Chuyển đổi số là một trong những quyết tâm lớn nhất của Chính phủ, với định hướng kinh tế và xã hội số toàn diện vào năm 2030. Tại sự kiện Chuyển đổi số Quốc gia: Chia sẻ và Kết nối diễn ra ngày 14/12, thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định đây là một sự dịch chuyển chưa có tiền lệ, như một chặng đường dài, và đây là lúc người Việt Nam phải kết nối, đi cùng nhau.
"Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia"
Ví việc chuyển đổi số như một cuộc chạy tiếp sức, ông Dũng cho rằng để thực hiện chuyển đổi số mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều phải đưa ra một chiến lược, kế hoạch hành động.
Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng chuyển đổi số là một quá trình dài, như một cuộc chạy tiếp sức. Ảnh: MS. |
Sẽ không có một kế hoạch chung, bởi mỗi cơ quan, tổ chức có những đặc trưng khác nhau. Do vậy, người đứng đầu phải là người tư duy, lựa chọn định hướng về chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng nêu rõ chuyển đổi số là một quá trình cần sự tham gia của mọi doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và các tổ chức. Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực để phát triển hạ tầng, nền tảng, dịch vụ cho chuyển đổi số.
"Đối với các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hãy sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ, thông qua việc sử dụng các nền tảng. Lúc đó, công nghệ số cũng giống như điện, nước, các dịch vụ cơ bản chỉ bình quân vài chục nghìn đồng/người mỗi tháng. Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập; giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người", ông Dũng cho biết.
Để trả lời những câu hỏi như chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị gì... ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho rằng cách duy nhất là hành động. Phải kết nối cùng nhau, chia sẻ cùng nhau, khai thác tối đa sức mạnh của những tiến bộ công nghệ để tạo gia những giá trị mới cho xã hội, cho đất nước.
Covid-19 là cú hích thúc đẩy chuyển đổi số tại nhiều doanh nghiệp
Nhận định Covid-19 khiến tình hình kinh tế khó khăn, nhưng nhiều đại diện doanh nghiệp có mặt tại sự kiện cũng cho rằng chính dịch bệnh đã là cú hích, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
"Covid-19 đã tạo ra một bước ngoặt cho chuyển đổi số. Rất nhiều thói quen thông thường đã bị thay đổi, và chuyển đổi số đã trở thành gần như bắt buộc với nhiều cơ quan, tổ chức", ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT chia sẻ.
Ông Đường cho rằng nhiều việc chúng ta làm 10, 15 năm chưa triển khai được, thì chỉ vài ba tháng cách ly vì Covid-19 đã thành công, chẳng hạn như họp, học trực tuyến.
Ông Hoàng Việt Anh, đại diện tập đoàn FPT chia sẻ về những trường hợp chuyển đổi số thành công tại Việt Nam. Ảnh: MS. |
Lấy ví dụ về một đối tác kinh doanh bất động sản, ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT cho biết chính bối cảnh phải chuyển đổi số khiến doanh nghiệp tìm ra hướng kinh doanh mới, với gần 5.000 giao dịch tính đến tháng 8.
Với chính FPT Telecom, một công ty con của tập đoàn, việc tối ưu hóa nguồn nhân lực với trí tuệ nhân tạo giúp công ty này tiết kiệm 65 tỷ chi phí vận hành sau 1 năm, tăng 27,6% năng suất lao động của 6.500 nhân viên kỹ thuật.