Theo AP, Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có thể đã thử bom A, không phải bom H.
Yan Uk, nghiên cứu viên cao cấp của Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết, với quy mô của vụ nổ sáng 6/1, rất khó để tin rằng đây là một quả bom hydro thực sự. "Họ có thể đã thử nghiệm giai đoạn trung gian giữa bom A và bom H. Tuy nhiên, nếu Triều Tiên không có bằng chứng rõ ràng, rất khó để tin lời tuyên bố của họ", Yan cho hay.
Nhà phân tích Joe Cirincione, chuyên gia về hạt nhân tại tổ chức an ninh toàn cầu Ploughshares Fund, nghi ngờ Bình Nhưỡng đã pha trộn đồng vị hydrogen trong một quả bom hạt nhân thông thường.
“Do sử dụng chất hydrogen, thực tế, họ có thể khẳng định nó là bom hydro. Tuy nhiên, nó không phải là một quả bom nhiệt hạch thực sự với khả năng sản sinh lượng megaton lớn”, ông nói.
Bom A là loại vũ khí hạt nhân lấy năng lượng từ quá trình phân hạch, hay còn gọi là phân rã hạt nhân. Nó tạo ra phản ứng dây chuyền với tốc độ tăng lên theo hàm số mũ, giải phóng một năng lượng khổng lồ trong thời gian ngắn.
Dù bom nguyên tử sử dụng nhiên liệu plutonium nhưng bom A đã có sức hủy diệt vô cùng lớn. Minh chứng rõ nhất cho sức tàn phá của bom A là hai vụ ném bom xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản với số người chết có thể lên tới hàng trăm ngàn người. Đây cũng là lần duy nhất con người sử dụng vũ khí nguyên tử nhằm vào nhau.
Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin về vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Trước đó, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, ông không tin thiết bị hạt nhân mà Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm hôm nay là bom nhiệt hạch.
Cùng chung quan điểm, nghị sĩ Lee Cheol Woo thuộc đảng cầm quyền Thế giới mới, dẫn thông tin từ Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cho hay, dựa trên phạm vi của vụ nổ, có thể Triều Tiên đã không thử bom hydro như tuyên bố của nước này.
Các chuyên gia quốc tế cũng nghi ngờ tuyên bố của Triều Tiên. "Dữ liệu về trận động đất mà chúng tôi nhận được cho thấy quy mô của nó dưới mức một vụ thử bom H", Crispin Rovere, chuyên gia về kiểm soát vũ khí và chính sách hạt nhân của Australia, nhận định.
Bruce Bennett, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao thuộc công ty nghiên cứu quốc phòng Rand Corporation (Mỹ), cho rằng các thông tin của Triều Tiên về vụ nổ đều không thuyết phục.
"Quy mô của loại vũ khí này có thể tương đương quả bom mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima nhưng nó không phải là bom hydro. Lẽ ra tiếng nổ phải lớn gấp 10 lần", Bennett nói với BBC. Con số ước tính về vụ thử nghiệm hồi năm 2013 cho thấy sức công phá của nó từ 5 tới 9 kiloton.
Tại cuộc họp báo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng cho hay, lúc 16h45 (giờ địa phương), các trạm giám sát của Nhật không phát hiện bức xạ ở bãi thử hạt nhân – nơi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch sáng 6/1.
Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công một thiết bị hạt nhân hydro thu nhỏ lúc 10h (giờ địa phương). Theo Triều Tiên, đây là bước tiến đáng kể trong khả năng tấn công của nước này. Động thái khiến Nhật Bản và Hàn Quốc thiết lập tình trạng báo động.
Giới quan sát khó xác nhận tuyên bố của phía Triều Tiên và các nước khác đang gấp rút xác minh liệu có phải Bình Nhưỡng đã thử thành công thiết bị hạt nhân hydro được thu nhỏ hay không.
Nước này cũng tuyên bố lý do để thử nghiệm bom nhiệt hạch là "quyền lợi hợp pháp" nhằm bảo vệ nước này trước Mỹ. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố nếu Mỹ không đe dọa chủ quyền của Triều Tiên, họ "không cần dùng tới các vũ khí hạt nhân".
Bom nhiệt hạch - hay còn gọi là bom hydro hay bom H - là loại vũ khí hạt nhân tạo ra năng lượng khổng lồ từ quá trình tổng hợp hạt nhân (còn gọi là nhiệt hạch). Khi loại vũ khí này được kích hoạt, bức xạ nhiệt từ vụ nổ hạt nhân phân rã được dùng để nung nóng và nén mạnh phần đầu mang tritium, deuterium, hoặc liti, dẫn tới phản ứng nhiệt hạch, giải thoát năng lượng khổng lồ.