Trong kinh doanh, những ông lớn với sự vượt trội về tài chính, quy mô thường tìm cách "nuốt" các doanh nghiệp nhỏ hơn, nhằm loại bỏ sự cạnh tranh.
Tuy nhiên, sự chênh lệch đó sẽ ngày càng mờ nhạt đi nếu các doanh nghiệp có thể nắm bắt xu hướng chuyển đổi số. Cuộc chơi không còn là "cá lớn nuốt cá bé", mà sẽ trở thành "cá nhanh nuốt cá chậm", theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tại Ngày Internet Việt Nam 2020. Ảnh: TL. |
"Nếu như trước đây quy luật cạnh tranh là cá lớn nuốt cá bé, thì nay là cá nhanh nuốt cá chậm. Muốn hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, rộng hơn nữa", ông Dũng chia sẻ tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam, diễn ra sáng 16/12 tại Hà Nội.
Chuyển đổi số Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?
Dẫn báo cáo EGDI của Liên Hợp Quốc về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết Việt Nam đang xếp thứ 86, cao hơn mức trung bình của châu Á và thế giới.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 6, sau Philippines, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Việt Nam xếp thứ 69 thế giới về chỉ số hạ tầng viễn thông, tăng 31 bậc so với năm trước. Về chỉ số xếp hạng nguồn nhân lực, Việt Nam xếp hạng 117, tăng 3 bậc. Về chỉ số dịch vụ trực tuyến, Việt Nam thụt lùi 22 bậc trên bảng xếp hạng.
Tuy nhiên, ông Đường lưu ý rằng số liệu của Liên Hợp Quốc hiện chỉ mới cập nhật tới tháng 9/2019. Do vậy, những nỗ lực chuyển đổi số của Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay vẫn chưa được ghi nhận, và phải chờ đến lần đánh giá sau.
Chuyển đổi số là quá trình khác nhau với mỗi doanh nghiệp
Trước đó, tại Diễn đàn cấp cao với chủ đề Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng chia sẻ rằng quá trình chuyển đổi số với mỗi cơ quan, tổ chức sẽ khác nhau, nên chiến lược và kế hoạch hành động cũng phải khác.
"Người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức hãy là người tư duy, lựa chọn định hướng, xác định mục tiêu và ra đề bài về chuyển đổi số", ông Dũng nhận định.
Tuy nhiên, các đại diện của Bộ TT&TT và các doanh nghiệp đều có chung nhận định chuyển đổi số là quá trình bắt buộc. Những khó khăn trong năm nay như đại dịch Covid-19 lại là cú hích để đẩy nhanh quá trình này.
Ông Andrew Williamson, Phó chủ tịch Quan hệ Chính phủ toàn cầu của Huawei trong phiên phỏng vấn với báo chí. Ảnh: NN. |
Trong buổi chia sẻ với phóng viên trước thềm sự kiện, ông Andrew Williamson, Phó Chủ tịch Quan hệ Chính phủ toàn cầu của Huawei đã dẫn ra nhiều ví dụ về các doanh nghiệp tại Trung Quốc có định hướng chuyển đổi số đúng, nhờ vậy vượt qua được đại dịch.
Đó là một doanh nghiệp bán lẻ mỹ phẩm. Dù phải đóng cửa khoảng 40% cửa hàng do đại dịch, công ty này đã tận dụng các nền tảng online để tương tác với khách hàng, khôi phục và thậm chí còn phát triển mạnh hơn trước dịch.
Ví dụ thứ hai là nền tảng khám chữa bệnh trực tuyến, tận dụng thực tế là bệnh nhân khó đến bệnh viện để thăm, khám trực tuyến, đã tăng trưởng tới 36% sau dịch.
Ông Andrew Williamson nhận định rằng những doanh nghiệp lớn vẫn có lợi thế hơn khi chuyển đổi số, bởi có những lợi thế như kiến thức chuyên môn, kỹ năng hay tiềm lực tài chính.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đã quyết tâm chuyển đổi số, ông Williamson cho rằng cần đầu tư vào công nghệ, thực hiện sớm, lựa chọn hướng đi phù hợp và tận dụng những sự trợ giúp của chính phủ để chuyển đổi số thành công.
Đối với tình hình Việt Nam, Ông Andrew Williamson cho rằng trong giai đoạn nền kinh tế chia sẻ, những công ty địa phương sẽ có lợi thế vì thấu hiểu văn hóa địa phương. Do đó, đây là giai đoạn cần nhiều công ty bản địa, và các quốc gia cần đưa ra những chính sách, giải pháp giúp phát triển nền kinh tế số.
"Theo đánh giá của tôi, Việt Nam là một đích đến đầu tư rất hấp dẫn, kể cả với công ty mới đầu tư hoàn toàn và các công ty đã đầu tư và sẽ mở rộng đầu tư trong tương lai", ông Williamson nhận định.