Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do có những sự kiện ta không thể quên

Những ký ức sáng tỏ là những ký ức mà đột nhiên chúng ta có, những thứ không ngờ tới được gắn chặt với những cảm xúc mãnh liệt, thay vì những sự kiện thường ngày.

Ảnh: Melodrama.

Quá trình đưa mọi thứ vào bộ nhớ dài hạn của chúng ta hoạt động như thế nào theo cấu trúc vật lý của não? Để xử lý thông tin cho trí nhớ dài hạn, bộ não thực chất phải tái cấu trúc những nơ-ron của nó, hoặc tế bào thần kinh. Hiện tượng này được gọi là tăng độ mạnh dài hạn (long-term potentiation). Bất cứ khi nào chúng ta học thứ gì đó, nó thay đổi cấu trúc những tế bào não và thậm chí có thể tạo ra những tế bào não mới!

Những cấu trúc được tạo ra bởi những nơ-ron được gọi là mạng lưới nơ-ron vì các nơ-ron thần kinh giao tiếp với nhau thông qua một mạng lưới. Khi chúng ta phát triển những mạng lưới mới qua việc học, những nơ-ron của chúng ta tạo ra protein giúp chuyển các chất dẫn truyền thần kinh, hoặc các tín hiệu hóa học giúp các tế bào não giao tiếp, qua những liên kết giữa những tế bào Xynap. Mỗi lần chúng ta sử dụng liên kết này, nó sẽ mạnh hơn. Những liên kết này cũng kết nối với các bộ phận khác của bộ não, như phần vỏ não thị giác và thính giác, điều này giúp chúng ta gắn kết dữ liệu cảm giác với ký ức của chúng ta.

Sinh lý học của trí nhớ ngắn hạn là tạm thời; phần lớn là những giao tiếp nhanh, ngắn gọn giữa những phần cảm giác của bộ não và phần thùy trán, thùy trước trán và thùy đỉnh (nơi chủ yếu điều khiển những quyết định nhanh). Tuy nhiên, trí nhớ dài hạn được lưu trữ tại những liên kết vĩnh cửu và phát triển tốt hơn trong não chúng ta, những ký ức dài hạn sau này sẽ là phần chiếm nhiều diện tích nhất trong não chúng ta. Bạn có thể biết hồi hải mã là một phần của não liên quan tới ký ức, nhưng đó không phải là chỗ chứa những trí nhớ dài hạn. Thay vào đó, nó giúp di chuyển dữ liệu từ những trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn, cũng như bắt đầu những thay đổi cấu trúc mà chúng ta vừa nói.

Vậy thì việc “quên” hoạt động như thế nào? Khi chúng ta quên một thứ, điều đó có nghĩa những liên kết chúng ta hình thành trong mạng lưới nơron thần kinh đã yếu đi. Bạn cũng có thể quên khi não chúng ta xây dựng một mạng lưới mới đè lên cái cũ. Hãy tưởng tượng giống như ngày xưa, bạn có thể ghi đè một video khác lên cuộn băng VHS; quá trình quên cũng đại loại giống như vậy. Đây là lý do tại sao chúng ta thường hay quên khi chúng ta cảm thấy bị kiệt sức bởi quá nhiều công việc. Não chúng ta thường “ghi đè” lên những thứ cũ để có thể chứa những thứ mới.

Bạn đã bao giờ tự hỏi mình có khả năng nhớ nhiều đến mức nào chưa? Vào năm 2007, Richard Wiseman đã tiến hành một thí nghiệm gọi là “Nhớ lại toàn bộ” để kiểm tra chính xác não người có khả năng nhớ được bao nhiêu thứ. Ông thực hiện thí nghiệm bằng cách cho hai tình nguyện viên (đều là nữ) xem 10.000 hình ảnh trong hai ngày, sau đó kiểm tra để xem họ có thể nhớ được bao nhiêu hình ảnh.

Loại thí nghiệm này không có gì là mới; Lionel Standing là người đầu tiên thực hiện thí nghiệm trí nhớ này vào những năm đầu thập kỷ 70 ở Canada, thông qua thí nghiệm này, ông phát hiện ra những đối tượng thử nghiệm có thể nhớ đến 70% số bức ảnh - hay 7.000 hình ảnh lướt qua trong 1 giây chỉ trong vài ngày! Vấn đề với nghiên cứu này là nó rất khó để mô phỏng và Wiseman là người đầu tiên thử mô phỏng lại.

Wiseman đã thấy rằng những đối tượng, trung bình sẽ có khả năng nhớ tốt hơn nếu có ít hình ảnh hơn, nhưng ông vẫn thấy bất ngờ vì khả năng nhớ của họ - trung bình, tới 98% đối với 612 bức ảnh và 65% đối với 10.000 bức ảnh. Hóa ra là chúng ta nhớ được nhiều thứ chúng ta thấy trong cuộc sống hàng ngày hơn chúng ta nghĩ, dù là quảng cáo, những gương mặt, hay những mô hình giao thông. Con người thực chất có một trí nhớ hình ảnh rất quyền năng.

Tuy nhiên, trí nhớ của chúng ta không giống những ổ cứng máy tính có thể truy cập dễ dàng; chúng có giới hạn nhất định. Giới hạn rõ hàng nhất mà bạn có thể nghĩ tới là khi bạn không thể nhớ được thứ gì đó nữa. Đây là khiếm khuyết duy nhất mà chúng ta có thể tự nhận ra, nhưng nó không phải là khiếm khuyết duy nhất. Qua thời gian, những ký ức của chúng ta có thể sáp nhập lại thành một ký ức duy nhất, hoặc chúng có thể thay đổi. Điều này có nghĩa những ký ức của chúng ta không phải lúc nào cũng đáng tin, nhưng thú vị là, những cảm xúc mạnh mẽ có thể tạo ra những ký ức đáng nhớ.

Những ký ức sáng tỏ là những ký ức mà đột nhiên chúng ta có, những thứ không ngờ tới được gắn chặt với những cảm xúc mãnh liệt, thay vì những sự kiện thường ngày. Những ký ức này thường duy trì lâu hơn phần lớn ký ức thường ngày và chứa được nhiều chi tiết của sự việc thực tế hơn. Ví dụ, phần lớn những người sống sót trong ngày Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát hay thảm họa 9/11 sẽ nhớ rõ họ đang ở đâu, đang làm gì và đang ở với ai khi họ biết đến sự kiện đó vì họ cảm nhận được những cảm xúc mãnh liệt. Loại trí nhớ này thường được gắn với những chấn động cảm xúc, đây cũng là lý do vì sao những nạn nhân của xâm hại tình dục nhớ rất rõ vụ tấn công cho dù nó đã xảy ra rất lâu rồi.

Roger Brown và James Kulik đặt ra thuật ngữ “ký ức sáng tỏ” vào năm 1977 cho những ký ức đau thương. Học thuyết của họ cho thấy bộ não đã ghi lại những sự kiện này rất chính xác bởi vì chúng quá khó để xử lý vào lúc đó, và phải được phân tích sau một khoảng thời gian khi sự kiện diễn ra. Điều này sẽ cung cấp lợi thế tiến hóa của việc học hỏi từ những kinh nghiệm đau thương để ngăn chúng tái diễn.

Tuy nhiên, những ký ức này cũng có phai mờ đi một chút qua thời gian. Một nghiên cứu năm 1992 bởi Ulric Neisser và Nicole Harsch đã đánh giá bản chất của ký ức sáng tỏ. Họ đã khảo sát ký ức của 106 học sinh về vụ nổ của tàu con thoi Challenger qua một bảng câu hỏi. Khoảng hai năm rưỡi sau, họ đưa cho nhóm học sinh đó những câu hỏi y hệt. Sau đó, họ đã so sánh những câu hỏi để đánh giá tính chính xác về ký ức của các học sinh sau hai năm rưỡi từ cuộc khảo sát đầu tiên. Họ thấy rằng 1/4 số học sinh đạt điểm 0 trên thang điểm chính xác từ 0 đến 7, và 50% đạt được điểm thấp hơn hoặc bằng 2. Điều này có nghĩa là những ký ức của các học sinh đó về sự kiện đã phai mờ đi trong một khoảng thời gian khá ngắn. Các học sinh có nhớ sự kiện - chỉ là họ nhớ không chính xác thôi. Ký ức của họ đã bị thay đổi theo thời gian.

Sau thảm họa 9/11, một thí nghiệm tương tự được tiến hành. Lần này, trí nhớ của những người tham gia về những sự kiện tầm thường cũng được đánh giá cùng ký ức sáng tỏ về sự kiện đau thương đó. Những nhà nghiên cứu nhận thấy sự khác biệt giữa ký ức sáng tỏ và ký ức thường ngày là những bệnh nhân tự tin về những ký ức sáng tỏ của họ hơn là những ký ức bình thường. Sự tự tin này không có nghĩa là những ký ức sáng tỏ là chính xác. Tự tin có thể dẫn đến những ký ức rõ ràng, nhưng nó cũng chưa chắc đã đúng với thực tế.

Albert Rutherford/NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY