Bom hạt nhân là vũ khí nguy hiểm nhất của Triều Tiên. Ảnh: Icanw> |
Bình Nhưỡng ngày 6/1 tuyên bố đã thử vũ khí nhiệt hạch. Nếu tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch được xác nhận, Triều Tiên đã tạo ra bước đột phá mới trong việc sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt mạnh hơn bom hạt nhân.
Trước đó vài giờ, một trận động đất mạnh 5,1 độ Richter xảy ra tại Triều Tiên. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho hay tâm chấn nằm ở độ sâu 10 km và cơn địa chấn xảy ra lúc 10h ngày 6/1 (giờ địa phương), cách khu vực Punggye-ri - nơi Triều Tiên thử hạt nhân năm 2013 khoảng 49 km.
Tuyên bố thử nghiệm thành công vũ khí nhiệt hạch có thể khiến tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại sau vụ đấu pháo vào tháng 8/2015. Câu chuyện về kho vũ khí của Triều Tiên một lần nữa gây xôn xao trong giới phân tích thế giới.
Vũ khí hạt nhân
Tạp chí National Interest nhận định, bom hạt nhân là vũ khí nguy hiểm nhất không chỉ Hàn Quốc mà cả thế giới phải lo lắng.
Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006. Theo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), sức mạnh vụ nổ tương đương 1.000 tấn TNT. CIA nhận định thử nghiệm không thành công.
Đến năm 2009, Triều Tiên thử hạt nhân lần 2. Bộ Quốc phòng Nga ước tính vụ nổ có sức mạnh khoảng 20 kiloton, tương đương quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima.
Lần thử nghiệm thứ 3 diễn ra vào năm 2013 với đương lượng nổ khoảng 40 kiloton. Vụ nổ đã gây ra một cơn địa chấn tại thị trấn Kilju gần khu thử nghiệm Punggye-ri. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Bình Nhưỡng có thể đã sở hữu khoảng 6-8 đầu đạn hạt nhân.
Pháo binh hạng nặng
Pháo binh là một trong những quân bài chủ lực của Bình Nhưỡng, đặc biệt là pháo tầm xa. Điểm bất lợi lớn cho Hàn Quốc là thủ đô Seoul nằm trong tầm bắn của hầu hết các đại bác của Triều Tiên. Nếu khai hỏa toàn bộ các khẩu pháo liên tục trong 30 phút, Bình Nhưỡng có thể san phẳng Seoul.
Pháo tự hành Triều Tiên trong một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP |
M1978 Kosan 170 mm và rocket phóng loạt MRL-240 là hai loại pháo nguy hiểm nhất của nước này. Pháo Kosan có tầm bắn tới 60 km. Tốc độ bắn của nó rất chậm khoảng 1-2 viên/5 phút, nhưng nhờ số lượng lớn nên có thể áp đảo về hỏa lực.
Trong khi đó, rocket phóng loạt MRL-240 có tầm bắn khoảng 35 km, mỗi xe phóng có thể mang 12 hoặc 22 đạn. Theo Global Security, Bình Nhưỡng sở hữu khoảng 200 hệ thống này. Nếu Triều Tiên khai hỏa đồng loạt, chúng có thể dội xuống Seoul tới 4.400 đạn rocket trong một phút.
Tàu ngầm mini
Bình Nhưỡng có một hạm đội tàu ngầm mini đông đảo, trong đó nhiều nhất là lớp Sang-O. Các tàu ngầm này có công nghệ khá lạc hậu, nhưng việc phát hiện ra chúng dưới mặt nước không phải vấn đề đơn giản. Chúng có thể bí mật tiếp cận các tàu chiến Hàn Quốc và tung đòn tấn công. Ví dụ điển hình là vụ chìm tàu hộ tống Cheonan năm 2010 được cho là do trúng ngư lôi bắn ra từ tàu ngầm Triều Tiên.
Tàu ngầm lớp Sang O mắc cạn ở Hàn Quốc năm 1996. Ảnh: Global Security |
Bên cạnh nhiệm vụ tấn công, các tàu ngầm mini có thể phục vụ cho hoạt động triển khai gián điệp. Năm 1996, một tàu ngầm gián điệp của Triều Tiên mắc cạn ở bờ biển Gangneung, Hàn Quốc dẫn đến cuộc truy lùng quy mô lớn của Seoul. Theo National Interest, hải quân nước này đang triển khai khoảng 40 tàu ngầm lớp Sang-O và 10 tàu lớp Yono.
Tên lửa đạn đạo
Triều Tiên sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Chúng được sản xuất với công nghệ khá lạc hậu nhưng vẫn nguy hiểm. Loại tên lửa chủ lực của Bình Nhưỡng là Hwasong-5/6, phiên bản sản xuất tại Triều Tiên của tên lửa Scud. Các tên lửa này có tầm bắn từ 300 đến 700 km.
Bên cạnh tên lửa tầm ngắn, Bình Nhưỡng còn sở hữu tên lửa tầm trung Nodong tầm bắn trên 1.000 km, Taepodong-1 tầm bắn 2.200 km. Đặc biệt gần đây Triều Tiên đã triển khai hoạt động tên lửa đạn đạo tầm trung di động Musudan với tầm bắn khoảng 4.000 km.
BBC ước tính, kho vũ khí của Triều Tiên có khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo các loại. Điểm yếu của chúng là độ chính xác khi bắn thấp, nhưng vẫn rất nguy hiểm với các mục tiêu bên trong lãnh thổ Hàn Quốc. Trong tháng 5, chính phủ Hàn Quốc đã thỏa thuận cùng Mỹ để triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.
Vũ khí hóa học
Theo CIA, Triều Tiên có kho vũ khí hóa học khá lớn. Sự phát triển của vũ khí này ở Bình Nhưỡng diễn ra lặng lẽ. Viện hàn lâm khoa học số 2 và Cục máy móc công cụ số 5 chịu trách nhiệm nghiên cứu và sản xuất chúng. Một số nguồn tin không chính thức cho biết, Bình Nhưỡng có khoảng 2.500 đến 5.000 tấn vũ khí hóa học, chủ yếu là khí mù tạt.
Joe Bermudez, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên nhận định, nước này có thể đã sản xuất thành công đầu đạn hóa học sử dụng trong pháo binh hoặc tên lửa. Nếu được sử dụng trong chiến tranh, chúng có thể gây nguy hiểm trên diện rộng cho đại bộ phận quân đội và người dân Hàn Quốc.