Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lý do tuyển thủ eSports giải nghệ sớm

Phong độ kém không phải lý do chính khiến các tuyển thủ thể thao điện tử (eSports) giã từ sự nghiệp khi mới 25-26 tuổi.

Ly do tuyen thu eSports giai nghe som anh 1

Johnathan Wendel (Fatal1ty) là một trong những game thủ nổi bật. Suốt 9 năm thi đấu chuyên nghiệp, Wendel kiếm được gần 460.000 USD, giành 12 chức vô địch và 5 danh hiệu MVP (Most Valuable Player) tại giải đấu thuộc các trò chơi như Quake III Arena, PainkillerUnreal Tournament. Trận đấu chuyên nghiệp cuối cùng của Wendel diễn ra năm 2007, khi anh 26 tuổi.

Với các môn thể thao truyền thống, 26 là độ tuổi khá trẻ để giải nghệ. Tuy nhiên, đó là con số tiêu chuẩn của eSports. Tuổi giải nghệ trung bình của tuyển thủ Call of Duty League là 26, còn Overwatch League là 23 tuổi, thấp hơn các môn thể thao truyền thống.

Tại giải Call of Duty League của Activision, tuyển thủ thi đấu có độ tuổi trung bình khoảng 22, còn Overwatch League của Blizzard Entertainment là khoảng 20 tuổi. Theo khảo sát của Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA), tuổi trung bình của tuyển thủ là 26.

Giải nghệ sớm do căng thẳng, tiền thưởng ít

Nhiều ý kiến cho rằng tuyển thủ eSports giải nghệ do thể chất và phản xạ không còn tốt khi qua tuổi 24 hoặc 25. Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn với Washington Post, 4 cựu tuyển thủ eSports cho biết lý do chính khiến họ giải nghệ liên quan đến tinh thần căng thẳng, luyện tập quá sức, công việc không ổn định và muốn tham gia kinh doanh.

"Về cơ bản, mức tiền thưởng giảm rất nhiều", Wendel cho biết. Sau khi giải nghệ, anh quyết định tập trung vào kinh doanh, ngừng hợp tác với các hãng phần cứng. Tất nhiên, Wendel không phải tuyển thủ eSports duy nhất đi theo con đường này.

Ly do tuyen thu eSports giai nghe som anh 2

Wendel kiếm hàng trăm nghìn USD từ các giải đấu chuyên nghiệp, nhưng giải nghệ khi mới 26 tuổi. Ảnh: AP.

Dennis Fong (Thresh) được Sách Kỷ lục Guiness ghi nhận là game thủ chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới, từng vô địch các game như DoomQuake. Vào thời kỳ đỉnh cao (cuối thập niên 1990), Fong kiếm về hàng trăm nghìn USD từ các giải game chuyên nghiệp. Tuy nhiên, anh rời sàn đấu khi mới 20 tuổi để lập công ty riêng.

"Tôi lãnh đạo thành công một doanh nghiệp với quy mô lớn. Chúng tôi huy động vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Điều hành công ty đầu tiên khi mới 21 tuổi rất căng thẳng", Fong chia sẻ. Sau khi bán công ty đầu tiên với giá 100 triệu USD, Fong hiện là CEO của nền tảng kiểm duyệt trò chơi GGWP, sử dụng máy học để ngăn chặn ngôn từ phản cảm của game thủ.

Dù đã 44 tuổi, Fong cho biết anh tự tin lọt top 100 người chơi nếu tập trung vào một game nhất định. Tuy nhiên với vị trí giám đốc và người cha, Fong không muốn dành hết thời gian để chơi game.

"Khi 20 tuổi, bạn có thể chơi game 24/7 và cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên ở độ tuổi 30 và 40, bạn sẽ có nhiều trách nhiệm hơn trong cuộc sống. Một gia đình, đứa con và những yếu tố khác. Tôi vẫn yêu và thích chơi game, nhưng không còn ưu tiên điều đó nữa", Fong chia sẻ.

20 tuổi, bạn có thể hạnh phúc khi chơi game 24/7. Tuy nhiên ở độ tuổi 30-40, bạn sẽ có nhiều trách nhiệm hơn trong cuộc sống

Dennis Fong (Thresh), game thủ chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới

Nhiều game thủ chuyên nghiệp đầu thập niên 2000 cũng giải nghệ với lý do tương tự. Thời gian tập luyện và số tiền nhận về từ các giải đấu không còn tương xứng khi tuổi ngày càng lớn. Với sự phổ biến của các nền tảng phát trực tuyến, nhiều game thủ rời bỏ các giải chuyên nghiệp và trở thành streamer để kiếm tiền.

Brandon Larned (Seagull), tuyển thủ Overwatch giã từ sự nghiệp từ năm 2018 để trở thành streamer trên Twitch. Khi còn thi đấu cho Dallas Fuel, Larned tập luyện 10 giờ/ngày, 6 ngày trong tuần. Tính cả thời gian tự tập, khối lượng công việc trong tuần của Larned tương đương 70-80 giờ. Tuy nhiên khi trở thành streamer, anh có thể tự đặt ra lịch làm việc và chơi mọi game ưa thích. Điều đó giúp cân bằng công việc và cuộc sống nhưng vẫn giúp Larned kiếm tiền.

Tự đặt ra giới hạn khi 25 tuổi

Theo Fong, kiệt sức là vấn đề phổ biến với tuyển thủ eSports. Anh từng bị đau cổ tay, vai và suy nhược cơ thể khi còn là game thủ chuyên nghiệp vào cuối những năm 1990. Dù công nghệ phát triển rất nhiều trong 30 năm qua, kiệt sức vẫn là vấn đề gây đau đầu tại các phòng tập eSports.

"Đó là những môi trường có áp lực rất lớn... Họ đang chiến đấu, đào tạo và tập luyện hơn 15 giờ mỗi ngày. Khi không chơi game, xung quanh họ là đồng nghiệp và quản lý. Không có cơ hội thực sự để thoát khỏi không gian ấy", Tiến sĩ Madison Klarkowski, Phó giáo sư Đại học Saskatchewan (Canada), người nghiên cứu về tương tác xã hội trong game chia sẻ.

Ly do tuyen thu eSports giai nghe som anh 3

Ở tuổi 20, Fong (trái) đã vô địch giải đấu dành cho game bắn súng Quake. Ảnh: The San Francisco Chronicle.

Albert Yeh, Chủ tịch Vận hành Trò chơi của Misfits Gaming, lãnh đạo đội tuyển Overwatch Florida Mayhem cho biết hầu hết game thủ chuyên nghiệp đã tích lũy hàng nghìn giờ chơi khi còn nhỏ, nhiều người ký hợp đồng khi mới 17 tuổi. Do không có giới hạn thể chất, các game thủ có xu hướng phát triển kỹ năng toàn diện khi còn rất trẻ so với nhiều môn thể thao truyền thống.

"Ở cấp độ chuyên nghiệp, chúng tôi không chờ đợi (đến khi game thủ trưởng thành)... Những đứa trẻ chơi game không cần phát triển thể chất để đạt trình độ chuyên nghiệp. Trong khi với thể thao truyền thống, dù có kỹ năng tốt thế nào thì đứa trẻ 8 tuổi cũng không thể thi đấu với người đàn ông trưởng thành", Yeh cho biết.

Đó cũng là lý do nhiều game thủ chuyên nghiệp tự đặt ra giới hạn, tạo tâm lý cho rằng họ sẽ sa sút phong độ khi 25 tuổi. Bên cạnh việc các đội thường chiêu mộ tuyển thủ trẻ tuổi, cơ chế giảm kiệt sức do tập quá mức hầu như không đầy đủ khiến các game thủ giàu kinh nghiệm giải nghệ sớm do căng thẳng. Theo Yeh, các game thủ hiện nay luôn được khuyến khích để suy nghĩ rằng họ là những người giỏi nhất.

Giá trị kinh nghiệm và thời gian

Việc không giữ chân game thủ giàu kinh nghiệm có thể khiến những người trẻ mất đi nhiều góc nhìn, trải nghiệm hữu ích. Đó là lý do cựu tuyển thủ Ronald Kim (Rambo) tạo ra FPS Coach, dịch vụ huấn luyện người chơi các game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS).

Kim là một trong những tuyển thủ nổi tiếng của CS:GO (Counter-Strike: Global Offensive). Học viên tại FPS Coach sẽ tham gia các khóa học do Kim hướng dẫn để tăng kỹ năng di chuyển, ngắm bắn trong những game FPS.

Theo Kim, game thủ 30 tuổi thường phản xạ chậm hơn đáng kể so với thanh thiếu niên, nhưng có thể truyền đạt kinh nghiệm về chiến lược đội hình hay khả năng phán đoán vị trí kẻ địch. Đó là những yếu tố chỉ có thể tích lũy sau thời gian thi đấu chuyên nghiệp.

Ly do tuyen thu eSports giai nghe som anh 4

Sau khi giải nghệ, Kim mở dịch vụ hướng dẫn người chơi nâng cao kỹ năng trong các game bắn súng. Ảnh: FPS Coach.

"Trong eSports không chỉ có thời gian phản xạ đúng không? Bạn có biết nhìn vào đâu, phán đoán vị trí và chiến thuật kẻ địch cho một số vấn đấu không? Bạn có thể lọc ra những thông tin cần thiết, chẳng hạn như lời nói của đồng đội hay âm thanh từ khán giả không? Mọi thứ không chỉ đơn giản là phản xạ thuần túy", Tiến sĩ Caitlin McGee chia sẻ. Ông là nhà trị liệu vật lý, đồng sở hữu 1HP, nhóm chuyên gia y tế chuyên chăm sóc các tuyển thủ eSports.

Nhiều trường hợp ngoại lệ khi game thủ vẫn chứng tỏ trình độ thi đấu cao dù đã ngoài 30 tuổi. Trong đó có Hajime Taniguchi (Tokido), được nhiều người mệnh danh là một trong những game thủ Street Fighter vĩ đại nhất. Dù đã 36 tuổi, Taniguchi vẫn là đối thủ khó chịu nhờ kinh nghiệm chơi lâu năm.

"Tôi đã 36 tuổi, nhưng có thể tự tin khẳng định bản thân đang ở phong độ cao nhất và tốt nhất từ trước đến nay trong sự nghiệp", Taniguchi chia sẻ.

Giường gaming có kệ chứa mì gói và móc áo

Mẫu giường của Bauhutte có thể điều chỉnh độ cao và góc nghiêng cho những không gian chật hẹp, tuy nhiên người dùng cần mua thêm nhiều món để sở hữu không gian chơi game lý tưởng.

Chi tiết ẩn của Windows 1.0 được phát hiện sau 37 năm

Một người dùng đã tìm ra chi tiết ẩn (Easter egg) của phiên bản Windows 1.0 ra mắt năm 1985, liên quan đến đồng sáng lập hãng game Valve.

Genshin Impact là đối thủ lớn của ngành game Nhật Bản

Genshin Impact kiếm được doanh thu lớn tại Nhật Bản dù "vay mượn" nhiều yếu tố văn hóa đại chúng của nước này.

Phúc Thịnh

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm