Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luyện thể thao để phòng thân thời chúa Nguyễn

Gắn với đặc điểm vùng đất mới, lưu dân đất Gia Định tập luyện những môn thể thao thiết thực như tập trận, đua thuyền, luyện võ để phòng thân, chống thú dữ.

Tập trận với voi chiến. Nguồn tranh: Sơ Du lịch Thừa Thiên Huế.

Dưới thời các vua chúa nhà Nguyễn, trên đất Gia Định không có các môn thể thao của dân chúng để luyện tập thân thể và giải trí. Chỉ có trong quân lính của Nhà nước, thường xuyên luyện tập võ nghệ và sử dụng khí giới, như múa kiếm, đâm gươm giáo, bắn súng hỏa mai, bắn súng thần công, bắn cung nỏ. Hàng năm, dịp đầu xuân có bày trò tập trận ở đồng Tập Trận, dưới sự chứng kiến của viên thượng quan đầu hạt. Dân chúng được đứng ngoài xa xem.

Lại có cuộc tập cho voi đánh trận cũng khá vui. Trên thao trường, người ta dựng lên ba lớp lũy tre. Sau lũy có quân lính cầm súng đứng nấp. Ở trước mặt mỗi bờ lũy đều có đặt những binh sĩ bù nhìn, cầm gậy làm binh khí. Khi có lệnh bắt đầu cuộc chiến, hỏa pháo, chiêng trống nổi lên rộn ràng.

Quân lính hò hét, khua động cố ý làm cho voi sợ. Một con voi trên có quản tượng. Đằng sau voi có nhiều lính cầm gậy để thúc voi phải tiến, ngăn không cho lùi lại. Khi một chiến lũy bị voi công phá, quân lính lại lui về nấp ở chiến lũy sau. Khi cả ba lũy đều bị voi xông qua được, quản tượng và nhóm quân sĩ lại hò hét, quát tháo xua voi trở lại chỗ cũ, và lập một trận giả khác. Cứ như thế tập đủ ba trận liền thì có lệnh cho voi nghỉ.

Tuy sử không nói tới, chúng tôi tin rằng trong dân chúng, nơi này hay nơi kia có những lò tập võ để giữ mình chống lại bọn cướp và thú dữ, vì trong hàng ngũ lưu dân người Việt dưới thời các chúa Nguyễn và di dân dưới triều các vua nhà Nguyễn, có rất nhiều người gốc Quy Nhơn, Bình Định là nơi có các môn võ cổ truyền Việt Nam rất phát triển trong mọi giới, khiến người ta phải thốt lên:

"Ai về Bình Định mà coi,

Con gái Bình Định cầm roi đi quyền".

Bấy giờ vùng đất Gia Định có rất nhiều cọp đi khắp mọi nơi tìm mồi, vào ngay cả những nơi thị tứ như Vườn Trầu, chợ Tân Kiểng. Lưu dân phải có sức khỏe, nhất là phải biết võ để chiến đấu tay đôi với cọp khi bị nó tấn công. Những gương tay không, chỉ dùng quyền, cước mà đánh hạ được cọp hung dữ được kể lại không phải không có.

Theo Trịnh Hoài Đức kể lại trong Gia Định Thành thông chí, hàng năm vào dịp chơi xuân, trên sông Bến Nghé (sông Sài Gòn) thường có tổ chức đua thuyền. Số người đứng hai bên bờ xem rất đông. Điều đó không lấy gì làm lạ, vì dân Gia Định thì 10 người đã có 9 người biết chèo ghe.

Lại còn có đồng bào Khmer ở các vùng Trà Vinh, Sóc Trăng có tục đua ghe ngo vào dịp tết truyền thống của họ. Chắc số ghe tham gia cuộc đua không phải ít.

Thời các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn chưa có ngày chủ nhật. Dân chúng làm việc quanh năm, suốt tháng, chỉ đến tối mới nghỉ tay. Trong năm người ta chỉ nghỉ ngơi vào dịp tết Nguyên đán và tháng Giêng âm lịch để dự hội hè và chơi xuân. Các thú vui chơi giải trí chỉ có xem hát bội, xem đá gà, xem đánh đu, chơi cờ bạc và các hình thức mang tính thể thao là đua ngựa, múa võ và đánh vật.

Nguyễn Đình Tư / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY