Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do NASA vẫn dùng máy bay từ thời Thế chiến II

Thiết kế hoàn hảo, tốc độ nhanh, trần bay cao của Canberra rất phù hợp để thử nghiệm thiết bị vệ tinh là lý do NASA vẫn dùng loại máy bay gần 70 năm tuổi này.

Máy bay B-57 Canberra với logo của NASA. Ảnh: NASA/Flickr

Năm 1944 khi Chiến tranh thế giới II bước vào giai đoạn cuối, bộ Không quân Anh đã yêu cầu một máy bay ném bom mới có thể bay với tốc độ nhanh và độ cao lớn. Các nhà hoạch định quân sự không thể ngờ rằng, English Electric Canberra, máy bay giành chiến thắng lúc đó vẫn tiếp tục được sử dụng sau gần 70 năm.

Phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học bay, thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn tiếp tục sử dụng máy bay Canberra. Tại sao NASA-cơ quan từng vận hành những máy bay tiên tiến nhất lịch sử hàng không lại sử dụng một máy bay có thiết kế xuất phát từ những ngày cuối của Thế chiến II?

Máy bay Canberra mà NASA dùng là phiên bản B-57 Canberra do công ty Martin (nay là Lockheed Martin), Mỹ sản xuất theo giấy phép của English Electric, Anh từ năm 1950. Khoảng 400 chiếc đã được sản xuất từ năm 1953-1957.

Không quân Mỹ đã ngưng sử dụng B-57 từ năm 1983, nhưng NASA vẫn sử dụng phi cơ này thêm 33 năm. 3 máy bay Canberra đang được NASA sử dụng tại Trung tâm vũ trụ Johnson NASA ở Houston. Theo BBC, phi đội Canberra là một phần trong Chương trình Khoa học Hàng không (ASP).

Charles Mallini, người quản lý phi đội giải thích “ASP có nhiệm vụ sử dụng máy bay để nghiên cứu khoa học ứng dụng trong vệ tinh”. Ông cho biết thêm, khả năng bay cao của Canberra làm cho nó phù hợp với một loạt các nhiệm vụ, trong đó có nhiều ứng dụng hỗ trợ cho việc phát triển các vệ tinh.

Phi cơ Canberra được sử dụng để hiệu chỉnh các thiết bị đo dùng cho vệ tinh, kiểm tra các cảm biến trước khi phóng chúng vào không gian. Canberra được sử dụng để lắp một loạt các thiết bị nghiên cứu khoa học như, thiết bị đo lường hóa học khí quyển, máy dò hạt, dò bụi vũ trụ, độ ẩm đất, độ cao băng trên biển và nhiều thứ khác.

Nhanh và cao

Canberra là máy bay phản lực đầu tiên của thế giới. Thời điểm phi cơ ra đời, các nhà thiết kế đang nỗ lực để đối phó với những vấn đề khí động học khi bay ở tốc độ cao. Đến năm 1957, Canberra thiết lập kỷ lục độ cao 21,4 km đối với máy bay ném bom.

Co quan hang khong vu tru NASA anh 1
Máy bay ném bom Canberra của Không quân Hoàng gia Anh: Ảnh:

Militaryfactory

David Keen, thuộc Bảo tàng Không quân Hoàng gia Anh nói: “Canberra đã chứng minh là một thiết kế tốt ngay từ đầu. Nó có thể bay khá nhanh và cao hơn bất kỳ máy bay ném bom nào khác”. Máy bay được thiết kế với khả năng ổn định tốt giúp phi công ném bom chính xác. Điều đó làm cho máy bay là lựa chọn tốt cho nhiệm vụ trinh sát.

Canberra có thể mang máy ảnh hiệu suất cao cũng như cảm biến có thể nghe lén liên lạc vô tuyến. Khi vai trò chiến đấu của phi cơ giảm đi, khả năng trinh sát giúp máy bay hoạt động dài hơn so với dự kiến, và cũng thích hợp cho công việc mà NASA đang sử dụng nó.

Không quân Hoàng gia Anh đã loại bỏ vai trò ném bom của máy bay vào năm 1972, nhưng tiếp tục sử dụng cho vai trò trinh sát thêm 3 thập kỷ nữa. David Bruce, cựu chỉ huy phi đội bay của Không quân Hoàng gia Anh, người có thời gian dài bay Canberra nhận xét:

“Tôi nhận thấy rất nhiều niềm vui khi bay Canberra với vai trò trinh sát, đặc biệt là công việc khảo sát chụp ảnh cho nhiệm vụ lập bản đồ”.

Một huyền thoại mới

NASA đang sử dụng Canberra với vai trò tương tự công việc mà phi công Bruce từng làm trước đây, mặc dù máy bay có hình dạng hơi khác. Cánh của máy bay được sơn màu trắng để phù hợp với không khí rất loãng ở độ cao lớn.

“Điều gì làm cho một máy bay vượt qua thử thách thời gian, đó là khả năng độc đáo về trần bay, phạm vi và tải trọng”, ông Mallini nói. NASA cũng sử dụng phi cơ ER-2(phiên bản của máy bay do thám U-2) có thể bay cao hơn, nhưng nó không thể mang theo nhiều thiết bị như Canberra.

Co quan hang khong vu tru NASA anh 2
NASA chưa có kế hoạch thay thế Canberra bằng phi cơ khác. Ảnh: NASA/Flickr

Máy bay không người lái Global Hawk của NASA có thể bay với thời gian gấp 4 lần, nhưng chỉ có thể mang theo một phần tư tải trọng so với Canberra. Phi cơ 70 năm tuổi này đang thực hiện công việc rất tốt và NASA vẫn chưa có kế hoạch ngưng sử dụng.

Tuy nhiên, việc giữ máy bay hoạt động không phải là điều dễ dàng. “Mua thiết bị cho máy bay là thách thức lớn nhất đối với chúng tôi. Nhiều bộ phận trên máy bay không còn có sẵn và các nhà cung cấp đã đóng cửa từ rất lâu”, Mallini cho biết.

“Chúng tôi phải vơ vét các bộ phận từ những máy bay ngưng sử dụng lưu trữ tại nghĩa địa máy bay ở căn cứ không quân Davis-Monthan, thậm chí từ những máy bay khác ở các bảo tàng trên khắp đất nước. Khi một số linh kiện không thể tìm được, đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi phải thiết kế và mua một số thiết bị có chức năng tương tự”, ông Mallini giải thích về những khó khăn khi duy trì hoạt động của phi cơ Canberra.

Đội ngũ kỹ thuật gặp nhiều thách thức trong việc thiết kế lại một số linh kiện cho máy bay, ví dụ như nắp bình nhiên liệu, nó đã có thời gian sử dụng rất lâu nên không còn gắn chặt vào bình như trước. Nó có thể bật khỏi bình trong khi bay.

“Vấn đề là công ty chế tạo nó đã đóng cửa từ rất lâu, đội ngũ kỹ thuật phải tìm giải pháp thay thế và chế tạo khoảng 100 mẫu để thử nghiệm mới thành công”, ông Mallini giải thích.

Máy bay Canberra đang làm một công việc mà không ai có thể nghĩ đến khi máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1949.

“Canberra có một cái đuôi bằng gỗ, điều đó có nghĩa là Không quân Hoàng gia cần có thợ mộc cho đến khi máy bay ra khỏi dịch vụ. Từ khởi đầu khiêm tốn như vậy, một huyền thoại đang được NASA tạo dựng nên”, ông Keen nói.

Mỹ dùng máy bay từ thời chiến tranh Việt Nam để chống IS

OV-10 Broncos, mẫu máy bay đã bị loại biên của Không quân Mỹ, đã được hồi sinh để đảm trách nhiệm vụ hỗ trợ đặc nhiệm Mỹ trong cuộc chiến chống IS trên lãnh thổ Iraq.

NASA thử nghiệm mẫu nhà ngoài không gian trên ISS

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ bắt đầu thử nghiệm mẫu nhà ở không gian mới trên trạm Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Linh kiện xây nhà dự kiến được chuyển lên ISS vào ngày 8/4.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm