Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương vụ Grab mua Uber có khả năng bị Singapore hủy bỏ

Cơ quan chức năng Singapore đang yêu cầu Grab không lợi dụng sự độc quyền thị trường và trong trường hợp xấu nhất, nước này có thể yêu cầu hủy bỏ thương vụ giữa Uber và Grab.

Singapore đang yêu cầu Grab phải hạ giá cước và điều chỉnh một phần hoạt động kinh doanh sau khi cáo buộc hãng này đang lợi dụng sự thống trị thị trường sau khi thâu tóm mảng hoạt động tại Đông Nam Á của Uber.

Theo đó, Cục Cạnh tranh và tiêu dùng Singapore yêu cầu Grab phải bãi bỏ nhiều hạn chế với lái xe đối tác, phục hồi công thức tính giá cũ (trước khi sát nhập với Uber Đông Nam Á) và trả các khoản phạt tài chính. Quyết định trên dựa vào những khiếu nại gần đây của chính tài xế đối tác và khách hàng của Grab.

grab mua lai uber anh 1

Thương vụ Grab mua Uber có khả năng bị cơ quan chức năng Singapore yêu cầu hủy bỏ

. Ảnh: CNA.

Bên cạnh đó, Uber cũng sẽ phải bán lại công ty con chuyên cho tài xế đối tác thuê xe cho một đối thủ cạnh tranh khác với giá hợp lý, không được phép bán lại mảng này cho Grab mà không có sự đồng ý của Cục.

Động thái trên diễn ra ngay khi Go-Jek, đối thủ lớn của Grab tại Đông Nam Á, chuẩn bị gia nhập thị trường Singapore để gia tăng sức ép với Grab.

Thương vụ giữa Uber và Grab diễn ra hồi tháng 3/2018, theo đó, Grab sẽ thâu tóm toàn bộ mảng hoạt động của Uber tại Đông Nam Á. Đổi lại, Uber sẽ nhận về 27,5% cổ phần của Grab.

Thương vụ trên nằm trong chiến lược giảm lỗ toàn cầu Uber để chuẩn bị cho việc hãng này chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu vào năm 2019. Do đó nếu có bất kỳ thay đổi lớn nào, lộ trình của Uber sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

"Tình thế hiện tại là kết quả điển hình của việc độc quyền", ông Zafar Momin, Giáo sư Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định. "Các nhà chức trách lo ngại về công ty con cho thuê xe của Uber bởi đây là đơn vị khá lớn và sẽ làm kiên cố thêm đế chế độc quyền của Grab, giới hạn sự lựa chọn của các tài xế. Quyết định trên rất có lợi cho Go-Jek", giáo sư này nói thêm.

Grab phản hồi quyết định trên bằng nhận định hãng không đồng ý với phán xử của cơ quan chức năng Singapore, đồng thời cho rằng Grab không phải là đơn vị duy nhất đang vận hành ứng dụng gọi xe theo yêu cầu và các nhà lập pháp đang không tính tới sự xuất hiện của những đối thủ cạnh tranh mới trong tương lai gần. 

"Quyết định và đề xuất của cơ quan quản lý đang can thiệp thô bạo và đi ngược lại tinh thần tiến bộ và tinh thần ủng hộ quản lý kinh doanh của Singapore", Grab nhận định. "Chúng tôi sẽ có những động thái cần thiết để kháng nghị quyết định trên".

Thương vụ giữa Grab và Uber được chống lưng bởi SoftBank, quỹ đầu tư lớn tới từ Nhật Bản. Hiện SoftBank có khoảng 15% cổ phần tại Uber và một lượng không nhỏ cổ phần tại Grab.

"Cục Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore cho rằng thương vụ trên đã xóa bỏ sự cạnh tranh giữa Uber và Grab, hai đơn vị bám đuổi sát nhau nhất trên thị trường", cơ quan trên nhận định.

Trong các giải pháp khác được đưa ra có cả đề xuất về việc loại bỏ các thỏa thuận độc quyền với tài xế và các hãng taxi. Cơ quan trên cho hay đang tiếp thu ý kiến dư luận về các giải pháp và có thể sẽ yêu cầu Grab và Uber hủy hoàn toàn thương vụ trừ khi "các ý kiến từ dư luận khẳng định các giải pháp đưa ra đã thỏa đáng". Hai hãng có 15 ngày để phản hồi cơ quan chức năng.

Đơn vị cho thuê xe của Uber hiện có khoảng 14.000 xe. Hãng taxi lớn nhất Singapore từng muốn mua 51% cổ phần của đơn vị này, tuy nhiên thương vụ giữa Uber và Grab đã khiến ý định trên phá sản hoàn toàn. 

Thương vụ sáp nhập Uber - Grab qua các con số Theo dõi phản ứng của người dùng mạng xã hội, đa phần cả khách hàng và lái xe đều có những phản ứng tiêu cực với thông tin Uber rời khỏi thị trường.

Ứng dụng xe công nghệ ồ ạt ra mắt, 'cửa' nào để cạnh tranh với Grab?

Thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam chưa lúc nào sôi động như thời điểm này, khi một loạt ứng dụng ra đời. Tuy nhiên, để cạnh tranh với vị trí thống lĩnh của Grab là không dễ.


Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm