Lễ thượng cờ trên một tàu chiến của lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Dự luật an ninh mới của Nhật vừa được Quốc hội nước này thông qua gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ trong và ngoài nước. Theo CNN, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử nước Nhật kể từ sau Thế chiến II.
Lần đầu tiên sau 70 năm, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể triển khai hoạt động quân sự ở nước ngoài với vai trò thực thi quyền phòng vệ tập thể. Tất nhiên, con đường đi đến thay đổi của Tokyo không hề dễ dàng, ông Abe phải đối mặt với làn sóng phản đối từ dư luận trong nước.
Ở phương diện quốc tế, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên lên tiếng chỉ trích dự luật. Các quốc gia này cho rằng, luật sẽ mở đường cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt, đe dọa an ninh khu vực châu Á.
Đặc biệt, các nhà phân tích ở Trung Quốc cho rằng, dự luật mới cùng với việc sở hữu công nghệ hạt nhân tiên tiến của Nhật sẽ khiến quốc gia này trở nên hung hăng hơn trong tương lai. Với Trung Quốc, Nhật Bản được xem là mối đe dọa an ninh lớn nhất, khi Tokyo ít kiềm chế với tham vọng vũ khí hạt nhân là nổi ám ảnh với nước này, theo đánh giá của một số học giả từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, nhà phân tích Andrea Berger, nghiên cứu viên về chính sách hạt nhân tại Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh, nhận định dự luật an ninh còn nhiều vấn đề cần tranh luận, tuy nhiên cho rằng Nhật Bản sẽ chế tạo vũ khí hạt nhân là không có cơ sở.
Nhật được bảo vệ dưới ô hạt nhân của Mỹ
Các tàu chiến của Mỹ và Nhật trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Defense |
Cũng theo CNN, từ những năm 1960, Tokyo đã phát triển một trong những chương trình năng lượng hạt nhân dân sự tiên tiến nhất thế giới. Chương trình này đang tạo ra khoảng một phần ba sản lượng điện của Nhật. Về mặt lý thuyết, công nghệ hạt nhân của Nhật có thể sử dụng để sản xuất vật liệu cho vũ khí nguyên tử.
Các chuyên gia quốc tế đánh giá, quy mô và sự phức tạp của các cơ sở hạt nhân cho phép Tokyo chế tạo bom hạt nhân chỉ trong vài tháng. Trung Quốc đã viện dẫn đến lý do này và đưa ra cảnh báo về khả năng sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt của Nhật.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 1976. Hiệp ước quy định rằng, các quốc gia được hưởng công nghệ hạt nhân hòa bình cho mục đích sản xuất năng lượng nếu họ từ bỏ vũ khí nguyên tử. Chuyên gia của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ giám sát các cơ sở hạt nhân nhằm đảm bảo chúng phục vụ cho mục đích hòa bình.
Cơ quan này xác nhận tính chính xác và đầy đủ các báo cáo của Nhật về những cơ sở hạt nhân cũng như tiến hành giám sát và thanh tra hoạt động. Vai trò của IAEA tại Tokyo là rất quan trọng để xua tan mối lo ngại của các nước về tham vọng vũ khí hạt nhân của nước này.
Bà Berger lập luận thêm, ngoài Trung Quốc và IAEA, còn có 2 đối tượng khác đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn tham vọng vũ khí hạt nhân nếu có của Nhật. Đầu tiên là công chúng nước này, hơn ai hết họ là nạn nhân của vũ khí nguyên tử nên hiểu rất rõ nỗi kinh hoàng mà nó gây ra.
Sau thảm họa nhà máy điện Fukushima, người dân Nhật Bản ngày càng cảnh giác với những nguy cơ từ công nghệ hạt nhân, cho dù là ứng dụng dân sự hay quân sự.
Thực tế, Nhật Bản là một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc ngăn chặn sự phổ biến của công nghệ hạt nhân cho mục đích quân sự. Tokyo là một nhân chứng lịch sử nhắc nhở thế giới về những hậu quả khôn lường khi sử dụng vũ khí nguyên tử. Không phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn là mục tiêu hàng đầu của Tokyo trong thời gian tới, bà Berger nhận định.
Tiếp đến là Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Nhật, Washington đặc biệt chú ý đến tình trạng chương trình hạt nhân của Tokyo. Mỹ - Nhật đã ký Hiệp ước An ninh song phương vào năm 1951. Theo đó, Washington có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Tokyo trong tình huống xảy ra chiến tranh. Mỹ tuyên bố sẽ sử dụng mọi nguồn lực, kể cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ Nhật trước cuộc xâm lược từ bên ngoài.
Về mặt lý thuyết, Nhật Bản đã có sự che chở từ chiếc ô hạt nhân của Mỹ nên họ có rất ít động cơ để chế tạo vũ khí nguyên tử. Bên cạnh đó, điểm nhấn của dự luật là thắt chặt liên minh quân sự với Mỹ, Nhật Bản có thể dựa vào kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Mỹ để tạo thế trận răn đe mà không cần chế tạo chúng, bà Berger kết luận.