Nữ tính và khiêu gợi, nhưng mạnh mẽ, hiếu chiến và tự tin, Madonna không khớp với bất kỳ phạm trù đơn giản nào.
Sự phản kháng đối với các quan điểm về vai trò thông thường khiến bà trở thành hình mẫu cho những khát khao và mong muốn của phụ nữ. [...]
Madonna sinh năm 1958, mồ côi mẹ từ khi mới lên năm. Ở trường trung học, bà bắt đầu thích kịch và quyết định trở thành một vũ công. Bà theo học khiêu vũ tại Đại học Michigan nhưng sau đó bỏ giữa chừng, khiến người cha vô cùng thất vọng. Khi ông cố gắng thuyết phục con gái trở lại trường, Madonna đã hét lên: “Cha hãy thôi điều khiển cuộc sống của con đi!”, và hất đĩa mì spaghetti vào tường.
Madonna chuyển đến New York với 30 USD trong túi. Bà làm bồi bàn và người mẫu ảnh khỏa thân. “Giống như một cô gái đường phố, cô ấy lựa bừa một ai đó trên đường và theo họ về nhà nếu cần mộ bữa ăn”, Barbonne cho biết. Madonna tuyên bố không cảm thấy bị lợi dụng vì “tôi đã để họ lợi dụng tôi”.
Ngôi sao Madonna nổi lên với giọng hát nội lực, thân hình bốc lửa trên các sàn diễn. Ảnh: Reuters. |
Trên hết, Madonna muốn trở nên nổi tiếng. “Cô ấy muốn làm bất cứ điều gì để trở thành một ngôi sao. Như thể cô ấy đang theo đuổi sứ mệnh của mình”, bạn trai cũ của Madonna, DJ Mark Kamins, nhớ lại. Nhạc sĩ người Anh Dick Witts cũng có ấn tượng rằng Madonna “nổi loạn trong sự khao khát trở nên nổi tiếng”.
Song bản thân bà cũng không biết chính xác mình muốn nổi tiếng ở vai trò gì. Năm 19 tuổi, bà muốn trở thành một vũ công, sau này lại nghĩ mình sẽ là một nữ diễn viên thành công, rồi cuối cùng mới phát hiện âm nhạc là chiếc vé hứa hẹn nhất cho một siêu sao. Theo Madonna, âm nhạc “là con đường chính cho người nổi tiếng. Khi thành công, tác động của nó cũng mạnh mẽ như một viên đạn bắn trúng mục tiêu”. Một nhà báo từng phỏng vấn Madonna trong những năm đầu sự nghiệp của bà nhận xét: “Cô ấy để lại cho tôi ấn tượng về một người cực kỳ kiên quyết”. Trong cuộc phỏng vấn, Madonna đã nói về các nhà sản xuất, về thị trường, về người mà cô ấy muốn làm việc trong những năm tới. “Cô ấy luôn suy tính trước mọi thứ”. [...]
Madonna đã lợi dụng sự khiêu khích có chủ ý như một phương tiện để trở nên nổi tiếng. Trong các chương trình biểu diễn, bà thường liên kết hình ảnh tình dục và tôn giáo để dấy lên phẫn nộ. Nhà thờ Công giáo buộc phải liên tục kêu gọi tẩy chay các buổi hòa nhạc của Madonna, còn cảnh sát Canada đe dọa sẽ bắt giữ bà vì hành vi tục tĩu. Năm 1992, bà tung ra cuốn sách ảnh khiêu dâm với tiêu đề hết sức đơn giản, Sex (tạm dịch: Tình dục), nó đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn. Phiên bản giới hạn với số lượng 1 triệu bản ra thị trường ngày 22 tháng 10 và cháy hàng ngay lập tức. Về mặt thương mại, cuốn sách khiêu khích của Madonna là một thành công lớn, đưa bà trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông; nhưng nhiều người hâm mộ cảm thấy mất thể diện và bắt đầu quay lưng. Đúng thời điểm mức độ nổi tiếng của Madonna chạm sàn, bà bị buộc tội cố ý gây bê bối. Cuốn sách của bà được coi là biểu hiện của một tâm lý bị xáo trộn.
Không giống như các nghệ sĩ phát triển nhờ sự khiêu khích, Madonna luôn sẵn sàng nhượng bộ thay vì lao đầu vào một cuộc chiến sẽ gây tổn hại cho mình. Bất cứ khi nào cảm thấy mình đã đi quá xa, bà sẽ xoa dịu khán giả bằng những hành động như tour diễn “Girlie Show” năm 1993.
Madonna hiểu tầm quan trọng của việc làm mới bản thân và liên tục thay đổi hình ảnh để tránh bị đào thải. Sau khi ra mắt thành công, bà đã thử một thứ hoàn toàn khác biệt dù gây thất vọng cho hãng thu âm của mình, Warner Brothers. [...]
Madonna không sợ phải thay đổi phong cách cũ bằng thể loại mới như Like a Virgin. Sau này, bà tiếp tục kết hợp các yếu tố jazz hoặc soul vào âm nhạc và mượn ý tưởng từ hip hop. Giống như Rolling Stones, bà liên tục thích nghi với các xu hướng mới trong âm nhạc đại chúng, thay vì phát hành cùng một thể loại nhiều lần.
[...] Hơn hết, Madonna luôn sẵn sàng học hỏi những cái mới và không bao giờ dậm chân tại chỗ trong thời gian dài.