"Một con số không tưởng với doanh nghiệp dịch vụ công ích", "ngồi mát ăn bát vàng" là ý kiến chung của rất nhiều cư dân mạng với thông tin vừa được văn phòng UBND TP.HCM thông báo về kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp dịch vụ công ích trên địa bàn.
Theo đó, lương cho giám đốc của công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị khiến nhiều người "sốc" nhất, đến 200 triệu đồng/tháng, tương ứng 2,6 tỷ đồng một năm, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty này cũng có tổng thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm, còn Kế toán trưởng 1,67 tỷ, Phó giám đốc 969 triệu đồng. Con số này gấp 41 lần lương lao động trực tiếp, đẩy mức lương bình quân của doanh nghiệp này vượt 22 triệu đồng/tháng, gấp 3 lần mức bình quân của các đơn vị tại TP.HCM.
Tuy là nghề độc hại, nguy hiểm nhưng hầu hết các công nhân thông cống, bào trì đường điện, chặt cây lại chỉ nhận mức lương bằng 25% so với quy định. |
Rất nhiều ý kiến độc giả bày tỏ bất bình khi mức thu nhập cao bất thường này lại xuất phát từ việc chi thưởng sai cho đội ngũ quản lý. "Nước thì liên tục tăng giá, gặp sự cố, đường ngập như sông mỗi khi có mưa, trong khi kinh phí tu sửa không có, phải vận động nhân dân đóng góp. Thế mà doanh nghiệp vẫn có quỹ thưởng hàng tỷ đồng. Căn cứ chia thưởng của lãnh đạo các doanh nghiệp này ở đâu nếu như kết quả công việc của họ không mang lại công ích cho số đông người dân?"
"Sao lương các sếp này khủng quá vậy? Nhân viên sẽ làm đến mấy chục năm mới bằng một năm thu nhập của các vị này?" ; "Lương công nhân sống tại TP.HCM chỉ 5 triệu đồng thì tiêu hết vào tiền thuê nhà, ăn ngày ba bữa, đi lại là hết, chẳng bao giờ mơ được cái nhà dành cho người thu nhập thấp. Đúng là người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra. Thưởng thì đến tay sếp, trong khi người trực tiếp làm việc với cống thối, leo cột điện, chặt cành cây... thì chẳng được nhận một đồng nào", là những bức xúc được nhiều độc giả trẻ chia sẻ.
Dẫn chứng trường hợp của mình, bạn Anh Tuấn, một kỹ sư 15 kinh nghiệm làm tại một công ty có vốn nhà nước ở Hà Nội, cho biết dù thường xuyên làm thêm ca vào ngày cuối tuần nếu có công việc đột xuất cần giải quyết, nhưng đến nay, thu nhập của bạn mới chỉ là hơn 6 triệu đồng/tháng. Theo độc giả này, hiện các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang chi lương theo hệ số, không hiểu mức lương vài tỷ đồng một năm của lãnh đạo doanh nghiệp này được tính trên hệ số nào.
"Nếu các doanh nghiệp này chia thưởng dựa trên kết quả kinh doanh, thì có lẽ đây là những tấm gương điển hình cho việc doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi lớn trong tình hình kinh tế cả nước đang khó khăn, và rất nên được khen thưởng. Tuy nhiên, báo cáo lại không cho biết mỗi năm, 4 đơn vị này thu được bao nhiêu, được rót kinh phí hoạt động bao nhiêu, để làm căn cứ chia khoản tiền thưởng lớn đến như vậy?", độc giả này thắc mắc.
Một điểm trong báo cáo làm dậy sóng cư dân mạng là việc hàng trăm lao động trực tiếp tuy đã đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn nhưng không được lãnh đạo các công ty ký. Điều này cũng có nghĩa là người lao động có thể bị đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào và không được nhận bồi thường.
"Đây cũng là vấn nạn chung của thị trường lao động Việt Nam, vì người lao động không hiểu hết về pháp luật đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình. Hơn 500 lao động bị 'ém' hợp đồng vẫn chấp nhận làm việc với mức lương chỉ bằng 25% mức đáng ra được nhận, giúp quỹ lương của 4 doanh nghiệp này dư khoảng 10 tỷ đồng/tháng, đủ chi thưởng và trả lương bạc tỷ cho lãnh đạo", độc giả Phan Quang Linh chia sẻ trên mạng xã hội.
Từ những bất bình, nhiều độc giả cho rằng, phanh phui được sự việc là tốt, nhưng cái cần hơn là phải xử nghiêm, để không còn tình trạng "lương lậu lập lờ". "Không chỉ là truy thu, mà cần phải truy tố. Đây rõ ràng là ngân sách cấp xuống, dù tiết kiệm được cũng không thể chia nhau chứ chưa nói đến việc kết quả chẳng thấy đâu mà tiền thì đầy túi. Từ TP.HCM, có lẽ rất cần một cuộc thanh tra diện rộng trên toàn quốc với các doanh nghiệp hưởng lương ngân sách như vậy, và yêu cầu cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp công khai thu nhập càng sớm càng tốt", độc giả Lê Quang Sơn nhấn mạnh.