Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, diễn ra ngày 23/12 là dịp để ghi nhận các thành tựu số của người Việt.
"Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cần đi tiên phong, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc chuyển đổi công nghệ số vì một Việt Nam hùng cường", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong thư gửi tới diễn đàn.
Trước đó, diễn đàn năm 2019 đã đưa ra tuyên bố "Make in Vietnam" để phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, sử dụng công nghệ để giải bài toán Việt Nam.
"Không Make in Vietnam không thể ra thế giới"
Mở đầu diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh lý do Việt Nam cần theo đuổi tầm nhìn Make in Vietnam.
"Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Vietnam thì chúng ta không thể đi ra thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Make in Vietnam là chiến lược cần thiết để Việt Nam bước ra thế giới. Ảnh: MS. |
Sau một năm kể từ khi chiến lược Make in Vietnam được thực hiện, Việt Nam đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 28%. Bộ trưởng TT&TT cho rằng mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể hoàn thành sớm hơn, vào năm 2025.
Từ chiến lược này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tập trung hơn để đưa ra các sản phẩm số, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống Covid-19 trong suốt năm qua.
Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Vietnam thì chúng ta không thể đi ra thế giới.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
"Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta đã không làm được như vậy", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những nước làm chủ hạ tầng 5G, sản xuất thiết bị 5G. Công nghệ mở là lời giải cho chiến lược dài hàng chục năm để xây dựng Việt Nam số.
Những câu chuyện chuyển đổi số của Việt Nam
Các diễn giả tới từ Viettel, FPT, VNPT đã chia sẻ những câu chuyện chuyển đổi số, Make in Vietnam của doanh nghiệp mình.
"Việt Nam đã có tên ở trên bản đồ số thế giới", Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ. Theo ông Bình, lực lượng công nghệ thông tin của Việt Nam hiện ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam và cả các nước khác.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT. Ảnh: MS. |
Trong khi đó, ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty VinBrain lại chia sẻ cách công ty sử dụng công nghệ AI cho lĩnh vực y tế. Ông Hùng cho rằng cơ hội để trở thành công ty đứng đầu về trí tuệ nhân tạo cho y tế vẫn còn.
"AI cho y tế, chưa nghe thấy tên tuổi đứng đầu", ông Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank chia sẻ việc định hướng ngân hàng số đã giúp TPBank có lợi thế riêng để cạnh tranh với những ngân hàng lớn, lâu đời. Từ vị trí chót bảng, TPBank giờ đây đã lọt vào top 10 ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam.
Việt Nam cần làm chủ và đưa ra giải pháp của mình
Trao đổi ở cuối chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mở đầu bằng câu chuyện dịch Covid-19, vì cách đây một năm không ai nghĩ có thể xuất hiện chủng virus đảo lộn cả thế giới. Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam đã phần nào vượt qua đại dịch nhờ biết những điểm mạnh, hạn chế của mình.
Từ đó, Việt Nam có thể đưa ra giải pháp đúng, nhanh, kịp thời, phối hợp giữa cả những chuyên gia về y tế và nhiều lĩnh vực khác, trong đó có công nghệ thông tin.
Phó Thủ tướng khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ đối với tất cả sáng kiến, nhằm khơi dậy niềm tự hào, khát vọng và sự thôi thúc của người Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ, tạo ra các giải pháp mới, chủ động thiết kế và làm ra những sản phẩm mới có chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam.
"Chúng ta nói Make in Vietnam không hàm ý là Việt Nam sẽ tự làm tất cả. Cũng như từ trước, Việt Nam luôn đặt mình là một phần của thế giới. Những gì Việt Nam có được ngày hôm nay, cả về công nghệ thông tin nói riêng, kinh tế xã hội nói chung, là nhờ chúng ta đã nêu cao tinh thần cởi mở, hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho tất cả đối tác đều có thể làm ăn và tham gia vào phát triển Việt Nam", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: MS. |
Đại diện của chính phủ khẳng định Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chủ động nắm bắt công nghệ, tự tin thiết kế và làm ra các sản phẩm của mình, sáng tạo ra những giải pháp và cách làm của mình thì chính việc cạnh tranh ngay trên sân nhà cũng không bình đẳng.
Chúng ta không tham vọng thay tất cả tập đoàn khổng lồ trên thế giới, làm tất cả công nghệ nền tảng. Quan trọng nhất là chúng ta dùng, làm chủ và có giải pháp của mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
"Chúng ta muốn đất nước đi nhanh hơn được thì chúng ta phải nhanh hơn nữa, bằng giải pháp của Việt Nam. Công nghệ chưa cần hoàn toàn của Việt Nam, nhưng mô hình và giải pháp phải là của Việt Nam.
Chúng ta không tham vọng thay tất cả tập đoàn khổng lồ trên thế giới, làm tất cả công nghệ nền tảng. Quan trọng nhất là chúng ta dùng, làm chủ và có giải pháp của mình. Đấy là cái tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam, tất cả chúng ta có thể làm được", Phó Thủ tướng khẳng định.
Chia sẻ cuối ở phiên sáng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định cơ hội cho Việt Nam là rất lớn. Lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng chúng ta nên đặt những mục tiêu cao, để biến những điều không tưởng thành khả thi.