Chương trình phát triển vũ khí hủy diệt của Bình Nhưỡng bắt đầu năm 1956. Từng là một bên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng rút lui năm 2003 với lý do bị chính sách thù địch của Mỹ đe dọa. Ba năm sau, vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên diễn ra, BBC đưa tin.
Chúng ta biết gì về chương trình hạt nhân Triều Tiên?
Yongbyon được coi là cơ sở hạt nhân chính của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Triều Tiên từng nhiều lần tạm dừng các hoạt động ở Yongbyon, bao gồm cả việc phá hủy tháp làm mát năm 2008, để đổi lại các thỏa thuận viện trợ từ nước ngoài. Tuy nhiên, tháng 3/2013, cuộc khẩu chiến giữa Triền Tiên với Mỹ vì nghị quyết trừng phạt sau vụ thử hạt nhân lần 3 khiến Bình Nhưỡng tái khởi động tất cả các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon.
Triều Tiên phá hủy tháp làm mát ở tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Ảnh: KCNA |
Washington cho rằng Triều Tiên chưa bao giờ công khai các cơ sở hạt nhân của nước này. Ảnh chụp tháng 4/2015 cho thấy các lò phản ứng ở Yongbyon có thể đã được khởi động lại. Tháng 9 cùng năm, truyền thông Triều Tiên thông báo các cơ sở hạt nhân của nước này đã hoạt động bình thường.
Năng lực hạt nhân Triều Tiên?
Mỹ và Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên đang tăng thêm các cơ sở hạt nhân để làm giàu uranium. Máy ly tâm dùng để làm giàu uranium thường nhỏ, dễ dàng được giấu đi. Các mỏ quặng uranium dồi dào giúp Triều Tiên thuận lợi hơn trong việc sở hữu nhiên liệu. Bom hạt nhân sử dụng nhiên liệu uranium cũng có sức công phá mạnh hơn so với nhiên liệu plutonium.
Triều Tiên nhiều lần tuyên bố thu nhỏ bom hạt nhân thành đầu đạn, đủ nhẹ để đặt lên đầu tên lửa liên lục địa. Tháng 4/2015, Triều Tiên tái khẳng định tuyên bố này nhưng giới chức Mỹ tỏ ra nghi ngờ. Tuy nhiên, phía Washington cũng thừa nhận rất khó để đánh giá sự tiến bộ trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Quốc gia được mệnh danh là bí ẩn nhất thế giới cũng khẳng định vụ nổ năm 2013 mạnh hơn nhiều so với hai vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009, vốn sử dụng plutonium làm nhiên liệu.
Những lần thử hạt nhân của Triều Tiên diễn ra như thế nào?
Ngày 9/10/2006, Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần đầu tiên. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA gọi đây là sự kiện lịch sử, mang lại niềm vui cho quân đội và nhân dân Triều Tiên. Vụ thử diễn ra dưới lòng đất và tạo ra địa chấn. Sức mạnh của vụ nổ tương đương 550 tấn thuốc nổ TNT.
Ảnh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngày 4/1/2013 (bên trái) và ngày 23/1/2013. Ảnh: AFP |
Ngày 25/5/2009, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 2, động thái khiến cả thế giới lo ngại. Vụ nổ bom nguyên tử gây ra một cơn địa chấn mạnh 4,7 độ Richter. Người ta cho rằng Bình Nhưỡng kích nổ vũ khí ở khu vực gần Kiju, nơi được coi là địa điểm thử hạt nhân Pungye-ri của Triều Tiên. Vụ thử lần thứ 2 khiến Triều Tiên hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Ngày 12/2/2013, Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 3 và cũng là vụ thử lớn nhất. Các cơ quan chuyên trách của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ phát hiện trận động đất mạnh từ 4,9 đến 5,1 độ Richter tại nơi Triều Tiên thử hạt nhân, bãi Pungye-ri. Theo phía Hàn Quốc, sức công phá của vụ nổ tương đương 6.000 tới 7.000 tấn thuốc nổ TNT.
Ngày 6/1, các cơ quan giám sát địa chấn phát hiện động đất 5,1 độ Richter gần khu vực Triều Tiên từng thử hạt nhân. Vài giờ sau, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công vũ khí hạt nhân lần thứ 4. Phía Mỹ tuyên bố chưa thể xác minh được tuyên bố của Bình Nhưỡng.
Bên cạnh các vụ thử hạt nhân, Triều Tiên cũng đang nỗ lực thu nhỏ vũ khí thành đầu đạn để lắp lên tên lửa đạn đạo. Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo cho thấy Triều Tiên đang dần sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa liên lục địa, có thể tấn công các mục tiêu nằm xa khu vực.
Thế giới làm gì để ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên?
Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức nhiều vòng đàm phán để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Tháng 9/2005, sau hơn hai năm đàm phán, Triều Tiên đã đồng ý thỏa thuận mang tính bước ngoặt, từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và nhượng bộ chính trị.
Tuy nhiên, việc thực hiện các thỏa thuận gặp rất nhiều khó khăn. Các cuộc đàm phán bị đình trệ trong tháng 4/2009. Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời cuối năm 2011, vị trí quyền lực được truyền cho Kim Jong Un. Năm 2012, Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố ngừng các hoạt động hạt nhân và thử tên lửa để đổi lấy viện trợ tên lửa từ Mỹ. Bình Nhưỡng không thử tên lửa từ tháng 4/2012 tới nay. Các lệnh trừng phạt tăng cường của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng là hậu quả của việc thử bom hạt nhân trong năm 2013.