Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lượng thời gian ngủ cần thiết cho cơ thể là bao nhiêu?

Thời gian cần thiết cho giấc ngủ sẽ khác nhau tùy từng người. Thời gian ngủ thích hợp với bản thân được phán đoán bằng cảm giác tỉnh táo của cả ngày hôm sau.

Con người ngày cần ngủ bao nhiêu tiếng là vừa đủ?

Sáu, bảy tiếng? hay là mười tiếng?

Thật ra, không thể nói một cách đồng nhất bao nhiêu tiếng thì đúng.

Thời gian cần thiết cho giấc ngủ sẽ khác nhau tùy từng người, nếu một người dù chỉ ngủ ba tiếng nhưng những mệt mỏi của ngày hôm đó đều được giải phóng và sáng hôm sau có thể hoạt động khỏe mạnh thì có thể nói rằng đó chính là thời gian ngủ thích hợp đối với người đó.

Thời gian ngủ thích hợp với bản thân được phán đoán bằng cảm giác tỉnh táo của cả ngày hôm sau.

Ví dụ, khi ta có thể ngủ đủ lượng cần thiết cho thể chất và tinh thần thì buổi trưa sẽ không có chuyện buồn ngủ, và cũng sẽ không có cảm giác bất mãn vì không ngủ đủ giấc.

Ngược lại, những người không ngủ đủ giấc thì sáng ra đã đờ đẫn, tâm trạng cũng không tốt, và có cảm giác rằng cả đầu óc và cơ thể mãi mà không hoạt động được.

Nếu ghi chép lại cảm giác của ngày hôm đó và thời gian ngủ thì có lẽ chúng ta sẽ có thể phán đoán được lượng thời gian ngủ cần thiết cho bản thân mình là khoảng bao nhiêu.

Nhung ngo nhan vi suc khoe anh 1

Thời gian cần thiết cho giấc ngủ sẽ khác nhau tùy từng người. Nguồn: Shutterstock.

+ Tiêu chuẩn của một giấc ngủ tốt là gì?

Tuy nhiên, cũng có người dù có ngủ bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể tỉnh táo được.

Trường hợp đó, chúng ta hãy xem xét lại chất lượng của giấc ngủ.

Vậy thì, một giấc ngủ có chất lượng tốt là giấc ngủ như thế nào?

Một trong những điểm mấu chốt là “giấc ngủ REM” và “giấc ngủ NREM”.

Trong lúc ngủ chúng ta vẫn đang lặp đi lặp lại giấc ngủ REM và giấc ngủ NREM. Giấc ngủ REM là từ viết tắt của “Rapid eye movement” (chuyển động mắt nhanh), và nếu quan sát kĩ chúng ta sẽ thấy đúng như các từ ngữ, chỉ có nhãn cầu đang chuyển động. Đổ mồ hôi, loạn huyết áp, hơi thở nhanh lên, hay nằm mơ. Hoạt động ghi nhớ vào não những điều nghe nhìn thấy vào ban ngày cũng được cho là diễn ra trong giấc ngủ REM.

Ngược lại giấc ngủ NREM chỉ giấc ngủ tiến từ trạng thái “ngủ lơ mơ” lúc bắt đầu ngủ sang trạng thái “ngủ khì”,“ngủ sâu” của giấc ngủ sâu, cả cơ thể và trí óc đều rơi vào giấc ngủ sâu.

Trong giấc ngủ, bộ đôi giấc ngủ REM và NREM này cứ 90 phút một lần sẽ luân phiên nhau diễn ra, và cứ thế trong một đêm sẽ lặp đi lặp lại khoảng bốn, năm lần.

Nhung ngo nhan vi suc khoe anh 2

Giấc ngủ REM và NREM.

Giấc ngủ có chất lượng tốt là từ ngữ để chỉ trạng thái bộ đôi giấc ngủ REM và NREM xuất hiện một cách nhịp nhàng, đều đặn.

Đặc biệt, người ta cho rằng hai chu kỳ, ba giờ đầu của giấc ngủ rất quan trọng, trong giấc ngủ NREM sâu đầu tiên này, hoóc môn tăng trưởng được bài tiết, đồng thời chức năng miễn dịch cũng được phục hồi. Ngoài ra, hoạt động của vỏ não cũng lắng xuống, hoạt động “bảo vệ não”, “phục hồi não” được tiến hành, và quá trình não nghỉ ngơi cũng được diễn ra.

“Khi cảm thấy buồn ngủ không thể nào chịu nổi, dù chỉ cần ngủ mười đến hai mươi phút cũng đủ tỉnh táo” được cho rằng chính nhờ do hoạt động này.

+ Dù có ngủ bao nhiêu đi nữa cũng không cảm thấy ngủ ngon là dấu hiệu của bệnh tật

Và căn bệnh làm rối loạn chất lượng giấc ngủ này chính là“Hội chứng ngưng thở khi ngủ”.

Trạng thái luồng không khí đi qua khí quản ngừng trên mười giây gọi là ngưng thở, và trong một đêm (trong giấc ngủ bình quân khoảng bảy giờ) nếu có ba mươi lần trở lên, hoặc trong một giờ có bình quân năm lần trở lên diễn ra tình trạng ngưng thở thì sẽ được chẩn đoán là hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Không thở được dẫn đến cái chết, nhưng điểm nghiêm trọng của bệnh này là nó ảnh hưởng đến nhiều hoạt động ban ngày sau khi ta thức dậy.

Ngưng thở được cho là hay xảy ra trong trạng thái của giấc ngủ REM, khi xảy ra ngưng thở là lúc chuyển đổi từ NREM sang REM.

Nói tóm lại, những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ hầu như đều không có được giấc ngủ sâu NREM.

Vì vậy, ban ngày họ sẽ cảm thấy buồn ngủ dữ dội hay có cảm giác uể oải, khả năng tập trung bị giảm sút.

Với những người dù có ngủ bao nhiêu cũng không cảm thấy ngon giấc thì nên nghi ngờ đến bệnh này và nên đến bác sĩ thì tốt hơn.

Gần đây, các phòng khám về ngưng hô hấp hay phòng khám về giấc ngủ đang gia tăng nên các bệnh nhân cũng được khám dễ dàng hơn. Trường hợp tự bản thân mình không giải quyết được thì hãy trao đổi với bác sĩ.

Toshio Akitsu / Quảng Văn Books & NXB Phụ nữ

SÁCH HAY