Thời đại của bom nguyên tử kéo dài 70 năm qua, với một số ít quốc gia có thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Dù bị cấm vận, Triều Tiên là quốc gia sở hữu công nghệ chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong những lần thử trước đây, giới phân tích đánh giá vũ khí của Triều Tiên là loại bom hạt nhân cơ bản, sức công phá yếu. Theo CNN, Nếu Bình Nhưỡng thực sự sở hữu bom H, thế giới sẽ phải chú tâm nhiều hơn tới Triều Tiên.
Bom H là gì?
Hiểu theo cách đơn giản nhất, vũ khí hạt nhân lấy năng lượng từ quá trình phân hạch, hay còn gọi là phân rã hạt nhân. Nó tạo ra phản ứng dây chuyền với tốc độ tăng lên theo hàm số mũ, giải phóng một năng lượng khổng lồ trong thời gian ngắn. Bom được chế tạo theo cách này được gọi là bom nguyên tử, hay bom A.
Vũ khí hạt nhân cao cấp hơn lấy năng lượng nhiều hơn từ quá trình nhiệt hạch, hay còn gọi là tổng hợp hạt nhân. Đối với loại vũ khí này, bức xạ nhiệt từ vụ nổ phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và ném phần nhiên liệu khác nhằm tạo ra phản ứng nhiệt hạch với năng lượng được giải thoát rất nhiều. Loại vũ khí này được gọi là bom khinh khí hay còn có tên khác là bom hydro, bom H hoặc bom nhiệt hạch.
Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là công cụ răn đe với Mỹ. Ảnh: KCNA |
Bom H thực chất là quả bom kép, bao gồm một quả bom nguyên tử và một quả bom hydrogen. Khi được kích hoạt, hai quả bom sẽ nổ gần như đồng thời. Lượng nhiệt sinh ra từ quá trình nổ bom nguyên tử được dùng để làm mồi cho vụ nổ thứ 2, vốn cần rất nhiều nhiệt lượng nhưng sức tàn phá cũng lớn gấp hàng trăm lần.
Ý nghĩa của bom H với Bình Nhưỡng
Nếu Bình Nhưỡng nắm giữ công nghệ chế tạo bom H, họ thực sự đạt được bước tiến vượt trội trong quá trình chế tạo bom hạt nhân. Dù bom nguyên tử sử dụng nhiên liệu plutonium đã có sức hủy diệt vô cùng lớn, bom H với thành phần chính là uranium có thể gây ra những thiệt hại lớn hơn rất nhiều.
Ở thời điểm hiện tại, chỉ 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc sở hữu loại vũ khí này. Các nước khác như Ấn Độ và Pakistan chỉ sở hữu loại bom nguyên tử thông thường. Người ta chưa thể xác định tiềm lực của Israel vì nước này luôn giấu mọi thông tin về chương trình hạt nhân.
Vị trí các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Đồ họa: CNN |
Bài học từ lịch sử
Tính tới thời điểm hiện tại, bom A vẫn là vũ khí hạt nhân duy nhất được con người sử dụng để tấn công lẫn nhau. Hơn 200.000 người đã thiệt mạng trong sự kiện Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hirishima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945. Việc sở hữu bom H giúp Triều Tiên có khả năng răn đe hạt nhân lớn hơn rất nhiều.
May mắn, bom H vẫn chưa một lần được sử dụng, dù nhiều thời điểm thế giới bị đẩy tới sát mép vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Khủng hoảng tên lửa Cuba trong những năm 1960 là ví dụ.
Sức hủy diệt vô cùng khủng khiếp của vũ khí hạt nhân khiến các cường quốc rất thận trọng với việc sử dụng vũ khí này. Các nước lớn cũng đang làm việc với nhau để cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân trong những thập niên gần đây.
Cái nhìn toàn cảnh về hạt nhân thế giới
Từ buổi bình minh của thời đại nguyên tử, ít nhất 8 quốc gia đã thử nghiệm hơn 2.000 vụ nổ hạt nhân. Mỹ là quốc gia đầu tiên thử nghiệm vũ khí hủy diệt này với một quả bom được kích hoạt ở New Mexico vào ngày 16/7/1945.
Sau Mỹ, các cường quốc như Liên Xô, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên cũng lần lượt tiến hành các vụ thử. Nhà nước Do Thái Israel cũng được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ở thời điểm hiện tại, có từ 10.000 đến 15.000 đầu đạn hạt nhân nằm trong kho của các cường quốc. Tuy nhiên, Triều Tiên là quốc gia duy nhất thử vũ khi hạt nhân từ năm 1999 tới nay. Chúng diễn ra vào năm 2006, 2009, 2013 và đầu năm 2016. Các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ và Pakistan diễn ra trong năm 1998.