Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: BBC |
“Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn nghi ngờ những tuyên bố của Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ luôn xem xét thận trọng các nguy cơ và mối đe dọa từ Bình Nhưỡng bởi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của họ”, Johs Earnest, phát ngôn viên Nhà Trắng, nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa kêu gọi Triều Tiên tuân thủ nghĩa vụ quốc tế và từ bỏ vũ khí hạt nhân. Phó Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Peter Wilson thì cho rằng, nếu có bằng chứng về việc sở hữu bom H (bom nhiệt hạch), Triều Tiên sẽ bị coi là vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và sự việc sẽ được báo cáo lên Hội đồng Bảo an.
Ngày 10/12, tờ KCNA đưa tin, trong chuyến thăm một địa điểm cách mạng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố: “Triều Tiên đã sở hữu các loại vũ khí hạt nhân và sẵn sàng kích nổ bom nguyên tử cũng như bom nhiệt hạch để bảo vệ chủ quyền, phẩm giá dân tộc. Triều Tiên có thể tiếp tục xây dựng một quốc gia mà không kẻ thù nào dám khiêu khích”.
Tờ Yonhap dẫn lời một quan chức thuộc cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết, không bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên có khả năng chế tạo bom H.
“Chúng tôi hy vọng tất cả các bên có thể làm nhiều hơn để cải thiện tình hình và có những nỗ lực mang tính xây dựng để duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu khi được hỏi về thông tin ám chỉ Triều Tiên sở hữu bom H.
“Tôi nghĩ rằng họ không có đủ khả năng để sản xuất một quả bom nhiệt hạch. Điều đó là không thể”, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân Triều Tiên tại Đại học Babes-Bolyai ở Romania nói.
Bom nhiệt hạch - hay còn gọi là bom kinh khí, bom hydro hay bom H - là loại vũ khí hạt nhân tạo ra năng lượng khổng lồ từ quá trình tổng hợp hạt nhân (còn gọi là nhiệt hạch). Khi loại vũ khí này được kích hoạt, bức xạ nhiệt từ vụ nổ hạt nhân phân rã được dùng để nung nóng và nén mạnh phần đầu mang tritium, deuterium, hoặc liti, dẫn tới phản ứng nhiệt hạch, giải thoát năng lượng khổng lồ.
Trước đó, Triều Tiên cũng đưa ra hàng loạt tuyên bố như khởi động một tàu ngầm tên lửa đạn đạo, sở hữu công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn nó lên tên lửa đạn đạo, tái khởi động tất cả các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon. Tuy nhiên, không ai có thể xác thực được những tuyên bố này.
Theo các hình ảnh vệ tinh, Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị để tiến hành một vụ thử hạt nhân tiếp theo. Tháng trước, báo Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm nhưng thất bại.