Isaac Newton là nhà khoa học người Anh, được đánh giá vĩ đại và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Ông nổi tiếng với thuyết Vạn vật hấp dẫn.
Tuy nhiên, toán học hay vật lý không phải lĩnh vực duy nhất mà Newton bỏ sức nghiên cứu. 200 năm sau khi ông qua đời, người ta mới phát hiện Newton còn nghiên cứu về thuật giả kim (alchemy) và thần học (theology).
Newton từng nghiên cứu về kim tự tháp, Kinh thánh và ngày tận thế. Ảnh: Daily Express. |
Những tài liệu chưa được công khai cho thấy Newton từng tìm cách giải mã Kinh thánh và tiên tri ngày tận thế. Trong đó còn 3 trang viết nguệch ngoạc về kim tự tháp, thứ mà Newton cho là nắm giữ chìa khóa của những bí mật sâu sắc. Một tờ giấy bị cháy xém, có thể bởi chú chó Diamond của ông quậy phá làm đổ nến lên bàn.
“Đây là tài liệu thú vị bởi nó cho thấy Newton từng muốn tìm ra bí mật của kim tự tháp... Chúng đưa người đọc đi vào những câu hỏi sâu sắc nhất mà Newton nghiên cứu”, Gabriel Heaton, chuyên gia nghiên cứu bản thảo của cửa hàng đấu giá Sotheby’s nói với Observer. Những tài liệu của ông đang được bán đấu giá tại đây, dự kiến thu về hàng trăm nghìn USD.
Nghiên cứu về kim tự tháp được Newton thực hiện vào những năm 1680, tại trang viên Woolsthorpe của gia đình ông. Nhà khoa học muốn tìm ra đơn vị đo lường được sử dụng để xây kim tự tháp. Bằng cách tìm ra kích thước của Kim tự tháp Kheops, ông cũng có thể tính được chu vi Trái Đất.
Bản thảo bị cháy xém cho thấy nhà khoa học lỗi lạc từng nghiên cứu về kim tự tháp Ai Cập. Ảnh: Sotheby's. |
Newton còn mong rằng những nghiên cứu về kim tự tháp sẽ giúp ông tìm ra các đơn vị đo lường cổ đại, cho phép khám phá kiến trúc và kích thước Đền Solomon - bối cảnh của ngày tận thế - và giải thích ý nghĩa ẩn giấu trong Kinh thánh.
“Ông ấy từng đi tìm bằng chứng cho thuyết Vạn vật hấp dẫn. Người Ai Cập cổ đại được cho là nắm giữ bí mật của thuật giả kim đã thất truyền. Những lĩnh vực trên đang được nghiên cứu ngày nay, nhưng chúng khác so với những gì Newton từng nghiên cứu”, Heaton cho biết.
Newton bị ám ảnh bởi thuật giả kim và niềm tin tôn giáo phi chính thống. Ông không sợ đức tin của mình sẽ làm mất uy tín của các nghiên cứu khoa học, mà là quan điểm ấy có thể khiến ông trả giá bằng cả sự nghiệp.
Dù danh tiếng của ông phụ thuộc vào những khám phá khoa học và toán học, bản thân Newton cho rằng chúng chỉ là thứ yếu sau những nghiên cứu “vĩ đại” về thuật giả kim và thần học.
“Ý tưởng về khoa học thay thế tôn giáo là những suy nghĩ hiện đại. Newton không tin rằng công trình khoa học của mình có thể làm suy yếu niềm tin tôn giáo... Ông là người đã dành thời gian dài để tiên tri ngày tận thế. Đó là lý do Newton rất quan tâm đến kim tự tháp”, Heaton chia sẻ.
Newton được xem là một “cá nhân gai góc, luôn sẵn sàng cho một mối thù”, Heaton nói. Những người khác mô tả ông là người bí mật, thần kinh, thù hận, tàn nhẫn, kiêu ngạo, ám ảnh và hoang tưởng. Giáo sư Patricia Fara, một nhà sử học khoa học tại Đại học Cambridge cho biết: “Ông ta nghĩ nghĩ mình là đấng cứu thế, đến để cứu thế giới”.