TV là một trong những vật dụng phổ biến. Bên cạnh kích thước hay công nghệ hình ảnh, độ bền cũng là yếu tố được nhiều người quan tâm.
Rtings, một trong những chuyên trang đánh giá thiết bị điện tử nổi tiếng, đã triển khai bài kiểm tra độ bền dài 10.000 tiếng trên 100 TV LCD từ tháng 10/2022. Tính đến hiện tại, kết quả cho thấy TV dùng công nghệ chiếu sáng cạnh (edge-lit) hỏng sớm hơn các mẫu dùng công nghệ đèn nền khác.
TV chiếu sáng cạnh dễ gặp các vấn đề như tấm phản quang cong, tấm dẫn sáng bị nứt và cháy đèn LED, xảy ra sau thời gian dài sử dụng ở độ sáng tối đa. Người dùng được khuyên ưu tiên chọn TV với công nghệ chiếu sáng trực tiếp (direct-lit) hoặc toàn dải (full-array) do phân phối nhiệt tốt hơn.
Vấn đề sau một năm sử dụng
Không tính lỗi nguồn điện, bảng mạch, cháy socket hay lưu ảnh trên TV OLED, hơn 25% trong số 82 TV LCD của Rtings gặp vấn đề về khả năng hiển thị ánh sáng đồng đều (uniformity) có thể nhìn thấy sau thời gian dài sử dụng.
Trong 10 TV chiếu cạnh, 7 mẫu gặp vấn đề ánh sáng đồng đều (tương đương 64%), một chiếc hỏng hoàn toàn và những mẫu còn lại có dấu hiệu hỏng. Ngược lại, chỉ 14/71 TV dùng đèn nền toàn dải hoặc chiếu sáng trực tiếp có tình trạng tương tự (20%).
Vấn đề hiển thị ánh sáng trên các TV khá giống nhau dù khác thương hiệu. Trang Rtings thử nghiệm nhiều TV chiếu cạnh của Samsung và LG bởi đây là 2 hãng có doanh số đứng đầu thị trường, riêng Samsung có 8 model được đánh giá.
Để tham khảo, các TV được cài độ sáng tối đa, trải qua chu kỳ tắt/bật mỗi ngày. Trong số 7 TV gặp vấn đề hiển thị ánh sáng đồng đều, 3 chiếc có dấu hiệu xuống cấp chỉ sau 2.200 tiếng, tương đương khoảng một năm sử dụng với hộ gia đình thông thường tại Mỹ.
Trong ảnh trên, trừ Samsung Q70A QLED còn khá ổn định, các TV còn lại đều hiển thị tệ hơn sau khi sự cố xuất hiện. Một số mẫu cho thấy nhiều vùng lỗi, riêng đèn nền của Samsung AU8000 hoàn toàn hỏng. Tình trạng lỗi có thể khác nhau tùy bộ phận, cách sắp xếp của nhà sản xuất.
Thiết kế của TV chiếu cạnh
Về cơ bản, cấu tạo của TV chiếu cạnh khá đơn giản. Đúng như tên gọi, loại TV này dùng đèn LED xếp tại cạnh dưới. Các dải đèn được dán keo, ốp khung tản nhiệt liền mặt sau TV.
Theo Rtings, khung tản nhiệt là bộ phận cần thiết trên TV chiếu cạnh do mật độ LED cao trong không gian nhỏ, dẫn đến nhiệt độ cao hơn so với TV chiếu trực tiếp hoặc toàn dải.
Ví dụ, Sony X90L 65 inch (chiếu toàn dải) có 160 đèn LED trải đều tấm nền, trong khi LG QNED80 2022 65 inch (chiếu cạnh) dùng 180 đèn LED dồn vào cạnh dưới.
Để phân tán ánh sáng từ phía dưới ra khắp màn hình, nhà sản xuất sử dụng tấm polymer chuyên dụng, gọi là tấm dẫn sáng (Light Guide Plate - LGP). Các lớp khác như film khuếch tán ánh sáng, film tăng cường chấm lượng tử, film tăng độ sáng... được xếp chồng lên LGP đến khi ánh sáng chiếu đến tấm nền LCD.
Khác với TV chiếu cạnh, các loại TV chiếu toàn dải hoặc trực tiếp không cần LGP bởi đèn nền được trải khắp bề mặt, chỉ cần film khuếch tán để độ sáng hiển thị đồng đều.
Dù hiệu quả trong chuyển đổi điện thành ánh sáng khả kiến, LED tỏa rất nhiều nhiệt. Đây không phải vấn đề trên TV chiếu toàn dải hoặc trực tiếp bởi nhiệt được phân bổ đều. Với TV chiếu cạnh, nhiệt độ sẽ tập trung đáng kể bên dưới.
Điểm "chết người" của TV chiếu cạnh
Sau khi tháo rời một số TV dùng đèn chiếu cạnh của LG và Samsung, chuyên trang Rtings kết luận cách thiết kế và lắp ráp các mẫu TV khá giống nhau. Điều đó khiến cơ chế hỏng hóc cũng tương đồng.
Với mẫu Samsung AU8000 đèn nền hỏng hoàn toàn, ảnh chụp từ camera cho thấy nhiệt độ tập trung tại vị trí đặt đèn nền (cạnh dưới), nhưng cũng phân bổ quanh bộ nguồn và bo mạch chủ (gần giữa màn hình).
Khi tháo rời TV, các chuyên gia nhận thấy tấm phản quang bị cong. Điều này ảnh hưởng sự phân bổ, khiến ánh sáng hiển thị không đồng đều. Vị trí cong vênh lan khắp tấm phản xạ từ cạnh dưới (nơi đặt đèn LED) đến các vùng gần giữa (vị trí bộ nguồn và bo mạch chủ).
Không chỉ tấm phản quang, tấm dẫn sáng của TV cũng bị nứt, khiến các vạch sáng dễ dàng nhìn thấy tại cạnh dưới tấm nền. Khi quan sát kỹ hơn, đèn LED trong TV cũng làm tan chảy một phần tấm dẫn sáng, tai vị trí mép dưới.
Khi thiết kế sản phẩm, nhà sản xuất dùng giá đỡ nhựa để tấm dẫn sáng lệch nhẹ so với đèn LED, tránh 2 bộ phận va chạm nhau. Tuy nhiên trên Samsung AU8000, các giá đỡ bị đèn LED nung chảy, tấm dẫn sáng trượt xuống rồi chạm vào dải đèn, khiến một phần bị tan chảy hoặc dính vào photpho của đèn LED.
Nhiều bóng LED bị cháy cũng khiến dải đèn của AU8000 ngừng hoạt động. Nếu gặp tình trạng này, sửa đèn nền không phải ý tưởng tốt bởi tình trạng ánh sáng không đều vẫn xảy ra, do tấm phản quang và dẫn sáng bị hỏng đáng kể. Việc thay các bộ phận sẽ cần TV cùng model.
Khi tháo 4 TV Samsung và 2 TV LG khác, vấn đề xảy ra gần như giống nhau khi tấm phản quang bị cong do tiếp xúc nhiệt. Tấm dẫn sáng nứt và nóng chảy cũng là hiện tượng phổ biến do cạnh dưới cực kỳ gần dải đèn, khiến bộ phận này chịu nhiệt độ cao trong thời gian dài.
Một số TV như LG QNED80 2022 ghi nhận đèn LED cháy do ứng suất nhiệt. Tại thời điểm viết bài, bóng LED bị cháy xung quanh vẫn hoạt động, nhưng chuyên gia của Rtings cho rằng chúng sẽ sớm hỏng.
Khi sử dụng nhiệt kế để đo, bề mặt dải LED của LG QNED80 2022 có thể đạt 123 độ C ở độ sáng TV tối đa. Nếu tính lượng bóng LED dày đặc, mật độ dòng nhiệt trên bề mặt sẽ rất lớn. Kể cả khung tản nhiệt cũng không có nhiều tác dụng ngăn tấm dẫn sáng hư hỏng do chịu nhiệt cao.
Kết luận, chuyên trang Rtings nhấn mạnh nhiệt tỏa từ đèn LED sẽ ảnh hưởng đến mọi TV dùng đèn chiếu cạnh, kể cả các mẫu đắt tiền bởi về cơ bản, cách thiết kế các dòng TV này khá giống nhau.
Lý do TV chiếu cạnh vẫn phổ biến
Theo Rtings, nếu đang dùng TV chiếu cạnh và muốn độ bền đạt 5-7 năm, người dùng nên tránh mở TV quá lâu ở độ sáng tối đa. Điều này giúp giảm ứng suất nhiệt tạo bởi đèn nền, giúp tấm phản quang và dẫn sáng nguyên vẹn trong thời gian dài hơn.
Tất nhiên, nhiệt từ bộ nguồn và bo mạch vẫn có thể ảnh hưởng tấm phản quang, nhưng trường hợp này ít xảy ra.
Nếu đang tìm mua TV LCD và quan tâm độ bền, người dùng có thể tham khảo các mẫu dùng đèn nền toàn dải hoặc chiếu trực tiếp vì có thể tránh vấn đề liên quan tấm dẫn sáng. Ngoài ra, đánh giá của Rtings cho thấy tấm phản quang trên những TV này được cố định tốt hơn, ít gặp rủi ro hư hỏng do tác động từ đèn nền.
Trong trường hợp cần mua TV chiếu cạnh do thích độ mỏng hay thiết kế đẹp, người dùng nên chọn các model có độ sáng cao hơn mức cần thiết, khi dùng thì chỉnh độ sáng thấp để tăng tuổi thọ.
Dù hạn chế về chất lượng và chi phí sản xuất, TV dùng đèn chiếu cạnh vẫn tồn tại bởi công nghệ này cho phép nhà sản xuất tạo ra các dòng TV LCD siêu mỏng. Tất nhiên, người dùng nên cân nhắc từng trường hợp dựa trên nhu cầu sử dụng.
Dù dùng công nghệ đèn nền nào, các loại TV được thiết kế với mức giá cố định, nhắm vào đối tượng người dùng có nhu cầu cụ thể (thiết kế đẹp, độ sáng cao...). Do đó, không thể đòi hỏi nhà sản xuất tạo ra TV chạy hoàn hảo trong 20 năm bởi chi phí cao khiến chúng khó thương mại hóa.
Khi được liên hệ, đại diện Samsung cho biết công nghệ chiếu cạnh được sử dụng trên TV LCD của hãng trong 15 năm, các bài kiểm tra chứng tỏ độ bền tương đương các mẫu dùng đèn nền chiếu trực tiếp trong điều kiện thực tế.
"Chúng tôi liên tục cải tiến thành phần quang học và quản lý nhiệt trên các mẫu edge-lit, đưa chúng trải qua hơn 20 bài kiểm tra độ bền dài hạn, bao gồm thử nghiệm với nhiệt độ cao. Chúng tôi kiên trì phát triển công nghệ để tăng cường chất lượng sản phẩm", đại diện Samsung cho biết.
Trong khi đó, LG nhấn mạnh quy trình thử nghiệm và tiêu chuẩn đồng nhất trên mọi TV, bao gồm kiểm tra độ bền vật liệu, thử nghiệm trong nhiều điều kiện ánh sáng và nhiệt độ, điều chỉnh cấu trúc khuếch tán ánh sáng và nhiệt độ tối ưu, phát triển module điều chỉnh ánh sáng để ghi nhận sự co giãn các bộ phận.
"Chúng tôi luôn khuyến nghị khách hàng đọc kỹ hướng dẫn kèm sản phẩm để bảo quản và sử dụng đúng cách. Như vậy, khách hàng có thể tận hưởng sản phẩm trong nhiều năm", LG cho biết.
Hisense khẳng định không ra mắt TV dùng công nghệ đèn chiếu cạnh trong năm nay, nhưng vẫn ủng hộ bài đánh giá nhằm liệt kê ưu, nhược điểm của TV chiếu cạnh.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.