Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý Quý Trung những ngày không Phở 24

"Tôi chuẩn bị sang Úc dạy, đôi khi làm khách của Phở 24... song cái khó chịu là bản thân bức bối vì không có liền một dự án để làm cho mình mất ăn mất ngủ", Lý Quý Trung chia sẻ.

Lý Quý Trung những ngày không Phở 24

"Tôi chuẩn bị sang Úc dạy, đôi khi làm khách của Phở 24... song cái khó chịu là bản thân bức bối vì không có liền một dự án để làm cho mình mất ăn mất ngủ", Lý Quý Trung chia sẻ.

Sau gần 2 năm tuyệt giao với báo giới, Lý Quý Trung đã chấp nhận buổi phỏng vấn đặc biệt này. Không chỉ với nhân vật, chính người phỏng vấn cũng thấy thật khó bắt đầu câu chuyện về Phở 24.

 
LÝ Quý Trung: Tôi ví việc chuyển nhượng Phở 24 như cuộc chạy tiếp sức mà tôi chỉ là người xuất phát.

- Một năm rưỡi qua anh làm gì?

- Viết sách, đi đến một số nước và đặc biệt, dành cho gia đình nhiều thời gian hơn. Thời gian cũng là thứ xa xỉ mà trong cuộc sống doanh nhân của tôi bao năm qua không có được. Kế hoạch của tôi lúc đầu là không làm gì trong vòng 2 năm để tận hưởng sự thư thả của cuộc sống, nhưng rồi nó bị phá sản về mặt tinh thần, bởi tôi không ngừng suy nghĩ. Mỗi ngày như có một giọng nói thì thầm bên tai hỏi: tiếp theo là cái gì đây?

- Vậy anh đã tìm ra cái tiếp theo chưa?

- Chưa. Thật sự là sau khi viết xong tập tự truyện, tôi vẫn chưa nghĩ ra được cái gì để làm (cười). Bản thân như bị mắc kẹt giữa kế hoạch và sự thôi thúc thì thầm này. Thực tế, trong thời buổi kinh tế quá khó khăn như hiện nay, không làm gì coi như đã tiết kiệm được tiền rồi, vì càng làm càng rủi ro thêm.

- Không kinh doanh thì có thể đi dạy, diễn thuyết, vẽ tranh chẳng hạn, những nghề tay trái đã từng làm anh hứng thú?

- Điều lạ là tôi không vẽ được bức tranh nào trong thời gian gần đây, chắc tôi chỉ vẽ được khi bị stress. Tôi cũng đã nhận lời và chuẩn bị sang Úc dạy tại một vài đại học. Tôi thấy các con mình lớn nhanh quá và không còn bao lâu nữa chúng sẽ rời xa mình để theo đuổi sự nghiệp riêng. Hai đứa con tôi sẽ học ở Úc nên tôi chọn sang Úc dạy để có thể ở bên cạnh 2 con.

- Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về quyết định không mấy dễ dàng là chuyển nhượng thương hiệu Phở 24 vào cuối năm 2011?

- Có quá nhiều việc quan trọng tôi cần phải làm cho hệ thống Phở 24 sau gần 10 năm hoạt động, tất cả đều cần nhiều vốn đầu tư mới. Chẳng hạn như đại tu hoặc tái cơ cấu mô hình kinh doanh mà thông thường các chuỗi nhà hàng trên thế giới trễ nhất cứ mỗi 5-7 năm phải làm. Thứ nữa là phải bỏ khoản chi phí lớn để làm mới hình ảnh thương hiệu, đặc biệt đánh mạnh vào quảng cáo để bảo vệ thương hiệu và thúc đẩy khách hàng tiềm năng thực sự bước vào tiệm phở, chứ không phải chỉ nghe hay biết về nó.

Ngoài ra, còn nhiều việc cần làm khác như xây dựng dây chuyền sản xuất hiện đại để làm phở gói xuất khẩu, mở tiệm phở ở Mỹ và một số thị trường lớn mà tôi muốn đích thân mình mở trước khi nhượng quyền. Tất cả những việc này đều cần rất nhiều tiền mà tôi không thể tiếp tục huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu. Đối tác chiến lược VinaCapital lại muốn thoái vốn vì rơi đúng thời điểm sau 5 năm theo thông lệ của một quỹ đầu tư, nên không trách họ được.

Tôi ví việc chuyển nhượng Phở 24 như cuộc chạy tiếp sức mà tôi là người xuất phát. Sau đó, mỗi vận động viên chỉ chạy một chặng đường và chuyển cây gậy cho người kế tiếp. Tôi đã viết những điều này trong tập tự truyện. Qua quyển sách này, tôi mong có sự đồng cảm của những khách hàng đã từng yêu Phở 24, và mong rằng thương hiệu Phở 24 là cây gậy được chuyền nhau trong cuộc chạy tiếp sức dài vô tận.

- Bán bớt cổ phần cũng là cách để có tiền tiếp tục phát triển và quan trọng hơn là vẫn giữ được công ty?

- Thực tế, ban đầu chúng tôi bàn đến phương án bán bớt cổ phần. Tôi đã nói chuyện với nhiều nhà đầu tư chiến lược. Nhưng điều khiến tôi băn khoăn nhất là làm sao để bán bớt cổ phần mà vẫn kiểm soát được quyền điều hành công ty, tức là quyền chi phối đối với những quyết định quan trọng. Bởi hơn ai hết, tôi biết mình thật khó chịu nổi nếu công ty do mình gầy dựng nhưng lại mất quyền kiểm soát. Và thực tế, sau những cân nhắc, chúng tôi thấy, nếu bán thêm cổ phần thì quyền điều hành không còn thuộc về tôi nữa.

Trong công việc, đặc biệt với mô hình kinh doanh mình tự gầy dựng nên, tôi thích được nghe nhưng phải là người quyết định. Cuối cùng, có 2 lựa chọn hoặc cố thủ thu nhỏ mạng lưới kinh doanh, hoặc bán hết. Nhưng nếu cố thủ, tôi thấy mình quá ích kỷ, bởi sự phát triển bền lâu của một thương hiệu mới quan trọng. Và rồi chúng tôi quyết định chuyển nhượng toàn bộ thương hiệu.

- Những kinh nghiệm nào trong mô hình Phở 24 mà anh thấy cần chia sẻ cho những nhà kinh doanh nhượng quyền ở Việt Nam?

- Khi phát triển hệ thống nhanh cần hết sức cẩn thận, phải chọn những mặt bằng tốt nhưng cân nhắc đến chi phí thuê nhà. Đúng thời điểm phát triển của Phở 24 cũng là lúc bùng nổ nóng của thị trường bất động sản, nên tiền thuê nhà rất cao. Và trong bất kỳ việc kinh doanh nào, cuối ngày cũng phải đếm tiền, nếu chi phí mặt bằng quá cao thì lợi nhuận sẽ thấp.

Điều tôi muốn nói khi hệ thống kinh doanh càng lớn mạnh thì bộ phận quản trị phải tập trung sức lực nhiều hơn nữa cho những gì xảy ra ở “tiền tuyến” (cửa hàng) hơn là tại “hậu phương” (văn phòng).

- Dường như Lý Quý Trung sẽ bắt đầu cái tiếp theo ở nước ngoài?

- Cũng có thể. Khi có cơ hội và trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu, không nhất thiết phải bắt đầu ở Việt Nam. Tôi thấy với ngành nhà hàng và bán lẻ, chi phí thuê mặt bằng đóng vai trò rất quan trọng. Hiện tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ, Úc lại có giá cho thuê mặt bằng cạnh tranh hơn Việt Nam. Điều này khá nghịch lý nếu nhìn vào thu nhập trên đầu người ở Việt Nam.

Như vậy, để có thể tiếp tục mất ăn mất ngủ cho một dự án kinh doanh mới, sẽ không quá tồi khi bắt đầu ở nước ngoài bằng một thương hiệu Việt. Trước đây, khi Việt Nam hội nhập, tôi luôn có khái niệm là bắt đầu từ trong nước, sang các nước lân cận, rồi mới đến các thị trường lớn và xa. Nhưng nay tôi nhìn thị trường kinh doanh ở góc độ toàn cầu hơn.

- Anh có nghĩ cái bóng của Phở 24 quá lớn đến độ bản thân khó để bắt đầu một mô hình kinh doanh mới?

- Điều này không sai. Chính vì lẽ đó tôi khó nghĩ được cái kế tiếp là vậy. Công ty Phở 24 không quá lớn, nhưng chiếc bóng của món phở Việt rất vĩ đại. Và tôi tâm niệm nếu có làm, tôi thích những mô hình kinh doanh có tiềm năng nhân rộng hơn.

- Đã từng viết 2 quyển sách về kinh doanh, anh có nghĩ lý thuyết và thực tế quá cách biệt không?

- Khi viết sách, tôi ở vai trò của một người nghiên cứu. Những sai lầm của một hệ thống nhượng quyền điển hình mà tôi viết trong sách đôi khi cũng xảy ra đối với hệ thống Phở 24 của mình. Tuy nhiên, không phải viết được sách là miễn nhiễm được, thực tế có những yếu tố khách quan mà mình không kiểm soát được.

- Một năm qua, anh có vào tiệm Phở 24 để ăn phở?

- Có chứ. Thời gian đầu, cảm giác thật lạ vì lần đầu tiên tôi đóng vai trò một khách hàng của Phở 24 chứ không phải là người chủ.

- Lạ thế nào?

- Ví dụ như ăn xong cũng trả tiền như người khác chứ không ký hóa đơn như trước nữa (cười).

- Nếu gặp thái độ phục vụ không ưng ý tại tiệm Phở 24, anh có góp ý ngay với tư cách một khách hàng?

- À, tôi cũng thường xuyên bị “việt vị”. Thấy bất kỳ khiếm khuyết nào của tiệm phở, tôi lại đi xộc vào, vỗ vai nhân viên, tính rầy la, nhưng rồi sực nhớ mình không còn là sếp của họ nữa, nên thay vì rầy, tôi lại lúng túng hỏi thăm hoặc góp ý.

- Anh có nhận thấy sự khác biệt nào giữa Phở 24 trước và sau khi nhượng thương hiệu?

- Tôi xin phép không trả lời câu này, vì mỗi nhà lãnh đạo có cách làm khác nhau.

- Nhưng anh có thể cho ý kiến với tư cách của một doanh nhân?

- Cá nhân tôi nghĩ Phở 24 được mặc định từ đầu trong mắt người tiêu dùng với hình ảnh cao cấp. Nếu muốn xây dựng nó theo hình ảnh thân thiện hơn cũng là một hướng đi, nhưng nó chỉ đúng và đáng đánh đổi hình ảnh cao cấp khi chuỗi tiệm phở được mở đại trà với số lượng nhiều hơn.

- Điều gì khiến anh thấy khó chịu trong những ngày không có phở?

- Khó chịu thì không hẳn, nhưng nó khác thói quen hằng ngày. Khối lượng công việc giảm đột ngột, tự nhiên có nhiều thời gian rảnh, sướng nhưng không quen. Hoặc như cách ăn mặc cũng thay đổi, từ những trang phục chỉnh chu sẵn sàng tiếp khách bất kỳ lúc nào nay lại giản dị với quần jeans áo thun. Trang phục mới tuy thoải mái nhưng đôi khi thấy nó lạ lẫm với chính mình. Song cái khó chịu nhất là bản thân cảm thấy bức bối vì không có liền một dự án mới để làm cho mình mất ăn mất ngủ. Cái mất ăn mất ngủ này không sung sướng nhưng là một phần của cuộc sống người doanh nhân.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Bạn có thể quan tâm