Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý giải chuyện lương tiến sĩ tốt nghiệp ở Mỹ thấp hơn osin

Theo tiến sĩ Đặng Đức Đạm, thu nhập ngoài lương của cán bộ công chức là rất lớn, bên cạnh đó là những lợi thế phi vật chất như cơ hội học tập, uy tín...

Mới đây, giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ con ông sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ trở về Việt Nam làm việc cho một viện nghiên cứu lương khởi điểm chỉ 3 triệu đồng/tháng. “Lương của con tôi, tiến sĩ du học ở Mỹ về, chỉ có 3,5 triệu đồng một tháng, thấp hơn lương nó trả cho osin -  4 triệu đồng”, ông Nguyễn Lân Dũng cho biết.

Câu chuyện trên một lần nữa được tiến sĩ Đặng Đức Đạm (nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương) dẫn lại trong buổi tọa đàm về tiền lương tối thiểu và an sinh xã hội ngày 16/9. Theo ông, chúng ta đang phải gọt chân cho vừa giày.

“Ngân sách eo hẹp chính là nguyên nhân chính khiến tiền lương tối thiểu ở các cơ quan hành chính sự nghiệp thấp như vậy. Tiền lương lẽ ra phải 3 triệu chẳng hạn, nhưng ngân sách chỉ đủ để lên 2 triệu thôi. Cuối cùng Chính phủ phải liệu cơm gắp mắm”, ông nói.

luong toi thieu anh 1
Bài toán tiền lương luôn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa giới chủ và người lao động. Ảnh: Việt Dũng.

Một lý do khác nữa theo tiến sĩ Đạm là bộ máy công chức đang cồng kềnh, kém hiệu quả. Ông dẫn chứng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó thủ tướng phụ trách công tác cải cách hành chính đã nêu con số có tới 30% công chức thuộc dạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, không làm được việc, còn người dân mỗi khi phải đến “cửa quan” đều ngại ngần, bức xức về sự phiền hà, nhũng nhiễu.

Chưa kể, riêng biên chế cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên tăng từ 346.379 người năm 2007 lên đến 396.371 người năm 2014 (tăng gần 50.000 người, tỷ lệ 14,43%). Nếu chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước thì tăng từ 238.668 năm 2007 lên 275.620 người năm 2014 (tỷ lệ 15,48%).

“Muốn tăng lương, muốn xoá bỏ được nghịch lý lương phải tinh giản được bộ máy Nhà nước”, tiên sĩ Đặng Đức Đạm khẳng định.

Ông cũng nêu lại thực tế là tuy tiền lương “chết đói” nhưng nhiều công chức sống đàng hoàng; tiền lương rất thấp nhưng để được vào biên chế lại cực kỳ khó; tiền lương không đủ sống nhưng khi đến tuổi nhiều người vẫn không muốn về hưu…

Nguyên nhân theo tiến sĩ Đặng Đức Đạm là thu nhập ngoài lương rất lớn. Nhiều khoản thu nhập chưa đưa vào lương (nhà ở, xe cộ, điện thoại,…), lợi thế không phải vật chất (cơ hội học tập, uy tín…).

Tiên sĩ Matthias Meissner, chuyên gia từ CHLB Đức, cho biết ở Đức, chính phủ đưa ra một sàn an sinh như trợ cấp thất nghiệp để người dân có nguồn sinh sống.

“Rất khó để nói thế nào là mức sống tối thiểu. Ở góc độ kinh tế, tôi cho rằng lương cơ bản là lương trả cho người lao động tính theo giờ, ngày, tùy vào thời gian họ làm việc. Làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu”, ông nói.

Tuy nhiên, ở Đức nếu một người đi làm không đủ nuôi vợ con thì gia đình họ sẽ được nhận thêm trợ cấp từ sàn an sinh để đảm bảo cuộc sống.

Đại diện doanh nghiệp, ông Đậu Đăng Doanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Nhà in Khoa học và Công nghệ, cho rằng muốn tăng lương tối thiểu phải căn cứ vào thực tế, phải so Việt Nam với khu vực.

“Làm một đồng đòi ăn 1,5 đồng thì sao chấp nhận được? Tôi bỏ ra 30.000 đồng/giờ phải in được cho tôi ít nhất 10 quyển sách, chứ làm 5-6 quyển mà đòi thế thì sao được? Lương phải phù hợp với năng suất lao động”, ông Doanh nêu quan điểm.

Doanh nhân này nói thêm, dù lương chỉ 3,5 triệu đồng, nhưng doanh nghiệp phải trả thêm 7% thâm niên, 3 năm tăng lương một lần, chưa kể nếu nhân sự yếu kém, doanh nghiệp còn phải chịu nhiều thiệt thòi, rủi ro. 

Chê lương thấp, có sếp nào dám bỏ nhà nước?

Trong khi đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội ủng hộ chính sách lương cứng cho lãnh đạo DNNN thì ông Lê Đăng Doanh lo ngại trả lương mang tính bình quân sẽ không thu hút người tài.

Lương tiến sĩ ở Mỹ về thấp hơn osin!

“Lương của con tôi tiến sĩ du học ở Mỹ về chỉ có 3,5 triệu một tháng, thấp hơn lương nó trả cho osin với 4 triệu đồng...", GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.


Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm