Theo CNBC, Bitcoin đang được giao dịch ổn định trên ngưỡng 21.000 USD/đồng kể từ ngày 16/1. Như vậy, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã phục hồi hoàn toàn kể từ khi sàn giao dịch FTX của Sam Bankman-Fried trượt tới bờ vực phá sản.
Giá Bitcoin hiện cao hơn nhiều so với mức giá 20.283 USD/đồng ngày 2/11.
Theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin đã tăng hơn 22% trong vỏn vẹn 7 ngày qua. Nhưng đồng tiền từng mất chưa tới một ngày để ghi nhận mức giảm tương tự (từ ngày 7/11 đến ngày 8/11).
Trong những tuần sau đó, giá Bitcoin nhiều lần rơi xuống dưới ngưỡng 16.000 USD/đồng.
Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã phục hồi hoàn toàn kể từ khi sàn giao dịch FTX của Sam Bankman-Fried trượt tới bờ vực phá sản. Ảnh: CoinMarketCap. |
Phớt lờ bê bối FTX
Ngày 2/11, CoinDesk lần đầu báo cáo những bất thường tại quỹ phòng hộ Alameda Research, cùng do Sam Bankman-Fried sáng lập. Hàng tỷ USD tiền mã hóa tháo chạy khỏi FTX chỉ trong vỏn vẹn vài ngày.
Binance sau đó từ chối giải cứu FTX. Ngày 11/11, sàn giao dịch của Sam Bankman-Fried chính thức đệ đơn phá sản lên tòa án Mỹ vì cạn kiệt thanh khoản.
Giá Bitcoin phục hồi dù ngành công nghiệp tiền mã hóa vẫn bấp bênh. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã buộc tội 2 công ty tiền mã hóa Genesis Trading và Gemini vì cung cấp và bán chứng khoán chưa đăng ký.
Giá Bitcoin tăng vọt trong 7 ngày qua. Ảnh: CoinMarketCap. |
Các sàn giao dịch tiền mã hóa như Coinbase và Crypto.com cũng sa thải hàng loạt.
Theo dữ liệu của CoinMarketCap, đà phục hồi của Bitcoin vượt xa những đồng tiền khác. Trong 7 ngày qua, Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - tăng giá hơn 18%.
Bitcoin đang nương theo đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ. Lạm phát hạ nhiệt và các chỉ số kinh tế chỉ ra hoạt động kinh tế tại Mỹ đã giảm tốc.
Điều đó khiến các nhà giao dịch lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đảo ngược, hoặc ít nhất là nhẹ tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các "cá voi" vào cuộc
Theo ông James Butterfill - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty quản lý tài sản kỹ thuật số CoinShares, Bitcoin được hỗ trợ bởi các dữ liệu kinh tế vĩ mô và giới đầu tư đã phớt lờ sự sụp đổ của FTX.
"Dữ liệu vĩ mô quan trọng nhất mà giới đầu tư đang quan tâm là chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ. Cùng với đó là xu hướng giảm của việc làm và tiền lương", ông nhận định.
Theo báo cáo vừa được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố, số việc làm trong tháng 12 của Mỹ ghi nhận tốc độ tăng hàng tháng thấp nhất trong vòng 2 năm. Thu nhập của người Mỹ cũng giảm tốc tăng trưởng.
Khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ và mức giá thấp của Bitcoin đã dẫn tới đợt tăng giá này
Ông James Butterfill - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty quản lý tài sản kỹ thuật số CoinShares
Hơn nữa, chỉ số quản lý thu mua (PMI) từ Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) chỉ ra các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã lao dốc bất ngờ trong tháng 12. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 2 năm rưỡi do nhu cầu suy yếu.
"Khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ và mức giá thấp của Bitcoin đã dẫn tới đợt tăng giá này", ông Butterfill bình luận.
Còn theo công ty dữ liệu tiền mã hóa Kaiko, các "cá voi" có thể dẫn dắt đà tăng mới của Bitcoin. Theo đó, trên sàn Binance, quy mô của những giao dịch đã tăng từ mức trung bình 700 USD vào ngày 8/1 lên 1.100 USD. Điều này cho thấy các nhà đầu tư lớn đang đẩy mạnh mua vào.
Theo công ty fintech River Financial, 97 ví nắm giữ nhiều Bitcoin nhất chiếm tới 14,15% số lượng Bitcoin.
Tháng 12 năm ngoái, giáo sư Carol Alexander tại Đại học Sussex dự báo Bitcoin sẽ trải qua "một thị trường tăng giá được quản lý" vào năm 2023.
Theo đó, giá Bitcoin sẽ tăng lên 30.000 USD/đồng vào quý I và 50.000 USD/đồng trong quý II.
Bà lập luận rằng khi khối lượng giao dịch giảm đi, nỗi sợ lấn át thị trường, các "cá voi" sẽ vào cuộc để hỗ trợ thị trường.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...