Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lượng hành khách đi đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng khoảng 30%

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro), tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào giờ cao điểm chiếm 70%.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro), hiện tại, lượng hành khách đi lại trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tăng khoảng 30% (bình quân hơn 10.000 khách/ngày, riêng thứ bảy và chủ nhật là 15.000 khách) so với những tháng trước đó.

pho di bo o quan Hoang Mai anh 1

Hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông đã tăng dần sau thời gian đưa vào vận hành và khai thác thương mại. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Lý giải về số lượng hành khách tăng thời gian qua, lãnh đạo Hà Nội Metro chỉ ra nguyên nhân là tuyến đường sắt này đã đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường, văn minh lịch sự… nên dần hình thành văn hóa metro.

Đặc biệt, hành khách sử dụng metro làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể tiếp chuyển loại hình xe buýt được kết nối rất tiện lợi ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Bên cạnh đó, các hoạt động đời sống, kinh doanh đã mở cửa trở lại và cách tiếp cận về phòng chống dịch Covid-19 đã linh hoạt, số lượng học sinh, sinh viên đi học trở lại; giá nhiên liệu tăng cũng là một trong các yếu tố khiến nhu cầu khách đi lại cao hơn.

“Tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng trên tuyến vào giờ cao điểm chiếm 70%. Tính chung cả ngày, khách đi vé tháng sắp đạt 50%. Công ty cũng dự báo lượng khách tiếp tục tăng và mục tiêu là tăng gấp đôi số lượng khách đi tàu sau khi học sinh, sinh viên ở các trường đi học trở lại hoàn toàn”, lãnh đạo Hà Nội Metro nhận định.

Hiện có 54 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trong đó ga Cát Linh và Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt và các ga trung gian có 8-9 tuyến buýt. Metro Hà Nội cũng được trang bị bảng biểu thông báo hệ thống tuyến buýt ở nhà ga để khi khách xuống sẽ nắm bắt được thông tin các tuyến buýt kết nối.

“Mỗi một phương thức vận tải đô thị chỉ đáp ứng một số đối tượng nhất định nên cần có hệ thống và một tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông không thể giải quyết được tất cả vấn đề nhưng là sự khởi đầu tốt đẹp về giao thông công cộng. Chỉ khi nào hình thành mạng lưới đường sắt đô thị hoàn chỉnh mới giải quyết được căn cơ những vấn đề đặt ra giao thông đô thị ở các thành phố lớn ở Việt Nam và hy vọng Hà Nội sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị khác đưa vào hoạt động”, lãnh đạo Hà Nội Metro chia sẻ.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội vào ngày 6/11/2021 và đưa vào vận hành, khai thác. Ngày 13/1/2022, dự án này được khánh thành và đón hành khách thứ một triệu.

Hiện mỗi ngày có 203 chuyến tàu metro Cát Linh - Hà Đông phục vụ chở khách từ 5h30 đến 22h. Tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến dừng đón, trả khách tại ga. Mỗi đoàn gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người/đoàn, tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác 35 km/h. Với biểu đồ khai thác hiện nay, thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến chỉ hết hơn 23 phút.

Vé tàu được ngân sách thành phố trợ giá gồm các loại vé lượt (8.000-15.000 đồng/lượt, tính theo quãng đường đi), vé ngày (30.000 đồng/vé, không hạn chế lượt đi), vé tháng phổ thông (200.000 đồng/vé/30 ngày), vé tháng ưu đãi (100.000 đồng/vé dành cho học sinh, sinh viên), vé mua theo hình thức tập thể (30 người trở lên, 140.000 đồng/vé) và vé miễn phí (người có vé xe buýt miễn phí).

Lãnh đạo Hanoi Metro: '6 năm chờ đợi là phép thử về lòng yêu nghề'

Sau gần 3 tháng chỉ huy vận hành công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Tổng giám đốc Hanoi Metro thở phào khi doanh nghiệp của mình đã trải qua nỗi lo thất nghiệp.

https://www.vietnamplus.vn/luong-hanh-khach-di-duong-sat-cat-linhha-dong-tang-khoang-30/779203.vnp

Việt Hùng/Vietnam+

Bạn có thể quan tâm