Hơn 10 năm trước, Sam Altman lần đầu nhìn thấy giấc mơ của Elon Musk khi đến trụ sở SpaceX tại California (Mỹ). Lúc đó, Altman mới tuổi đôi mươi còn Musk (già hơn 14 tuổi) đã có tham vọng đưa con người lên Hỏa tinh.
Altman, Musk cùng thành lập phòng nghiên cứu phi lợi nhuận OpenAI vào 2015, với hàng chục triệu USD tài trợ đến từ Musk. Trong nhiều năm, Altman dựa vào danh tiếng và tài chính của Musk để đưa OpenAI đến thành công.
Cả 2 đã xây dựng "liên minh" nhằm ngăn chặn sự thống trị của Google trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI). Dù vậy khi thời thế thay đổi, Musk đã tuyên chiến với Altman và chính OpenAI.
Trong đơn kiện nộp ngày 29/2, Musk cáo buộc Altman "phản bội" sứ mệnh ban đầu của OpenAI để theo đuổi lợi nhuận. Ngay sau đó, công ty này đăng bài phản pháo. Không chỉ nhấn mạnh sự thay đổi trong cuộc đua AI, nhiều chi tiết về mối quan hệ giữa 2 đồng sáng lập OpenAI cũng được tiết lộ.
Điểm chung từ lần gặp đầu tiên
Người kết nối cho Musk và Altman là Geoff Ralston, đối tác của Y Combinator. Đây là "vườn ươm" startup nổi tiếng, từng hỗ trợ công ty đầu tiên của Altman - mạng xã hội dựa trên vị trí có tên Loopt.
Thời điểm đó, Altman vừa bán Loopt và chẳng biết nên lập công ty mới hay tiếp tục đầu tư. Trong khi đó, SpaceX của Musk đã phát triển tàu vũ trụ thương mại, có khả năng lấy hàng từ trạm vũ trụ rồi trở về Trái Đất. Tương quan khác biệt nhưng cả 2 nhanh chóng tìm được suy nghĩ chung.
Sam Altman vào năm 2009 khi còn là CEO startup Loopt. Ảnh: Bloomberg. |
Musk ngày càng lo lắng khi AI tiến bộ quá nhanh. Theo đơn kiện, nỗi sợ của vị tỷ phú bắt nguồn từ cuộc gặp năm 2012 với Demis Hassabis, đồng sáng lập công ty AI DeepMind, người "nhấn mạnh những mối nguy hiểm tiềm tàng mà sự tiến bộ của AI gây ra cho xã hội".
Theo WSJ, một chi tiết không được đề cập trong đơn kiện, đó là Musk đã đầu tư vào DeepMind sau khi gặp Hassabis để theo dõi công nghệ sát sao hơn.
Musk "hoảng hốt" khi biết Google có kế hoạch thâu tóm DeepMind. Đơn kiện ghi rằng cùng với đồng sáng lập PayPal Luke Nosek, Musk đã đề nghị mua lại công ty. Dù vậy, Google vẫn chiến thắng cuộc đua.
Trong khi đó, Altman luôn nghĩ về AI từ lúc còn nhỏ. Khi danh tiếng tại Thung lũng Silicon ngày càng cao, Altman muốn hướng sự chú ý trong ngành công nghệ đến tiềm năng của AI.
Trong bài blog đăng năm 2014, Altman ghi rằng AI là "sự phát triển lớn nhất trong ngành công nghệ từ trước đến nay". Vài ngày sau, anh được bổ nhiệm làm chủ tịch Y Combinator, "vườn ươm" khởi nghiệp từng tài trợ Dropbox, AirBnB và kể cả OpenAI.
Tương tự Musk, Altman cũng lo lắng về sự nguy hiểm của AI. Tháng 2/2015, anh viết rằng AI "có lẽ là mối đe dọa lớn nhất với sự tồn tại liên tục của loài người".
Cùng thành lập OpenAI
Kể từ đó, Musk và Altman thường xuyên liên lạc thảo luận về AI. Tháng 3/2015, Altman hỏi ý kiến Musk về việc viết bức thư lên chính phủ Mỹ liên quan đến công nghệ này.
2 tháng sau, Altman gửi email cho Musk, đề xuất khởi động dự án chuyên về AI tại Y Combinator, có tên "Manhattan Project". Cả 2 làm việc với phòng thí nghiệm AI mới, được Musk gọi là OpenAI.
Trong một email, Altman đề xuất cùng Musk ngồi vào hội đồng (gồm 5 thành viên) để điều hành tổ chức phi lợi nhuận. Anh đề nghị chờ thêm thời gian gửi thư kêu gọi quản lý AI trước khi tổ chức chính thức hoạt động, và được Musk đồng ý.
Elon Musk (trái) và Sam Altman vào năm 2015, thời điểm cả 2 cùng thành lập OpenAI. Ảnh: Vanity Fair. |
Altman đã mời Greg Brockman, nhà khoa học máy tính kiêm cựu giám đốc công nghệ tại nền tảng thanh toán Stripe, tham gia hội đồng quản trị OpenAI. Trong khi đó, Musk chiêu mộ Ilya Sutskever, nhà khoa học về AI của Google.
Để mời chào họ, OpenAI còn hứa hẹn cấp cổ phần tại Tesla và SpaceX, đồng thời có cơ hội hưởng lợi từ các khoản đầu tư của Y Combinator.
Musk và Altman trở thành đồng chủ tịch đầu tiên của OpenAI. Theo các nhân viên cũ, Musk có tầm ảnh hưởng và quyền lực lớn hơn với tổ chức.
Trong thời gian đầu, Musk thường có mặt tại văn phòng, nêu những ý tưởng xa vời và hỏi nhân viên về tính khả thi của trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI). OpenAI chia sẻ văn phòng với Neuralink, startup cấy chip vào não của Musk.
Mâu thuẫn lớn đầu tiên
Musk là trụ cột tài chính của OpenAI. Ông yêu cầu tổ chức loan tin được cam kết tài trợ 1 tỷ USD để "tránh nghe vô vọng so với những gì Google hoặc Facebook đang đầu tư" và hứa sẽ bù đắp mọi khoản thiếu hụt, theo một email của Musk được OpenAI chia sẻ ngày 5/3. Bài đăng ghi rằng Altman và Brockman đã lên kế hoạch huy động 100 triệu USD.
Trong khi đó, đơn kiện ghi rằng Musk đã quyên góp 44 triệu USD. Ông còn góp 15 triệu USD trong năm 2016 và 20 triệu USD vào 2017, trở thành nhà tài trợ lớn nhất. Vị tỷ phú cũng trả tiền thuê văn phòng cho OpenAI trong thời gian dài.
Musk được cho đã yêu cầu nhóm nghiên cứu của OpenAI tạo ra các dự án cạnh tranh DeepMind. Một nhóm được thành lập với mục tiêu đánh bại người chơi giỏi nhất trong tựa game Dota 2 đầy phức tạp.
Dù vậy đến năm 2017, OpenAI vẫn chưa có nghiên cứu đột phá. Theo lời kể từ nhân viên cũ, Musk ngày càng bồn chồn, gây áp lực, thậm chí dọa rời dự án.
Thời gian đầu, OpenAI chia sẻ văn phòng với Neuralink tại Pioneer Building, San Francisco. Ảnh: Shutterstock. |
Cùng năm đó, Google xuất bản bài nghiên cứu về mô hình AI Transformer, có thể mở đường cho các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), nền tảng trên những chatbot. Bài viết nhấn mạnh cần lượng dữ liệu lớn, sức mạnh tính toán khổng lồ để đạt mục tiêu.
Nhằm bắt kịp mô hình và có chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, Brockman và một số nhân vật đề xuất thay đổi cấu trúc của OpenAI thành vì lợi nhuận, cho phép huy động vốn từ các công ty lớn như Microsoft.
Musk phản đối ý tưởng này. Trong email gửi đến Brockman, Sutskever và Altman, ông viết rằng "hãy tự làm gì đó hoặc tiếp tục với OpenAI dưới tư cách phi lợi nhuận".
Vị tỷ phú dọa ngừng tài trợ dự án cho đến khi "các bạn cam kết giữ cấu trúc cũ, hoặc tôi chỉ là kẻ ngốc đang cấp vốn miễn phí cho một startup". Trả lời Musk, Altman khẳng định vẫn "tán thành cấu trúc phi lợi nhuận".
Rời bỏ OpenAI
Trong bài đăng ngày 5/3, OpenAI khẳng định Musk biết lợi ích khi chuyển thành tổ chức vì lợi nhuận, nhưng ông muốn nắm quyền kiểm soát lớn nhất và trở thành CEO.
Bài viết ghi rằng Musk vẫn từ chối tài trợ, khiến tổ chức dựa vào nhà đầu tư khác là Reid Hoffman, đồng sáng lập LinkedIn để thanh toán hóa đơn.
Theo bài viết, từng có thời điểm Musk đề xuất sáp nhập OpenAI thành một phần của hãng xe Tesla.
"Tesla là con đường duy nhất để tạo ra hy vọng sánh ngang Google. Kể cả như vậy, khả năng cạnh tranh với Google không phải số 0 nhưng khá nhỏ", Musk viết trong một email.
Sam Altman (trái) và Satya Nadella, CEO Microsoft. Ảnh: GeekWire. |
Thời điểm đó, Musk tìm cách thuyết phục các nhà nghiên cứu nghỉ việc tại OpenAI để gia nhập Tesla. Tháng 2/2018, hội đồng quản trị OpenAI từ chối đề nghị nắm quyền kiểm soát từ Musk. Ông từ chức đồng chủ tịch, còn Altman làm CEO.
Altman tổ chức gặp mặt toàn công ty để tri ân Musk. Tại đó, vị tỷ phú nói rằng sẽ theo đuổi dự án nghiên cứu AI riêng tại Tesla. Sau khi một nhà nghiên cứu trẻ cho rằng dự án có thể khiến cuộc đua AI thêm căng thẳng, Musk gọi người này là "tên ngốc" và ra khỏi tòa nhà.
Đến cuối năm 2018, Musk gửi email đến Altman, Brockman và Sutskever, dự đoán OpenAI sẽ thất bại.
"Đánh giá xác suất của tôi về việc OpenAI có thể cạnh tranh DeepMind/Google mà không có sự thay đổi đáng kể trong khả năng thực thi và tài nguyên là 0%", theo trích đoạn email được OpenAI đăng tải.
"Tôi nhớ Elon của ngày xưa"
Dù không còn làm việc chung, Altman và Musk duy trì thảo luận về AI, Musk tiếp tục trả tiền thuê văn phòng cho OpenAI, trong khi Altman vẫn công khai ủng hộ Musk sau khi ra mắt công ty con OpenAI vì lợi nhuận vào tháng 3/2019.
Mối quan hệ của cả 2 rạn nứt từ khi OpenAI phát hành ChatGPT vào tháng 11/2022. Khi đó, Musk lo ngại rằng chatbot đã đẩy nhanh cuộc đua phát triển AI, thắc mắc cách tổ chức phi lợi nhuận thành lập công ty vì lợi nhuận để huy động hàng tỷ USD từ Microsoft. Những lời phàn nàn trở thành cơ sở cho vụ kiện mới nhất.
Logo của OpenAI. Ảnh: Bloomberg. |
Ngay sau khi ChatGPT ra mắt, Musk tuyên bố cắt quyền truy cập của OpenAI vào hệ thống dữ liệu Twitter - mạng xã hội mà ông mới mua lại. Thời điểm đó, OpenAI cân nhắc sử dụng bài viết trên Twitter để đào tạo mô hình.
Altman mời Musk đến trụ sở OpenAI để làm rõ vấn đề. Musk nói về kế hoạch thành lập xAI - công ty cạnh tranh với OpenAI trong lĩnh vực AGI. Vài tháng sau, Musk cố gắng chiêu mộ nhân viên của OpenAI về xAI.
Tháng 11/2023, Musk công bố chatbot mang tên Grok, với quyền truy cập kho dữ liệu Twitter. Trong khi đó, xAI đang chuẩn bị vòng gây quỹ mới để tăng sức cạnh tranh với OpenAI, tổ chức mà Musk góp công xây dựng từ đầu.
"Mang đến lợi ích cho nhân loại, bằng cách nào đó lại mâu thuẫn với việc xây dựng một doanh nghiệp. Thật khó hiểu. Tôi nhớ Elon của ngày xưa", Altman viết cho nhân viên trong ngày 29/2, thời điểm đơn kiện được Musk nộp lên tòa án.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.