Trong dàn nghệ sĩ Tây du ký 1986, Mã Đức Hoa kiệm lời và ít nói về bản thân suốt những năm qua. Ở tuổi 74, ông bất ngờ xuất bản cuốn tự truyện mang tên Ngộ Năng.
“Cuốn sách không phải viết về những điều kinh thiên động địa, đơn giản là sinh hoạt hàng ngày của tôi”, Mã Đức Hoa nói trên Nhân Dân nhật báo.
Mã Đức Hoa kể thời điểm Tây du ký được hâm mộ cuồng nhiệt, nhiều tác giả đã đến gặp ông gợi ý viết sách. Nhưng lúc đó, ông kiên quyết từ chối vì cảm thấy quá sớm.
Mã Đức Hoa viết tự truyện ở tuổi ngoài 70. |
“Viết sách là dạy người đúng không? Tôi ngày đó đã đủ sức dạy ai chưa? Tôi đã đủ trải nghiệm về cuộc đời chưa? Thế nên tôi không viết. Giờ ở tuổi ngoài 70, tôi nghĩ đã có thể mang nửa đời trước để viết về mình”, Mã Đức Hoa nói.
Con nhà võ, nuôi mộng diễn kịch
Mã Đức Hoa sinh năm 1945 tại Bắc Kinh. Trong cuốn tự truyện, ông nói từ nhỏ không được lòng cha mẹ vì tinh nghịch. Điều khiến ông tự hào nhất là luyện võ.
“Trư Bát Giới” có cha là người giỏi võ. Sinh hoạt ngày thường của cha đã tác động nhiều đến suy nghĩ của Mã Đức Hoa. Ngày nhỏ, ông say mê với những môn võ học và tự nhận cực giỏi côn nhị khúc.
“Ngoài võ thuật, tôi thích diễn phim, đóng kịch”, ông nói.
Cuốn tự truyện Ngộ Năng của Mã Đức Hoa. |
Khi còn nhỏ, ông thích sang nhà hàng xóm xem trộm phim. Rồi sau đó là ngày tháng “lân la” ở những sân khấu kinh kịch tại Bắc Kinh. Nhìn thấy các nghệ sĩ trang điểm xanh xanh, đỏ đỏ, mặc trang phục cồng kềnh cắm theo lá cờ phía sau, ông cực kỳ phấn khích.
14 tuổi, Mã Đức Hoa quyết định đăng ký vào trường Học viện Kinh kịch Trung Quốc. Quyết định này bị gia đình phản đối.
Cha mẹ Mã Đức Hoa hy vọng con theo đuổi con đường học vấn thông thường như các đứa trẻ cùng trang lứa. Mã Đức Hoa phải mất rất nhiều năm để chứng minh cho gia đình thấy sự lựa chọn của mình là đúng.
Trước khi tham gia Tây du ký, trên sân khấu kịch, Mã Đức Hoa nhiều lần diễn các vai trích đoạn trong Đại náo Thiên cung, Tôn Ngộ Không náo Tây động.
Năm 1982, Mã Đức Hoa được bạn bè giới thiệu nên thử vai cho phim truyền hình Tây du ký. “Năm đó, bạn tôi nói phim truyền hình đang tìm diễn viên, anh có nghĩ nên thử một cơ hội”, Mã Đức Hoa nhớ lại.
Chỉ yêu Trư Bát Giới háo sắc
Hơn 70 tuổi, nhiều năm trong nghề diễn nhưng Mã Đức Hoa chỉ được nhớ đến với vai Trư Bát Giới béo ục ịch, ham ăn và háo sắc. Nam nghệ sĩ cho biết ông rất vui vẻ khi chỉ thành danh với một vai diễn.
“Tôi không tiếc nuối nếu cả đời chỉ diễn được Trư Bát Giới”, ông nói. Ngay từ khi tham gia casting, ông đã mong được chọn lựa vào vai diễn này.
Mã Đức Hoa bên đạo diễn Dương Khiết. |
“Nhìn nhân vật có thể thấy đó là gã gây cười, trí tuệ không có nhưng thích tỏ ra thông minh. Hắn lười nhác, cho người khác cảm giác đần độn. Nhưng hắn cũng là kẻ biết yêu thương gia đình, không để bụng", Mã Đức Hoa mô tả vai diễn để đời của ông.
"Khuyết điểm lớn nhất của hắn là háo sắc. Nhân vật này rất có tính cách, cũng là nhân vật giống người bình thường nhất”, Mã Đức Hoa chia sẻ trên Tân Kinh Báo.
Đến tuổi xưa nay hiếm, Mã Đức Hoa vẫn nhớ như in ấn tượng về nữ đạo diễn Dương Khiết. Trong cuốn sách Ngộ Năng, ông viết: “Phòng tuyển diễn viên trông cũ kỹ, gần vào tấm gương có một cái bàn. Giữa bàn là một người phụ nữ trạc hơn 50 tuổi ngồi chính giữa. Bà gầy gò, già hơn tuổi, đôi mắt có thần thái và nhìn tôi chằm chằm. Sau đó, tôi mới biết bà là tổng đạo diễn Dương Khiết”.
Dương Khiết hỏi: “Anh muốn diễn nhất là nhân vật nào”. Mã Đức Hoa đáp: “Tôi vì vai Trư Bát Giới mà đến”. Dương Khiết ra đòn: “Đã có ba diễn viên thử diễn vai này. Họ không tệ, anh là người thứ tư”.
May mắn đến với Mã Đức Hoa khi ông được lựa chọn. Năm 1982, ở tuổi 37, ông chính thức gia nhập đoàn phim Tây du ký.
“Tôi từng diễn Trư Bát Giới trên sân khấu kịch. Nhưng với phim truyền hình là câu chuyện khác. Vai diễn này với tôi là đại công trình, cả đời tôi chỉ có một đại công trình này là không có gì tiếc nuối”, Mã Đức Hoa tâm sự.
Mã Đức Hoa trên phim trường khi hóa trang thành Trư Bát Giới, vai diễn duy nhất được nhớ đến của ông. Ông gọi đây là đại công trình trong cuộc đời. |
“Ngoài những ngày quay phim mệt mỏi, ngay cả việc ăn cơm cũng là nhiệm vụ khó với tôi và Lục Tiểu Linh Đồng. Chúng tôi được hóa trang quá kỹ nên thường phải nhìn người khác ăn”, ông nhớ lại.
Từ phim trường tới bệnh viện, tiếc cho dàn diễn viên trẻ
Mã Đức Hoa thừa nhận những năm 1980, công nghiệp làm phim của Trung Quốc thô sơ. Diễn viên gặp quá nhiều khó khăn để có thể làm phim vốn cần công nghệ kỹ xảo.
“Chúng tôi đặt câu hỏi làm sao có thể đi mây về gió như kịch bản đây. Trên sân khấu kịch, diễn viên chỉ cần lăn lộn mấy vòng qua lại là được. Còn trên màn ảnh, sự chân thực là điều quan trọng nhất”, ông nhớ lại.
Những cảnh treo người trên không hay dưới biển làm khó cả dàn diễn viên. Đoàn phim từng có ý sang Hong Kong nhờ hướng dẫn về công nghệ kỹ xảo hay kỹ thuật treo người trên dây cáp. Phim Hong Kong thập niên 1980 - 1990 rất thành công với dòng phim võ thuật.
Mã Đức Hoa nói ý định này không thành công khi các nhà làm phim Hong Kong kiên quyết không truyền đạt cho phía Đại lục. Họ không cho phép ê-kíp Tây du ký tác nghiệp ghi hình, chỉ cho phép nhìn từ xa.
“Xem xong, đoàn phim tự chế dây thép treo người. Chúng tôi đùa với nhau rằng phát minh này chẳng khác nào bom nguyên tử”, ông cười.
Tây du ký thất bại trong việc nhờ cậy phía Hong Kong giúp đỡ về kỹ xảo và kỹ thuật. Họ phải tự dàn dựng và chịu nhiều rủi ro khi quay phim. |
Trong thời gian quay phim, dàn diễn viên chính đều bị thương. Mã Đức Hoa từng ngã từ độ cao 3 m xuống đất. “May cho tôi là dưới đất có trải nệm, nhân vật Trư Bát Giới được hóa trang bụng bự nên không chấn thương nặng. Tôi chỉ phải di chuyển từ đoàn phim tới bệnh viện và nằm đó cho đến khi khỏe lại”. ông chia sẻ.
Những năm qua, Mã Đức hoa có xem Đại thoại Tây du và Tây du hàng ma thiên. Ông cho rằng mỗi giai đoạn đều có cách làm phim khác nhau. Nhưng ông tiếc cho dàn sao trẻ hiện tại.
“Có lần một diễn viên rất đẹp trai xuất hiện, muốn chụp ảnh cùng tôi. Sau đó, cậu ấy nói cũng sẽ diễn Trư Bát Giới. Tôi hỏi cậu ấy diễn trong phim nào, hóa ra là Tây du hàng ma thiên. Hình ảnh Trư Bát Giới khác hẳn với nguyên tác", ông nhớ lại.
"Tôi có xem phim nhưng tôi không nghĩ đó là Tây du ký. Họ chỉ là mượn tên tác phẩm thôi, bản chất phim của họ không phải về Tây du ký”, Mã Đức Hoa trăn trở.