Theo dữ liệu của CoinMarketCap, sau khi đạt mức kỷ lục gần 69.000 USD/đồng vào tháng 11/2021, giá Bitcoin đã mất khoảng 66% giá trị. Tính đến 18h20 ngày 2/3, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch quanh mức 23.300 USD/đồng.
Giá Bitcoin đã phục hồi mạnh mẽ trong vài tuần qua. Kể từ đầu năm, đồng tiền này tăng giá 42%. Đáng nói, giá tăng vọt bất chấp sự ảm đạm trên những thị trường rủi ro khác.
Nói với Zing, ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại London - cho rằng: "Bitcoin như đang tồn tại trong một thế giới riêng của chúng". "Như thường lệ, giá Bitcoin có thể tăng vọt bất kể các nền tảng cơ bản và tâm lý chung của nhà đầu tư trên những thị trường khác như thế nào", ông Erlam nhận định.
Nhưng có nhiều lý do để tỷ phú đầu tư Warren Buffett không tin Bitcoin. "Nếu bạn sở hữu tất cả Bitcoin trên thế giới và bán cho tôi với giá 25 USD, tôi cũng không mua", ông nói với CNBC hồi đầu năm nay.
Tỷ phú Warren Buffett cho biết ông không hiểu Bitcoin. Ảnh: Reuters. |
"Bitcoin không có giá trị"
Buffett thường ưa chuộng những cổ phiếu liên quan tới sản xuất, tức tạo ra giá trị thực. Nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2020, vị tỷ phú cho rằng tiền mã hóa không có giá trị thực.
"Chúng không tạo ra hay làm bất cứ điều gì. Các vị chỉ hy vọng rằng sẽ có một người khác đến và trả nhiều tiền hơn để mua chúng. Sau đó, vấn đề này lại thuộc về họ", ông lập luận.
Bitcoin được tạo ra với mục đích trở thành công cụ thanh toán. Nhưng việc áp dụng rộng rãi cũng không dễ dàng.
Câu hỏi đầu tiên là các chuỗi khối có thể xử lý hàng nghìn giao dịch cùng một lúc hay không, nhất là khi điều này không làm chi phí giao dịch tăng vọt.
Hơn nữa, các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang muốn tạo ra những đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Điều này có thể bóp nghẹt đà tăng trưởng trong thanh toán bằng tiền mã hóa.
Theo Buffett, giá trị của Bitcoin chỉ nằm ở niềm tin rằng trong tương lai, sẽ có một ai đó sẵn sàng chi nhiều tiền để mua nó hơn những gì bạn phải trả ngày hôm nay.
Trong vài năm qua, Buffett đã phản đối tiền mã hóa một cách quyết liệt. "Tôi không nắm giữ một đồng Bitcoin nào. Tôi sẽ không sở hữu tiền mã hóa, không bao giờ", ông nói với CNBC hồi năm 2020.
Câu hỏi đặt ra là Bitcoin có thể đáp ứng 3 tiêu chí để trở thành tiền hay không. Cây bút Ethan Rotberg chỉ ra theo định nghĩa phổ biến nhất, tiền phải là một phương tiện trao đổi, một phương tiện tích lũy và một đơn vị tính toán.
Theo Buffett, Bitcoin không phải một phương tiện trao đổi về lâu dài, và cũng không thể tích lũy giá trị.
"Không thể hiểu Bitcoin"
Buffett trở thành một trong các huyền thoại đầu tư vì ông đầu tư vào những cổ phiếu mà mình nắm rõ.
"Tôi đã gặp đủ rắc rối với những gì mà tôi tin rằng mình biết một chút về nó. Tại sao tôi phải mua hay bán một thứ tôi chẳng biết gì?", ông đặt câu hỏi.
"Nhưng mọi người thích đánh bạc", Buffett nói với CNBC sau cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway hồi năm 2018. Đó là một vấn đề đối với những tài sản không gắn với sản xuất.
"So với việc hiểu rõ về một thứ, các vị sẽ phấn khích với những thứ mà mình không hiểu gì hơn", ông nhận định.
Do không dựa trên bất cứ nền tảng cơ bản nào, giá Bitcoin có thể trồi sụt một cách khó đoán.
"Giá Bitcoin tăng nhanh nhưng còn xuống nhanh hơn. Có một câu nói cũ là thị trường chứng khoán đi lên bằng thang bộ và xuống bằng thang máy. Nhưng riêng với tiền mã hóa, giá nhảy khỏi cửa sổ và rơi tự do", chuyên gia Erlam so sánh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.