Mùa giải mới của Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) sẽ diễn ra ở Indonesia vào tháng 10 tới. Ban tổ chức xác nhận cuộc thi loại bỏ vòng áo tắm, thay vào đó, thí sinh dự kiến trình diễn trang phục thể thao.
Trên các diễn đàn sắc đẹp, thông tin này gây xôn xao, châm ngòi cho các bình luận trái chiều. Phần đông khán giả bày tỏ thất vọng vì Miss Grand International vốn mang đậm yếu tố trình diễn, giải trí. Vì thế khi loại bikini, mùa giải có nguy cơ kém hấp dẫn.
Một bình luận cho rằng: "Tiêu chí 'Beauty body and brain' (Vẻ đẹp hình thể và trí tuệ) nhưng bỏ swimsuit thì mất yếu tố hình thể rồi". Người khác đồng tình, viết thêm: "Điểm nhấn của MGI là màn hô tên và phô diễn kỹ năng. Nếu không diễn bikini, đêm thi sẽ nhạt nhẽo, chẳng đọng lại gì".
Ở mùa giải Miss Grand International gần nhất, áo tắm một mảnh vẫn xuất hiện. Ảnh: Miss Grand International. |
Theo Angelopedia, dù không muốn, những cuộc thi cấp quốc gia hoặc quốc tế khi được tổ chức trên đất Indonesia đều phải tuân thủ quy định tương tự.
"Mặc bikini công khai là cổ vũ chủ nghĩa khoái lạc"
Theo The Jakarta Post, Puteri Indonesia là cuộc thi hoa hậu lâu đời và uy tín nhất Indonesia, được tổ chức mùa đầu vào năm 1992, nhằm tìm kiếm đại diện thi Miss Universe, Miss World, và gần đây bổ sung thêm Miss Supranational.
Trong lịch sử cuộc thi, trang phục hở hiếm khi xuất hiện. Được trưng diện áo tắm hai mảnh hoặc váy áo cut-out gợi cảm là điều xa xỉ của tất cả thí sinh.
Là một trong những quốc gia Hồi giáo đông dân, việc phụ nữ Indonesia phơi bày cơ thể bị cấm kỵ. Do vậy, thí sinh buộc phải mặc trang phục kín đáo, đồ thể thao khỏe khoắn.
Trở lại năm 2013, Indonesia đăng cai Miss World ở đảo Bali gây ra những ý kiến tranh cãi từ bộ phận khán giả trung thành. Họ bức xúc nhưng buộc phải chấp nhận việc 127 cô gái đến từ khắp thế giới mặc Sarong, thay vì áo tắm hai mảnh vốn từ lâu đã trở thành một phần quan trọng của cuộc thi này.
Megan Young (đại diện Philippines) đăng quang Miss World 2013 ở Indonesia. Ảnh: CNN. |
Bà Julia Morley - Chủ tịch Miss World - xác nhận thông tin trên. Trong khi đó, Adjie S. Soeratmadjie, đại diện ban tổ chức Miss World ở Indonesia, đưa ra tuyên bố: "Thí sinh không mặc áo tắm trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2013 nhằm tôn trọng phong tục và giá trị truyền thống của quốc gia chúng tôi. Nhưng các bạn hãy yên tâm, sarong - trang phục thay thế swimsuit - sẽ được thiết kế sáng tạo và đặc biệt".
Theo Reuters, động thái trên nhằm xoa dịu sự tức giận của các giáo sĩ Hồi giáo Indonesia sau khi Hội đồng Ulema Indonesia (MUI) kêu gọi hủy bỏ cuộc thi. Trước đó, thành viên của hội đồng cáo buộc Miss World "cổ vũ chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tiêu dùng", và cho rằng thí sinh không phải hình mẫu tích cực cho giới trẻ Hồi giáo.
Không chỉ cấm áo tắm xuất hiện trong sân chơi sắc đẹp, Indonesia còn phản ứng tiêu cực với hình ảnh thí sinh nước này mặc áo tắm khoe dáng ở Miss Universe và các cuộc thi hoa hậu quốc tế khác.
Tờ Coconuts từng dẫn bình luận của dân mạng chỉ trích Anindya Kusuma Putri - đại diện Indonesia ở Miss Universe 2015 - vì tạo dáng ưỡn ẹo trong bộ bikini hai mảnh màu sắc. Putri đã lường trước việc bị "ném đá", song cô không hối hận với quyết định của mình.
Anindya Kusuma Putri (giữa) bị khán giả quê nhà chỉ trích vì liên tục đăng ảnh mặc áo tắm trong cuộc thi Miss Universe 2015. Ảnh: Getty. |
Hoa hậu chia sẻ trên Metro TV: "Tôi tôn trọng tất cả sự phản đối và ý kiến đóng góp. Nhưng tôi sẽ không dễ dàng bỏ cuộc vì nhiệm vụ của tôi là làm rạng danh Indonesia trên bản đồ sắc đẹp quốc tế".
Theo hãng tin Kompas, đài truyền hình quốc gia Indonesia đã làm mờ khoảnh khắc Frederika Alexis Cull sải bước trong váy dạ hội xuyên thấu trên sân khấu chung kết Miss Universe 2019.
Áo tắm "hết thời" ở đấu trường quốc tế
Kể từ năm 2014, phần thi bikini đã "hết thời" tại Miss World. Không hình ảnh áo tắm nào của thí sinh được hé lộ. Tuy vòng Hoa hậu Bãi biển vẫn tồn tại, nhưng với hình thức các người đẹp tham gia buổi chụp hình riêng để ban giám khảo chấm điểm.
Ban tổ chức Hoa hậu Thế giới cho rằng áo tắm không cần thiết và muốn các thí sinh cạnh tranh nhau ở vẻ đẹp trí tuệ, khả năng ứng xử, lòng nhân ái hơn là chỉ tập trung vào phô diễn hình thể, theo Missosology.
Quan điểm này giống với suy nghĩ của những người đứng đầu tổ chức Miss USA. Năm 2018, cuộc thi thể hiện sự ghẻ lạnh trang phục đồ bơi hai mảnh với lý do "vẻ đẹp phụ nữ không thể hiện qua hình thức bên ngoài". Nói đúng hơn, cuộc thi hướng đến hình ảnh hoa hậu học thức, tôn vinh nữ quyền.
Thí sinh Hoa hậu Italy cũng muốn được catwalk trong bộ áo tắm hai mảnh nóng bỏng, nhưng điều đó không xảy ra từ cách nay chục năm. "Việc loại bỏ bikini cũng đồng thời mang lại yếu tố tao nhã cho sàn đấu sắc đẹp này", Patrizia Mirigliani, thành viên ban tổ chức cuộc thi, phát biểu.
Thông qua quyết định trên, nhiều tổ chức hoa hậu cho thấy sự ủng hộ phong trào #Metoo.
Cheslie Kryst, đại diện của Mỹ ở Miss Universe 2019, cho biết áo tắm là vòng thi yêu thích nhất của cô. Ảnh: Getty. |
Thực tế, việc áo tắm bị cấm trong cuộc thi hoa hậu không mới, song vẫn tạo nên làn sóng tranh luận trái chiều. Đa phần ý kiến phản đối hoặc trung lập đến từ vị trí thí sinh đã hoặc đang dự thi.
Trong bài phỏng vấn sau đêm chuyển giao vương miện Hoa hậu Mỹ, Cheslie Kryst cho rằng bikini là phần thi cô yêu thích nhất.
"Nếu nhìn nhận một cách đúng đắn, phần thi áo tắm có nhiều ý nghĩa. Hơn ai hết, tôi muốn cho nhiều người thấy mình nỗ lực tập luyện thế nào. Không chỉ thể hiện những đường nét đẹp trên cơ thể, đây còn là cách giúp ban giám khảo thấy được sức mạnh ý chí, tập luyện", Kryst bày tỏ với Insider.
Khi được hỏi về quan điểm nữ quyền thể hiện bằng cách loại bỏ phần thi bikini của của cuộc thi đối thủ Miss America, Kryst cho biết cô có suy nghĩ khác hẳn.
Theo cô, cách nhìn nhận vấn đề hình thể hay trí tuệ tuy khác nhau nhưng cần phải được tôn trọng. Cô vẫn yêu phần thi áo tắm và trang phục dạ hội. Đây là lý do cô quyết định tham gia các cuộc thi nhan sắc.