Tại diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức” trong khuôn khổ TECHFEST 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại với nhiều đại diện của giới khởi nghiệp Việt Nam.
Mở đầu phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại lễ khai mạc TECHFEST 2020. Ảnh: TA. |
“Vẫn còn nhiều điều ràng buộc, hạn chế việc khởi nghiệp sáng tạo. Diễn đàn sẽ lắng nghe ý kiến các bạn để tháo gỡ từ thể chế, cơ chế, đến những vấn đề chính sách tài chính và những vấn đề liên quan khác”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
“Còn quá nhiều ràng buộc với khởi nghiệp”
Chủ đề đầu tiên của phiên thảo luận là tài chính. Đại diện của VinaVenture nêu ra những điểm hạn chế của nghị định 38/2018 về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, nghị định này còn những ràng buộc về số lượng nhà đầu tư hay quy định tăng vốn.
Trong khi đó, một đại diện đến từ Trà Vinh cho rằng việc rót vốn vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, khiến việc thực hiện Đề án 844 chưa được triển khai tốt đến từng địa phương.
Trả lời những ý kiến này, Thủ tướng nhận định hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã tăng về số lượng và chất lượng, nhưng vẫn còn những khó khăn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN. Trong đó, nguồn vốn là một trong những hạn chế lớn nhất.
“Làm sao giữ được các đổi mới, sáng tạo này ở trong nước, không chảy máu ra nước ngoài. Vấn đề đầu tư để đáp ứng đổi mới, sáng tạo rất quan trọng ở nước ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
“Còn quá nhiều ràng buộc. Đề nghị các bộ trả lời câu hỏi trên tinh thần mở ra chứ không trói vào. Tại sao chúng ta gây khó khăn cho khởi nghiệp? Những quy định quá khắt khe làm ảnh hưởng tới đổi mới, sáng tạo của nước ta”, Thủ tướng nói trước khi mời đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN), Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) trả lời.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện. Ảnh: TA. |
Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Bộ KH&CN đồng ý rằng những đóng góp về Nghị định 38 là rất hợp lý. Ông Tùng cho biết Bộ KH&CN sẽ tiếp thu, bàn với bộ KH&ĐT để có thể sửa đổi Nghị định 38 trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cũng cho biết sẽ chủ trì sửa đổi quy định này, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Có mặt tại sự kiện, ông Don Lam, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Vinacapital cho rằng những quỹ đầu tư không chỉ có vai trò rót vốn mà còn giúp phát triển, tạo nên hệ sinh thái.
“Ngành quỹ đầu tư mạo hiểm rất chuyên nghiệp, nên cần những người chuyên nghiệp mới tư vấn được startup phát triển thêm”, ông Don Lam cho biết.
“Tôi tự hỏi tại sao không có doanh nghiệp Việt Nam lớn, doanh nhân Việt Nam lớn quan tâm hơn, đóng góp vào quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam, vốn Việt Nam, đầu tư cho công ty Việt Nam”, ông Lam cũng chia sẻ về “ước mơ” của mình khi nhận xét các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam chủ yếu có vốn nước ngoài.
Tạo “cơ chế một cửa” cho doanh nghiệp công nghệ
Với chủ đề về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Chính phủ chính là “đầu ra” lớn nhất đối với các doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp cần nhất là đầu ra. Chính phủ là ‘hộ tiêu dùng’ lớn nhất của một quốc gia. Chính phủ tiêu xài vào đâu, chỗ đó sẽ phát triển.
Do vậy, chính phủ có ưu tiên mua sắm các sản phẩm công nghệ, những giải pháp mang tính đổi mới, sáng tạo, và ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Make in Vietnam”, Bộ trưởng Hùng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận xét chuyển đổi số là việc làm “va với chính sách”, vì đây đều là những việc mới.
“Việc đầu tiên mà Nhà nước phải làm là tạo ra thể chế cho chuyển đổi số, cho những mô hình kinh doanh mới”, Bộ trưởng Hùng nhận xét.
Các đại diện Chính phủ, bộ, ngành tại phiên thảo luận. Ảnh: Chinphu.vn. |
Với chủ trương về sandbox, cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi số thử nghiệm sản phẩm của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT sẵn sàng trở thành “cơ chế một cửa” cho doanh nghiệp công nghệ.
“Tất cả doanh nghiệp liên quan đến công nghệ số, hãy coi Bộ TT&TT là cơ chế một cửa. Ra được một sandbox, chính sách sẽ động đến nhiều bộ. Bộ TT&TT sẽ đứng ra làm việc đấy, vì doanh nghiệp không làm được đâu.
Chúng tôi nhận là đầu mối duy nhất đấy cho những doanh nghiệp công nghệ số”, Bộ trưởng Hùng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết Chính phủ có chủ trương công bố những bài toán khó cho toàn dân, để tạo ra không gian cho những đơn vị đổi mới, sáng tạo.
Trả lời ý kiến của ông Don Lam, Bộ trưởng Hùng cho biết sẽ sớm có một quỹ Việt Nam, của các doanh nghiệp lớn Việt Nam đầu tư vào các giải pháp đổi mới, sáng tạo.