhập thấp. Tới khi có cạnh tranh mạnh mẽ tới từ các ứng dụng gọi xe, rất nhiều lái xe taxi đã mất việc và tạo nên vấn đề mới là tăng giá cước.

Grab đã nổi lên và trở thành cái tên lớn nhất tại thị trường Malaysia sau khi mua lại mảng vận hành của Uber tại Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, Grab vẫn chưa thể mở rộng dịch vụ Grabcar thêm vì đề án thí điểm của Bộ GTVT chỉ cho phép hãng vận hành tại 5 tỉnh/thành phố.

Thương vụ Grab mua Uber có khả năng bị Singapore hủy bỏ

Cơ quan chức năng Singapore đang yêu cầu Grab không lợi dụng sự độc quyền thị trường và trong trường hợp xấu nhất, nước này có thể yêu cầu hủy bỏ thương vụ giữa Uber và Grab.



Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm