Khởi chiếu từ tháng 6 nhưng đến nay, tranh cãi quanh dự án Em và Trịnh vẫn chưa đến hồi kết. Gần nhất, phía giáo sư Michiko Yoshii – nguyên mẫu một nhân vật quan trọng trong phim – chính thức lên tiếng về việc ê-kíp khai thác hình ảnh bà nhưng chưa xin phép.
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng - đại diện pháp lý giáo sư Yoshii – cho biết đã gửi công văn yêu cầu nhà sản xuất Em và Trịnh xin lỗi, nhưng tính đến chiều 15/9 vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Khi các nguyên mẫu lên tiếng
Dự án Em và Trịnh có nội dung khai thác chuyện tình giữa cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các nàng thơ xuất hiện trong đời ông, nổi bật có giáo sư Michiko Yoshii.
Trong phim, bà có dịp gặp gỡ cố nhạc sĩ vào năm 1989 khi còn trẻ, mong muốn phỏng vấn ông để hoàn thiện luận án thạc sĩ. Từ đó, hai người dần nảy sinh tình cảm và bà trở thành một trong những nàng thơ cuối đời Trịnh Công Sơn.
Giáo sư Michiko Yoshii là nguyên mẫu một nhân vật quan trọng trong phim Em và Trịnh. |
Giáo sư Michiko Yoshii không phải là người duy nhất phật lòng với Em và Trịnh. Trước đó, danh ca Khánh Ly từng có loạt phát ngôn phản ứng gay gắt ngay khi phim đang công chiếu.
Bà cho rằng tác phẩm của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã phản ánh không đúng với thực tế, nhất là mối quan hệ giữa bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời. Bởi lẽ khi gặp cố nhạc sĩ, danh ca là phụ nữ đã có gia đình nên tuyệt nhiên giữa hai người không có tình yêu.
Khánh Ly cho biết Trịnh Công Sơn đối xử với bà nghiêm khắc như cha. Vì lẽ đó, bà bên cạnh ông cũng nghiêm cẩn, kính trọng. Theo danh ca, những tình tiết trong phim tái hiện sai lệch về bà, điển hình là phân đoạn Khánh Ly “đút sữa chua” cho Trịnh Công Sơn hay ôm vai ông tình tứ.
Nhiều lời thoại cũng sử dụng từ ngữ suồng sã như câu: “anh thó của ông Văn Cao à?” – hoàn toàn trái ngược với phong cách quen thuộc và hình ảnh mọi người biết về Khánh Ly.
Bên cạnh đó, một nhân vật khác là danh ca Thanh Thúy cũng phản ứng về bộ phim. Bà chia sẻ rằng không mặc sườn xám biểu diễn như trong phim bao giờ. Nguyên mẫu cũng cho biết nhân vật trong phim là một người hoàn toàn khác chứ không phải bà.
Cuối cùng, nhân vật quan trọng nhất là Dao Ánh không có nhiều ý kiến về phim. Bà chỉ “phàn nàn” vui về việc diễn viên Hoàng Hà - đóng Dao Ánh lúc trẻ - nhỏ bé hơn mình ngoài đời.
Cách làm phim gây tranh cãi
Đảm nhận dự án Em và Trịnh là đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và biên kịch Bình Bồng Bột. Trước đó, bộ đôi từng gây ồn ào khi thực hiện Trạng Tí phiêu lưu ký (2021) - chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt (họa sĩ Lê Linh).
Khi ra mắt, dự án không được sự ủng hộ từ phía “cha đẻ” nguyên tác. Họa sĩ Lê Linh cho rằng tác phẩm có cách khai thác sai lệch, nhiều chi tiết đi ngược với tinh thần anh mong muốn. Thậm chí, phim còn gây ồn ào vì kịch bản có những những sáng tạo quá đà. Điển hình là vụ nhân vật chính “gọi bưởi” từ giếng nước.
Trước Em và Trịnh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng gây ồn ào với dự án Trạng Tí phiêu lưu ký. |
Có vẻ ê-kíp không hề rút kinh nghiệm với Em và Trịnh. Đến thời điểm hiện tại, đây là bộ phim khiến nhiều nguyên mẫu đau lòng nhất trong lịch sử điện ảnh Việt.
Danh ca Khánh Ly cho biết đoàn phim có gửi kịch bản cho bà xem trước. Lúc đó, bà đã yêu cầu cắt một vài cảnh và đổi tên nhân vật nhưng cuối cùng không được thực hiện. Các chi tiết “đút sữa chua” hay lời thoại suồng sã thì hoàn toàn bất ngờ, danh ca chỉ được biết đến khi phim công chiếu.
Cách làm này khiến Khánh Ly buồn lòng. Bà tuyên bố sẽ không xem phim dù khuyên mọi người nên xem để ủng hộ điện ảnh nước nhà.
Theo đại diện phía Michiko Yoshii, trong suốt quá trình thực hiện ê-kíp hoàn toàn không liên lạc và xin phép với giáo sư. Mặc dù cuộc sống cá nhân bị ảnh hưởng, bà quyết định không lên tiếng khi phim đang chiếu vì không muốn tác động xấu đến quá trình phát hành.
Việc không xin phép giáo sư Michiko Yoshii như cáo buộc phần nào cho thấy sự cẩu thả của ê-kíp làm phim Em và Trịnh. Điều này là khó thể chấp nhận được với một dự án lớn, có kinh phí lên đến 50 tỷ đồng, được thực hiện trong thời gian dài kể từ khi công bố năm 2018.
Chưa kể, đoàn phim từng “quảng cáo” rằng dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu nhân vật, tuyển chọn người mới tìm được Nakatani Akari – đóng vai Michiko trong phim. Hơn nữa nữ diễn viên còn phải trải qua khóa học diễn xuất, trau dồi tiếng Pháp và tiếng Việt để vào vai.
Quan điểm sai lệch của đạo diễn
Hồi tháng 9/2021, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng tham gia tọa đàm Ai góp ý giơ tay lên – do giới làm phim Việt tổ chức trực tuyến nhằm góp ý cho dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi). Trong quá trình trao đổi, có một nội dung liên quan đến việc khai thác nguyên mẫu có thật trong phim.
Khi đó, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh phát biểu: “Tôi đang làm phim tiểu sử có nhiều nhân vật có thật, chẳng lẽ phải đi xin phép tất cả những người xuất hiện trong phim?”.
Em và Trịnh phần nào cho thấy cách làm phim thiếu tôn trọng nguyên tác của ê-kíp. |
Nhà làm phim cho rằng giới làm phim có quyền làm phim về nhân vật có thật, miễn là không vi phạm sở hữu trí tuệ. “Nếu ai đó muốn kiện thì kiện theo luật dân sự”, anh thách thức.
Đạo diễn họ Phan lấy ví dụ về phim Tiệc Trăng Máu (2020) do anh sản xuất có nhân vật Thanh Vân, gợi nhớ Ngô Thanh Vân. Từ đó, anh cho rằng không cần phải xin phép nữ diễn viên nổi tiếng để dùng cái tên đó.
“Rồi phim nhắc đến tên Ngọc Trinh thì bắt chúng tôi đi xin phép cô Ngọc Trinh mới được phát hành phim?”, đạo diễn tự hỏi và nhận xét rằng “chuyện này quá vô lý”.
Có lẽ, chính vì quan điểm sai lầm này đã khiến Phan Gia Nhật Linh nói riêng và ê-kíp Em và Trịnh nói chung trở nên bất cẩn, thậm chí bất cần quan tâm đến suy nghĩ của các nguyên mẫu.
Hiện Em và Trịnh là dự án có doanh thu phòng vé cao nhất năm nay, với 97 tỷ đồng - theo số liệu của Box Office Vietnam (đơn vị thống kê độc lập). Đây cũng là một trong những phim điện ảnh ồn ào nhất, gây tranh cãi về hướng phát hành, nội dung cho đến cách làm phim thiếu tôn trọng nguyên tác.