Đầu tháng 9, nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam tiếp tục chia sẻ bức ảnh thay đổi bản thân sau nhiều năm. Có tên “tôi đã thay đổi ra sao” (#howmuchhaveyouchangedchallenge), người tham gia sẽ đăng 2 hoặc nhiều bức ảnh cho thấy sự thay đổi của bản thân sau 10 năm hoặc lâu hơn.
Trào lưu này xuất hiện từ năm 2019 với tên “thử thách 10 năm” (10 years challenge). Đến cuối năm 2020, nhiều người quay lại tham gia thử thách. Gần đây, trào lưu khoe ảnh bản thân thay đổi phổ biến trở lại với hình ảnh của năm 2021.
Dù được nhiều người hưởng ứng, bạn nên cân nhắc khi tham gia trào lưu nếu không muốn tự mình cung cấp dữ liệu cho Facebook, một nền tảng có thể đăng ký và sử dụng miễn phí.
Facebook có thể lợi dụng gì từ trào lưu 10 năm?
Khi trào lưu xuất hiện vào năm 2019, cây viết Kate O’Neill từ Wired đã bày tỏ quan điểm về việc Facebook có thể sử dụng những hình ảnh này cho mục đích riêng, bao gồm huấn luyện thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI).
"Hãy tưởng tượng bạn muốn huấn luyện một thuật toán nhận diện khuôn mặt và dự đoán sự lão hóa, dữ liệu quan trọng nhất chính là ảnh chân dung của một người qua từng giai đoạn tuổi tác. Chúng sẽ giá trị hơn nếu có khoảng thời gian xác định, ở đây là 10 năm", O’Neill cho biết.
Theo Wired, người dùng không thường đăng ảnh theo thứ tự thời gian lên Facebook hoặc đăng ảnh của chính họ. Do đó, trào lưu “tôi đã thay đổi ra sao” là cách hữu ích để có được bộ ảnh con người chi tiết với thời gian chụp rõ ràng. Ngay cả thông tin EXIF trong ảnh cũng không đáng tin cậy bằng thông tin do chính người dùng chia sẻ (năm chụp ảnh).
"Trào lưu 10 năm" là cách người dùng tự nộp dữ liệu cho Facebook? Ảnh: Prevention. |
Về những bức ảnh đại diện trên Facebook, O’Neill cho rằng ngày đăng ảnh không phải lúc nào cũng trùng ngày chụp. Tuy nhiên qua trào lưu này, nhiều người đã tự thêm ngày (năm) chụp vào bài viết. Nói cách khác, trào lưu này vô tình mang đến lượng dữ liệu lớn, chi tiết và chính xác về sự thay đổi của con người trong khoảng 10 năm hoặc lâu hơn.
Một số ý kiến cho rằng nhiều bức ảnh không có giá trị hoặc không liên quan. Tuy nhiên với hình ảnh không có giá trị, các thuật toán nhận dạng ảnh tinh vi sẽ đủ phức tạp để lọc và chọn ra hình ảnh có khuôn mặt người.
Facebook chưa bao giờ xác nhận can thiệp vào trào lưu đăng ảnh 10 năm. “Đây là trào lưu do người dùng tự sáng tạo. Facebook không khởi xướng trào lưu này, không hưởng lợi gì từ nó. Người dùng có thể chọn bật hoặc tắt tính năng nhận diện khuôn mặt trên Facebook bất cứ lúc nào”, phát ngôn viên Facebook cho biết.
Tuy nhiên ngay cả khi Facebook phủ nhận, O’Neill cho rằng vẫn có rủi ro mà người dùng có thể khó kiểm soát, tương tự vụ lộ dữ liệu lớn vào năm 2018 liên quan đến Cambridge Analytica.
Hồi tháng 4, Facebook tiếp tục vướng vào bê bối lớn khi một thành viên trong diễn đàn nổi tiếng cho hacker đã chia sẻ cơ sở dữ liệu chứa thông tin cá nhân của 533 triệu tài khoản Facebook từ hơn 100 quốc gia. Các thông tin bị lộ gồm số điện thoại, ID người dùng, tên đầy đủ, vị trí, ngày sinh và tiểu sử. Một số tài khoản còn lộ địa chỉ email.
Mục đích khi thu thập hình ảnh "ngày ấy - bây giờ"
Sẽ không thể tránh khỏi khả năng ai đó lấy ảnh của người dùng để huấn luyện thuật toán nhận diện khuôn mặt. Mấu chốt ở đây là cách tiếp cận, khai thác dữ liệu của họ trên quy mô lớn. Có 3 kịch bản với mức độ nghiêm trọng khác nhau về cách những dữ liệu này được khai thác.
Trước hết, công nghệ nhận diện khuôn mặt, đặc biệt là dự đoán sự lão hóa có thể dùng để tìm kiếm trẻ mất tích. Năm 2018, cảnh sát New Delhi (Ấn Độ) đã tìm thấy gần 3.000 trẻ em mất tích trong 4 ngày bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Nếu bị mất tích trong nhiều năm, khuôn mặt của chúng có thể khác đi so với lúc nhỏ. Do đó, thuật toán xác định tuổi có thể dự đoán bức ảnh khi lớn của chúng.
Facebook chưa bao giờ xác nhận can thiệp vào trào lưu đăng ảnh 10 năm. Ảnh: Getty Images. |
Khả năng thứ 2, xác định tuổi sẽ có hữu ích trong quảng cáo nhắm mục tiêu. Các màn hình quảng cáo có thể tích hợp camera hoặc cảm biến để hiện nội dung cho phù hợp với từng độ tuổi. Nếu được kết hợp với theo dõi hành vi, địa điểm và sở thích mua hàng, các nhà quảng cáo sẽ có thêm nhiều dữ liệu để kiểm soát chúng ta.
Cuối cùng là khả năng mang đến hậu quả nghiêm trọng. Xác định tuổi có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá mức bảo hiểm. Ví dụ, nếu khuôn mặt bạn trông già nhanh hơn so với người khác, các công ty bảo hiểm có thể từ chối bán hàng hoặc trả nhiều tiền hơn.
Cái giá của sự miễn phí?
Theo cây viết Geoffrey Fowler của Washington Post, Facebook đã quá lớn mạnh để loại bỏ hoặc ngăn chặn. Vào tháng 8, luật sư Megan Borovicka tại California (Mỹ) chia sẻ rằng dù không kết bạn, không đăng trạng thái, tương tác hoặc mở ứng dụng trên điện thoại, Facebook vẫn có thể thu thập chi tiết về cuộc đời cô, từ nhãn hiệu quần áo ưa thích đến công ty trả lương.
Đầu tháng 8, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đệ đơn kiện Facebook với cáo buộc độc quyền, cho rằng công ty này cần bị chia tách. Dù biết rằng quyền riêng tư sẽ gặp nguy hiểm khi tham gia Facebook, không nhiều người tưởng tượng cách thu thập dữ liệu tinh vi của nền tảng này.
Trào lưu đăng ảnh 10 năm bị nghi ngờ là chiêu trò đánh cắp thông tin người dùng của Facebook. Ảnh: Oberlo. |
Không chỉ trong ứng dụng Facebook, hàng triệu doanh nghiệp, ứng dụng và website cũng thay mặt công ty để thu thập dữ liệu. Ngay cả khi không sử dụng Facebook thường xuyên, thậm chí chưa từng đăng ký Facebook, họ vẫn bị Facebook thu thập thông tin.
Sau khi Amazon giới thiệu dịch vụ nhận diện khuôn mặt thời gian thực vào năm 2016, họ bán dịch vụ ấy cho chính quyền và cơ quan chính phủ. Nó làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư khi cảnh sát hoàn toàn có thể sử dụng để theo dõi những người không phạm tội. Amazon bị nhiều cơ quan, cổ đông yêu cầu ngừng bán dịch vụ này.
Nếu đăng tải khuôn mặt lên Facebook, nền tảng này hoàn toàn có thể sử dụng chúng để vẽ nên bức tranh rõ ràng hơn của chúng ta. Nói cách khác, đó có thể là cái giá cho việc sử dụng dịch vụ miễn phí.
"Facebook có thể miễn phí, nhưng bạn phải trả giá bằng quyền riêng tư, cái giá ngày càng đắt đỏ", Fowler viết.