Công nhân xây dựng đang lắp đặt những thanh chắn cuối cùng để hoàn thành khu cách ly virus corona tại quận Changying, thủ đô Bắc Kinh. Hàng chục người khoan đục bức tường gạch để lắp một chiếc cổng kim loại lớn, đồng thời lắp hệ thống camera an ninh vào từng phòng nhỏ. Để xây một khu cách ly có sức chứa ít nhất 40 người, các đội xây dựng phải mất một tuần làm việc.
Cuộc sống tê liệt
Công trường xây dựng ở quận Changying, hóa ra, là nơi đông đúc nhất nếu so với những khu phố khác ở xung quanh, từng một thời nhộn nhịp nhờ các quán ăn và cửa hàng thực phẩm.
Một nhà thờ Hồi giáo quận Changying đã bị đóng cửa. Nằm kế bên nhà thờ này, trung tâm cộng đồng quận cũng rơi vào trạng thái tương tự. Trên đường, một vài người mua sắm tích trữ thêm thực phẩm, nhưng phần lớn các cửa hàng đều đã dừng hoạt động.
Tại một cửa hàng thuốc, cửa ra vào đã bị chặn. Chủ cửa hàng đục một lỗ nhỏ trên cửa sổ, để khách hàng có thể giao tiếp với dược sĩ được bảo vệ qua một lớp kính bên trong. Trên cửa ra vào, người ta có thể đọc thấy dòng thông báo "Đã bán hết khẩu trang". Mặc dù vậy, một số người vẫn gan lỳ chạy tới bên cửa sổ để hỏi dược sĩ liệu cửa hàng này có còn chiếc khẩu trang nào sót lại.
Trung tâm thương mại vắng lặng tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Getty. |
Ở Bắc Kinh, các cửa hàng và công ty đã đóng cửa, với những thông báo ngắn gọn, giải thích việc dừng hoạt động tạm thời là "do đại dịch". Từ tình cảnh thường xuyên tắc nghẽn mọi lúc mọi nơi, các đường phố của thủ đô Bắc Kinh gần như rơi vào trạng thái không một bóng người trong 2 tuần qua, khi người dân tự cách ly bản thân tại gia. Một số nhà hàng bắt đầu bán đi kho dự trữ thực phẩm cho người dân, trong bối cảnh không chắc khi nào có thể trở lại hoạt động.
Khắp Trung Quốc, từ thủ đô Bắc Kinh tới các vùng nông thôn, cuộc sống dường như đã dừng lại, trong bối cảnh toàn bộ đất nước rung chuyển vì sự lây lan của virus corona chủng mới, với số người chết và lây nhiễm virus gia tăng không ngừng.
Dù là tâm dịch ở Hồ Bắc, cũng như cách đó hàng trăm km ở ven biển phía Đông, người dân đều miêu tả về tình trạng mơ hồ, khi các biện pháp kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt. Các công ty, trường học dừng hoạt động, nguồn cung thực phẩm tươi sống và thuốc men ngày càng cạn kiệt, nỗi sợ hãi về quy mô thực sự của virus ngày một gia tăng, trong khi người dân đặt dấu hỏi về cái cách chính quyền phản ứng nhằm kiềm tỏa dịch bệnh.
Mắc kẹt trong chính nhà mình
Tại khu phức hợp dân cư Ciyunsi ở thủ đô Bắc Kinh, những người thuê nhà hôm 6/2 phát hiện một trong các hàng xóm của họ đã nhiễm virus. Người bệnh, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, đã bị đưa đi bởi cảnh sát và nhân viên y tế.
Wei, 36 tuổi, người sống cùng tòa nhà, cho biết cô rất ngạc nhiên vì không biện pháp khử trùng nào được tiến hành. Tòa nhà của Wei không bị phong tỏa, người dân được quan sát thấy vẫn tiếp tục ra vào trong ngày 7/2. Lo ngại về nguy cơ lây nhiễm virus từ nguồn nước, Wei và cha mẹ đã không bật quạt trong phòng khách.
Dù không mấy lo lắng cho bản thân, Wei cho biết điều cô lo nhất là cha mẹ, những người đã ngoài 60 tuổi, có thể nhiễm virus. Wei cho biết cô tự mình ra ngoài mỗi 2 ngày 1 lần để mua thực phẩm. Thời gian cô ở bên ngoài lâu nhất là 2 giờ đồng hồ.
“Tôi đi và mua mọi thứ có thể. Tôi không để cha mẹ mình ra ngoài. Lo lắng cũng là vô ích vào lúc này. Chúng tôi chỉ đành cố gắng để phải ra ngoài ít nhất có thể", Wei nói.
Các nhà máy vẫn đóng cửa kể từ Tết nguyên đán. Phần lớn công nhân cho biết họ không được phép rời khỏi nơi ở để trở lại làm việc. Một số làng đã bắt đầu cấp phép thông hành, một số khác yêu cầu người dân phải nộp đơn đăng ký để đi ra bên ngoài.
Cảnh sát có mặt tại một trạm kiểm soát ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Ảnh: Getty. |
Tại nhiều khu vực, các trường học không được phép mở cửa cho tới cuối tháng 2. Nhiều bậc cha mẹ đã phải tìm kiếm lời khuyên trên Internet về cách để tương tác với trẻ nhỏ, trong bối cảnh hàng chục triệu trẻ em đã phải ở nhà suốt vài tuần qua. Nhiều gia đình, từng chỉ gặp nhau vài lần mỗi năm, hiện đã ở cùng nhau gần 1 tháng.
“Mọi người không thể ra ngoài, họ trở nên buồn chán, vì vậy các cuộc cãi vã bắt đầu xảy ra", Wei nói.
Tại thị trấn Guiyi, tỉnh Quảng Tây, nhà chức trách đã yêu cầu người dân ở trong nhà. Mỗi hộ gia đình chỉ được phép cử 1 thành viên ra ngoài để nhận đồ tiếp tế. Thời gian ở bên ngoài cũng không được quá 3 giờ đồng hồ.
Các biện pháp cách ly nặng nề nhất được thực hiện ở tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm dịch bệnh. Thành phố thủ phủ Vũ Hán cùng nhiều đô thị khác đã bị phong tỏa hoàn toàn. Zhang, sinh viên đang theo học năm cuối tại nước ngoài, trở về quê nhà ở Vũ Hán vào dịp Tết nguyên đán để mang lại bất ngờ cho cha mẹ. Nay, cô không thể trở về trường để hoàn thành khóa học.
"Tôi và bố mẹ giờ mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình. Tôi không thể rời khỏi thành phố, chứ đừng nói là tỉnh Hồ Bắc. Tôi chỉ có thể hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi và người dân có thể quả trở lại với cuộc sống thường ngày", Zhang nói.
Niềm tin của dân chúng lung lay
Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, nhà chức trách Trung Quốc đã liên tục nhấn mạnh cam kết chia sẻ minh bạch thông tin, cập nhật hàng ngày về số ca nhiễm mới và số người tử vong. Thế nhưng, người dân Trung Quốc nghi ngờ có những thông tin chưa được công bố đầy đủ. Họ cũng tức giận về sự chậm trễ trong công bố sự bùng phát của bệnh dịch.
Một người ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, cáo buộc tình trạng hiện nay là "thảm họa do lỗi của con người tạo ra".
Đối với nhiều người, sự sợ hãi lây nhiễm virus không phải mối lo chính. "Khía cạnh tâm lý của trạng thái bị cô lập là điều mà người ngoài không thể thấu hiểu. Những cuộc gọi video và nhắn tin qua nhóm là những gì giữ mọi người tỉnh táo", Liu, một cư dân sống ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, cho biết.
Một người mẹ khóc cầu xin cảnh sát cho phép con gái đi vào thành phố Cửu Giang để chữa bệnh ung thư sau khi rời khỏi Hồ Bắc. Ảnh: Getty. |
Lo lắng không mang lại lợi ích
Tại Bắc Kinh và các khu vực lân cận, nhiều làng mạc, thị trấn đóng cửa không cho phép người ngoài đi vào. Tại một số khu vực khác, các điểm kiểm soát được dựng lên, người đi đường bị kiểm tra thân nhiệt bắt buộc. Những người cho thấy dấu hiệu thân nhiệt bất thường bị buộc quay xe và đi lối khác.
Tuy nhiên, nhiều người mô tả một tâm lý cộng đồng mới đã xuất hiện, khi những người trẻ tuổi giúp thu thập hàng hóa tiếp tế giúp các hàng xóm cao niên. Khi không có công nhân dọn dẹp, người dân tại các khu dân cư tình nguyện thay phiên nhau dọn tuyết và băng đá.
"Người bình thường không được phép sợ hãi. Nếu tất cả đều phát hoảng lên, đất nước chúng ta sẽ rơi vào rắc rối nghiêm trọng", An, một cư dân 42 tuổi sống tại khu dân cư Changying ở Bắc Kinh, nói.
Cuộc khủng hoảng dịch bệnh càng kéo dài, càng có nhiều người trở nên mệt mỏi khi tiếp tục phải ở trong nhà. Tại nhà hàng April and Cafe ở thủ đô Bắc Kinh, một số khách hàng đã quay trở lại trong ngày 6/2. Nhà hàng này tiếp đón 7 khách hàng, nhiều nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc.
Một nhóm thực khách chụp hình selfie khi vẫn đeo khẩu trang, trên tay cầm cocktail. Một người đàn ông đến để đọc một quyển sách, không quên mang theo những vật dụng vệ sinh cá nhân như nước rửa tay khô đóng chai.
"Không cần phải lo lắng quá mức. Nếu mọi người đều tự nâng cao sức đề kháng, như tập thể dục nhiều hơn, ăn uống sạch sẽ hơn, và rửa tay thường xuyên, tôi nghĩ chúng ta sẽ ổn cả", Guo Song, chủ nhà hàng, cho biết.
Một số người khẳng định đã trải qua tình cảnh còn tồi tệ hơn. Gao Wang, cư dân 75 tuổi ở Bắc Kinh, cho biết bản thân sống tại tòa nhà nằm giữa hai tòa nhà khác mới đây đã phát hiện các ca nhiễm virus.
"Thậm chí trong đại dịch SARS, khi cả gia đình tôi ở trong nhà, tôi vẫn ra ngoài mỗi ngày. Nếu nhiễm virus, tôi sẽ không làm gì nhiều được. Tôi già rồi. Cứ lo lắng mãi cũng có ích gì", ông Gao nói. Người đàn ông vẫn ra ngoài tập thể dục như thói quen suốt hàng chục năm qua, bất chấp cái lạnh của mùa đông và sự đe dọa của dịch bệnh.