Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do Đức đưa phi đội lớn nhất trong thời bình đến châu Á

Đợt triển khai lớn nhất trong thời bình của Không quân Đức nhấn mạnh sự tập trung của Berlin vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

Không quân Đức đã điều một đội máy bay đến những vùng đất xa xôi ở châu Á để tham gia cuộc tập trận mang tên Rapid Pacific 2022. 6 máy bay phản lực Eurofighter, 4 máy bay đa năng A400M và 3 máy bay vận tải tiếp nhiên liệu A330 hôm 15/8 đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Neuburg, đến Singapore.

Mục tiêu là tới được khu vực này trong vòng 24 giờ để chứng tỏ Không quân Đức có thể tiếp cận trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ trong một ngày.

Từ đây, hạm đội sẽ bay đến Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Một chiếc Eurofighter được sơn cờ của Đức và các quốc gia mà nó ghé thăm sẽ thể hiện sự thống nhất, đoàn kết của nước này với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhưng câu hỏi lớn khác đặt ra là tại sao Đức lại triển khai số lượng máy bay lớn như vậy đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần đầu tiên sau Thế chiến II.

"Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng chúng tôi ủng hộ chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cùng với các đối tác an ninh của chúng tôi", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho biết.

Theo Nikkei Asia, rõ ràng, Trung Quốc đang trở thành mối bận tâm. Sau khi triển khai một tàu khu trục nhỏ đến Đông Á vào năm 2021, đây là một thông điệp chính trị khác từ Berlin.

Duc toi Australia tap tran anh 1

Một chiếc Eurofighter, được sơn cờ của Australia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, tiếp nhiên liệu với sự hỗ trợ của một chiếc Airbus A330. Ảnh: Bundeswehr.

Tách khỏi Trung Quốc

Động thái trên đánh dấu sự thay đổi hướng đi rõ rệt của nước Đức. Sự thay đổi này được dẫn đầu bởi đảng Dân chủ Xã hội (SPD), vốn nổi tiếng theo đuổi chủ nghĩa hòa bình và chính sách hướng Đông mới.

Thế nhưng, sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Berlin đã học được bài học. Trong nửa thế kỷ kể từ những năm 1970, Đức phụ thuộc vào Nga về năng lượng và mối quan hệ đó đang chứng tỏ khó có thể cắt đứt.

"Giờ đây, chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi không phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là bài học từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay", ông Michael Muller, người từng là thị trưởng Berlin và cũng là thành viên SDP, nhấn mạnh.

Đức, quốc gia từng theo đuổi chính sách châu Á tập trung vào Trung Quốc trong nhiều năm, đang dần đảo ngược và tìm cách tách biệt khỏi Bắc Kinh. Tương tự, các nước châu Âu khác cũng đang thúc đẩy sự chuyển dịch này nhanh hơn.

Thượng nghị sĩ Pháp Andre Gattolin lưu ý rằng trong khi Nga là mối quan tâm trước mắt, Trung Quốc lại đặt ra mối đe dọa lâu dài lớn hơn.

Duc toi Australia tap tran anh 2

Chiếc Eurofighter đặc biệt cất cánh từ Căn cứ Không quân Neuburg để tham gia cuộc tập trận Rapid Pacific 2022. Ảnh: Bundeswehr.

Được thúc đẩy bởi xu hướng này, châu Âu, vốn từ lâu không quan tâm đến vấn đề Đài Loan, giờ đã sẵn sàng đứng về phía Mỹ trong chủ đề gây tranh cãi này.

Khi Trung Quốc phản ứng giận dữ trước việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dừng chân ở Đài Loan và tập trận bắn đạn thật xung quanh hòn đảo, Josep Borrell - người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU - cho biết không có lý do gì để sử dụng chuyến thăm như cái cớ cho hoạt động quân sự này. Bộ Ngoại giao Pháp cũng thúc ép Trung Quốc tôn trọng trật tự.

Và đối mặt với mối đe dọa từ Nga, các cường quốc châu Âu đang tìm lại giá trị của liên minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ. Mỹ đã chống lưng cho châu Âu khi nói đến Nga. Do đó, theo Nikkei Asia, nếu Mỹ đối đầu với Trung Quốc, sẽ xuất hiện suy nghĩ châu Âu cũng nên chống lưng cho Mỹ.

Không dễ dàng

Trong bối cảnh đó, chiến lược của Trung Quốc để chống lại xu hướng này là đề xuất những cuộc đàm phán song phương với các nước châu Âu riêng lẻ.

Đài Loan cũng nhìn thấy cơ hội. Vào tháng 5, quan chức kinh tế Đài Loan Chen Chern-chyi đã đến Litva để tham dự cuộc họp và tổ chức một hội nghị bàn tròn về kinh doanh. Nhưng đối với các nền kinh tế châu Âu, việc tách mình ra khỏi Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với Nga. Cho đến lúc đó, kế hoạch vẫn là duy trì chính sách "một Trung Quốc".

Liz Truss, Ngoại trưởng Anh đang tranh cử ghế thủ tướng, là người nổi tiếng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, bà đã tuyên bố rằng bà không có ý định thăm Đài Loan với tư cách là thủ tướng.

Duc toi Australia tap tran anh 3

Các công nhân tại xưởng sơn trong nhà máy của BMW, hãng xe đến từ nước Đức, ở Thẩm Dương, Trung Quốc. Ảnh: BMW.

Tại Đức, một số nhà lập pháp ủng hộ Đài Loan đang lên kế hoạch cho một chuyến đi của lưỡng đảng tới hòn đảo này.

Tuy nhiên, Đông Á trước đây không phải là một khu vực được đặt nhiều trọng tâm của châu Âu. Và việc thiếu kinh nghiệm chắc chắn sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn khi họ cố gắng xây dựng chiến lược mới với Trung Quốc.

Nikkei Asia, tờ báo Nhật Bản, nhận định Tokyo và các nền dân chủ của châu Á sẽ có cơ hội vàng để giúp đỡ châu Âu trong nỗ lực này và làm sâu sắc hơn mối quan hệ.

Đợt triển khai lớn nhất của Không quân Đức trong thời bình

6 máy bay Eurofighter, 3 máy bay tiếp nhiên liệu A330 cùng 4 máy bay vận tải A400M của Đức sẽ tham gia cuộc tập trận Pitch Black ở Australia cùng 16 quốc gia khác.

Tình báo Mỹ 'xoay trục', chuyển trọng tâm sang Trung Quốc

Mặc dù khẳng định chống khủng bố vẫn là nhiệm vụ ưu tiên, cơ quan tình báo Mỹ ngày càng tập trung nguồn lực vào Trung Quốc.

Minh An

Theo Nikkei Asia

Bạn có thể quan tâm