Khinh khí cầu của Trung Quốc bị chiến đấu cơ F-22 của Mỹ phá hủy vào hôm 4/2. Ảnh: Reuters. |
Theo Reuters, các chuyên gia phân tích và nhà ngoại giao ngoại giao trong khu vực đang theo dõi sát sao những phản ứng của Trung Quốc sau khi chiến đấu cơ F-22 của Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của nước này ở vùng biển ngoài khơi bang Nam Carolina hôm 4/2.
Bắc Kinh cho biết khinh khí cầu trên là một thiết bị bay dân sự để nghiên cứu thời tiết.
Chính quyền Trung Quốc hôm 5/2 đã lên án hành động bắn khinh khí cầu của quân đội Mỹ, gọi hành động này là "một phản ứng thái quá". Bắc Kinh cũng khẳng định sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết nếu gặp phải "tình huống tương tự".
Tránh gia tăng hơn nữa căng thẳng giữa hai nước
Tuy quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng hơn trong những ngày qua, cả Bắc Kinh và Washington trước đó đều có động thái nhằm cải thiện mối quan hệ hai nước.
Việc chiếc khinh khí cầu được phát hiện trên lãnh thổ Mỹ đã dẫn đến quyết định hoãn chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này của Ngoại trưởng Antony Blinken. Chuyến thăm của ông Blinken vốn là một trong những kết quả của cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 11/2022.
Giới chuyên gia nhận định cả 2 nước đều muốn ổn định lại quan hệ, vốn trải qua nhiều "sóng gió" trong những năm gần đây. Chính quyền của Tổng thống Biden, ở một số thời điểm, đã bày tỏ sự lo ngại những căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ có thể leo thang trở thành một cuộc xung đột trực tiếp. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn nối lại quan hệ với Mỹ nhằm hỗ trợ cho đà phục của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới sau đại dịch Covid-19.
Sau khi khinh khí cầu Trung Quốc được phát hiện trên lãnh thổ Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm của ông tới Bắc Kinh, được lên kế hoạch từ tháng 11/2022. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Zhao Tong, một nhà nghiên cứu cấp cao tại văn phòng Trung Quốc của quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, vụ việc khinh khí cầu của Trung Quốc bị phá hủy ngoài khơi bờ biển Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến xu thế nối lại quan hệ giữa hai nước.
"Cả hai bên đều mong muốn tái ổn định và quản lý quan hệ song phương một cách có trách nhiệm", ông Zhao, người cũng giữ vai trò nghiên cứu tại Đại học Princeton, trả lời Reuters.
Bỏ qua những bất đồng
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu về an ninh tại Trường nghiên cứu S. Rajaratnam về Vấn đề quốc tế của Singapore dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ các hoạt động tuần tra do thám của quân đội Mỹ những sẽ tránh đối đầu trực tiếp với lực lượng này.
Ngay cả ở thời điểm quan hệ giữa hai nước còn tốt đẹp, các lực lượng quân sự của Trung Quốc thường xuyên theo dõi sát các chuyến tuần tra của quân đội Mỹ, đặc biệt là hoạt động tuần tra của hải quân nước này. Các tùy viên quân sự trong khu vực cho biết vấn đề đảo Đài Loan và tranh chấp tại Biển Đông là những chủ đề chính gây ra bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Đối với những phương tiện có người lái, Trung Quốc sẽ chỉ có phản ứng hạn chế. Tuy nhiên, với phương tiện không người lái, hành động của quốc gia Đông Á sẽ trở nên khó đoán định hơn, đặc biệt khi Bắc Kinh tin rằng nước này có thể kiềm chế hậu quả của vụ việc do không có thiệt hại về người", ông Koh nhận định.
Một ví dụ được ông Koh nhắc đến là vụ việc Trung Quốc tịch thu một chiếc tàu bán ngầm không người lái được triển khai bởi một tàu nghiên cứu hải dương ngoài khơi bờ biển Philippines vào tháng 12/2016. Thiết bị này sau đó được hải quân Trung Quốc bàn giao cho một tàu chiến Mỹ.
Các chuyên gia nhận định cả Washington và Bắc Kinh đều sẽ cố gắng để vượt qua những bất đồng sau vụ việc khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Mỹ, nhằm mục tiêu tái ổn định quan hệ giữa 2 nước. Ảnh: Reuters. |
Christopher Twomey, một học giả về an ninh tại Trường sau đại học của Hải quân Mỹ ở bang California, cho biết bất kỳ phản ứng nào của Trung Quốc cũng sẽ mang tính kiềm chế.
"Tôi dự đoán rằng Trung Quốc sẽ có những phản đối công khai ở mức trung bình nhưng hy vọng rằng cả 2 bên sẽ bỏ qua những bất đồng và tái khởi động các chuyến thăm cấp cao trong những tháng tới", ông Twomey nhận định.
Ông Zhu Feng, trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Nam Kinh, cho biết các quan chức Mỹ cần phải dừng việc "nghiêm trọng hóa vấn đề" để đảm bảo quá trình nối lại quan hệ giữa hai nước diễn ra suôn sẻ.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng "quan hệ Mỹ - Trung có thể nhanh chóng sang trang mới khi 2 nước thiết lập được những thể chế liên lạc và đối thoại rõ ràng".
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.