Tôi chẳng thể kiểm soát được chuyện gì xảy ra sắp tới, nhưng tôi có thể kiểm soát được những hành động và quyết định của mình lúc này.
Những con số ám ảnh
Ngày 16/3/2020, Michigan ban hành lệnh đóng cửa tất cả quán bar, nhà hàng, phòng tập thể dục, quán cà phê và hầu hết địa điểm công cộng vì đã có hơn 50 trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn tiểu bang và cũng cấm các cuộc tụ họp 50 người trở lên.
Anh chị thông báo rằng công ty đã chính thức áp dụng hình thức làm việc tại nhà kể từ hôm nay cho đến cuối tháng 3. Những bữa ăn trưa và tối câu chuyện về Coronavirus được đem ra trò chuyện nhiều hơn.
Công việc kinh doanh ở TP.HM của tôi đình trệ bởi nhân viên đã về quê vì sợ dịch, lượng khách hàng giảm và người giao hàng cũng không có ở kho. Cửa hàng nhỏ bán đồ dược mỹ phẩm Ấn Độ của tôi phải ngừng hoạt động trong thời gian này. Bằng cách nào đó, corona đã len lỏi vào từng nhà, từng người.
Ngày 17/3/2020, “Michigan xác nhận cái chết đầu tiên liên quan Covid-19, số người nhiễm đã vượt mốc con số 100 người”; “Mỹ chạm mốc 100 ca tử vong”; “Italy vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 chỉ đứng sau Trung Quốc”...
Đọc tin, tôi bối rối rồi ngồi yên bên khung cửa sổ tự hỏi, rồi chuyện gì sẽ xảy ra sau quá nhiều biến động? Nhưng chẳng có câu trả lời. Vậy nên tôi đổi câu hỏi khác: “Điều tệ hại nhất có thể xảy ra với mình là gì? Bệnh tật, nợ nần, tan vỡ, mất mát hay là còn điều gì khác?”.
Chợt nhận ra cho dù có điều gì xảy ra đi nữa thì có những chuyện tôi cũng không thể kiểm soát được, thế giới quá nhiều thay đổi, mọi chuyện không thể lường trước được, nhưng tôi có thể làm chủ được thái độ và lựa chọn của chính mình.
Sợ hãi lúc này chẳng giúp hoàn cảnh của tôi khác hơn mà chỉ khiến tôi rơi vào bế tắc, tôi chọn sống những ngày bình yên cho đến khi những điều trên thật sự xảy đến. Bởi khi chưa có gì xảy ra mà mình đã hoảng loạn làm xáo trộn chính mình thì khi liệu nó thật sự ập đến, tôi có thể đứng vững mà chống chọi với nó?
Tôi tự nhủ, chỉ cần chuẩn bị và khi nó đến, mình có quyền chọn cách đối mặt với nó thế nào. Khóc lóc đau đớn? Đương nhiên thế, nhưng rồi cũng sẽ phải bình thản đón nhận nó rồi đứng lên bước tiếp. Trách đời, trách người, trách ông trời? Không, tôi sẽ không thế, tôi sẽ nhìn lại để tự trách mình, bởi không có bất cứ điều gì xảy ra mà không có lý do, không có điều gì đó không hay xảy ra với chính ta mà không bắt nguồn từ những gì mà ta gieo từ trước.
Cuộc sống đã vốn nhiều chông chênh rồi, chẳng cần ta phải suốt ngày than vãn, kể lể về những điều khiến ta sắp rơi vào vực thẳm, bởi ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, ai cũng có khó khăn của riêng mình, ai cũng bận bịu lo toan về những nỗi lo của họ, hà cớ chi ta phải đặt gánh nặng của mình lên vai những người yêu thương khiến họ thêm lo nghĩ về ta?
Phương Thu Thủy làm việc tại nhà trong những ngày Michigan bị phong tỏa vì Covid-19. Ảnh. FBNV. |
Michigan phong tỏa
Chị Janice đang làm việc, còn tôi đang ngồi yên ngắm tuyết bên ngoài khung cửa thì anh Steven đi ra thông báo:
“Bang Michigan đã áp dụng luật phong tỏa ít nhất là trong 3 tuần tới, có hiệu lực từ 0h đêm nay. Từ giờ trở đi chỉ có thể ra khỏi nhà mua đồ thiết yếu, thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu, nhà ai có nuôi chó thì có thể dắt chó đi dạo, chỉ được ra ngoài tập thể dục nhưng đảm bảo cách xa người khác 6 feet (khoảng 1,83 m). Vậy là em kẹt ở đây dài dài, ít nhất 2 tháng nữa em mới về nhà được”.
Trước đó là New York, California, Illinois, Connecticut, New Jersey rồi Ohio và Louisiana. Bây giờ thì tới Michigan, nơi tôi đang bị mắc kẹt. Luật pháp rất nghiêm minh với bất cứ ai vi phạm, dù ra ngoài để đến nơi vắng người không có ai ngoài bạn nhưng không đúng các mục đích đã quy định thì cảnh sát vẫn bắt bỏ tù và phạt 1.000 USD.
Cùng lúc đó, tôi nhận được thông tin 40 du học sinh đang kẹt ở sân bay Dallas vì chuyến bay của các em quá cảnh sân bay Narita, Nhật Bản mà hãng hàng không chưa xác nhận được chuyến bay.
Tôi cũng thấp thỏm y như chính mình đang có mặt cùng các em ở sân bay. Nhưng chỉ vài giờ đồng hồ sau, đã có thông tin xác nhận đại diện lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đã đến hỗ trợ để các em về nhà. Tin mừng trong ngày, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Cũng đã có người đặt câu hỏi rằng tình hình căng thẳng sao các em không ở yên một chỗ mà về nước làm gì, vừa nguy hiểm cho mình vừa nguy hiểm cho người khác và là gánh nặng của nước nhà.
Tôi biết, không chắc là các em ấy muốn về lúc này, có khi là các em không còn sự lựa chọn nào khác. Vì sao?
Về nhà lúc này là nguy hiểm cho chính các em đầu tiên, vì nguy cơ lây nhiễm từ sự di chuyển không hề nhỏ, sau đó là nguy cơ lây nhiễm lại cho người khác nếu các em đã dương tính với virus corona. Nhưng còn lựa chọn nào khác cho các em trong khi trường đóng cửa cho về nhà học online, ký túc xá cũng đóng cửa, các em sẽ ở đâu?
Có ai muốn trở thành bệnh nhân, nạn nhân hay gánh nặng của đất nước đâu, chỉ là rơi vào thế bất khả kháng mà họ phải về thôi. Tôi chỉ mong các em được an toàn khi về đến nhà và chắc chắn sẽ tự hào mình là người Việt Nam bởi đất nước không bỏ rơi bất kỳ ai phía sau, tôi tin là như thế.
Lúc này chỉ nên ngồi yên
Tôi là công dân bị mắc kẹt và tự nguyện không về nước lúc này để an toàn cho bản thân, bớt một nỗi lo cho gia đình và giảm một gánh nặng cho đất nước.
Bởi khi tôi trở về, không biết điều gì xảy ra, tốt thì bản thân không nhiễm virus corona nhưng vẫn phải tốn nguồn lực và chi phí cho việc cách ly 14 ngày, còn xấu thì tôi có thể bị lây nhiễm rồi có thể ảnh hưởng bao nhiêu người khác, lúc đó hậu quả khôn lường.
Tôi cảm thấy mình là đứa may mắn, có người đồng ý cho mình ở nhờ trong thời gian này bởi mấy ai chấp nhận để một người không phải là người thân trong nhà trong khi không hề biết thời hạn nào được “thoát khỏi” nó. Ai biết bao lâu sẽ kiểm soát được dịch, bao lâu nữa toàn bang sẽ hết phong tỏa, bao lâu nữa các chuyến bay sẽ mở lại?
Chẳng thể có câu trả lời.