Trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia khống chế thành công sự lây lan của căn bệnh. Bên cạnh sự nỗ lực của toàn ngành y tế, việc chuyển đổi số và triển khai nhanh chóng các ứng dụng như Bluezone, khám chữa bệnh từ xa đã giúp công tác phòng chống Covid-19 thu lại nhiều kết quả tích cực.
Đồng thời, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình chẩn đoán, khám chữa bệnh một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của công nghệ trong lĩnh vực y tế.
Nhiều công nghệ được ứng dụng vào ngành y tại Việt Nam
Thời gian qua, những hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở y tế tại Việt Nam cho thấy các tiến bộ công nghệ đã được ứng dụng trong ngành y như thế nào.
"Một trong những sản phẩm tiêu biểu trong quá trình ứng dụng số hóa tại bệnh viện Nhi Đồng 1 là kho dữ liệu cảnh báo và ứng dụng nguyên lý máy học trong hệ thống nhắc kê đơn an toàn", theo ông Đặng Thanh Hùng, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng I TP.HCM chia sẻ tại sự kiện Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, diễn ra ngày 15/12.
Theo ông Hùng, công nghệ này có vai trò giảm tỉ lệ sai sót trong kê đơn ngoại trú từ 15,5% xuống còn 9,2%, đạt mục tiêu đề ra ban đầu là dưới 10%.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh đã triển khai chuyển đổi số từ năm 1994. Ảnh: DX 2020. |
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông minh và thiết bị IoT trong quản lý môi trường kho thuốc đã giúp bệnh viện quản lý tập trung, giảm nguồn lực bảo trì và tiết kiệm gần 1 tỷ đồng/năm cho các khoản thay thế thiết bị.
Cũng tại sự kiện này, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel đã chia sẻ về mô hình khám chữa bệnh từ xa Viettel Telehealth, giúp người dân kết nối với bác sĩ 24/7, giảm thời gian chờ đợi, chi phí đi lại. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế có thể tư vấn cho người dân từ xa, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, có hệ thống chẩn đoán ban đầu và tương tác với những cơ sở y tế trực tuyến khác.
Trước đó, sự kiện Techfest Vietnam 2020 diễn ra vào cuối tháng 11 còn có phiên kết nối chuyên sâu Làng Công nghệ Y tế (Medtech).
Tại đây, nhiều startup y tế quy tụ những nhân sự có kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn lớn đã chia sẻ về triển vọng tích hợp AI vào y tế tại Việt Nam.
"Với đội ngũ bác sĩ giỏi, dân số đông, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vươn lên trong lĩnh vực y tế nếu chú trọng ứng dụng công nghệ", ông Cao Anh Tuấn, CEO, nhà sáng lập công ty giải mã gen Genetica chia sẻ tại sự kiện này.
Ông Cao Anh Tuấn (giữa) từng có thời gian làm việc tại Google và nổi tiếng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Techfest Vietnam 2020. |
Bản thân ông Cao Anh Tuấn cũng từng là một kỹ sư cao cấp của Google. Genetica là nỗ lực giải mã gen kết hợp việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và máy học.
Ở thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, ông Tuấn và nhóm nghiên cứu đã thảo luận để tìm cách xác định nguy cơ nhiễm virus của mỗi người thông qua chỉ số gen. Không chỉ thế, phương pháp giải mã gen của đội ngũ Genetica còn chia sẻ cách phát hiện nguy cơ đột quỵ di truyền ở mỗi người, một loại bệnh phổ biến tại Việt Nam hiện nay.
Chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược của ngành y tế
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường – Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá tốc độ phát triển của Việt Nam trong thời gian gần đây đang mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số.
Theo ông, công cụ số đang trở thành bước đệm giúp các công ty phát triển, cả về quy mô lẫn vị thế. Với sự chuyển dịch này, nhiều quốc gia cũng như doanh nghiệp trên thế giới đã đẩy mạnh đầu tư các bằng sáng chế, coi đây là một trong những vũ khí hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Ông Phạm Hồng Quất tin rằng mảnh phát triển công nghệ số, trí tuệ nhân tạo là thế mạnh của giới trẻ Việt Nam. Ảnh: DX Day 2020. |
“Thay vì chỉ nghiên cứu, tiêu tiền để tạo ra công nghệ như trước. Chúng ta đã biết cách nghiên cứu đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, tạo ra những mô hình kiếm tiền từ công nghệ mới”, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nhận xét.
Y tế là một trong những ngành có cơ sở dữ liệu lớn nhất. Ông Quất nhận định mỗi người dân đều là một kho dữ liệu, từ lịch sử khám chữa bệnh cho đến tình trạng sức khỏe.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế), cho rằng chuyển đổi số không chỉ tác động đến lĩnh vực quản lý, điều hành trong ngành y tế, quá trình này còn giúp công dân hay các bác sĩ phát hiện, chữa trị bệnh chủ động hơn.
Năm 2025, Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) hướng tới mục tiêu đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 90% người dân được định danh y tế, 90% hồ sơ được chuyển đổi số, 100% người dân có hồ sơ kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh…
Về tầm nhìn vào năm 2030, ông Nam chỉ ra 3 nội dung chuyển đổi số trụ cột chính là khám chữa bệnh thông minh, phòng bệnh thông minh và quản lý thông minh. Theo thống kê hiện nay, Việt Nam có khoảng 14.000 cơ sở y tế, 12.000 trạm y tế có vai trò quan trọng trong việc khám chữa sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các trạm y tế còn giữ ở mức thấp.