Hơn 30 năm từ ngày tu nghiệp ở Liên Xô, tiến sĩ Vũ Hồng Trường vẫn giữ cách phát âm "metro" là "Me-tơ-rô" theo phiên âm tiếng Nga. Cũng từng ấy năm từ khi chứng kiến mạng lưới tàu điện đô thị hiện đại ở xứ sở Bạch Dương, ông Trường mới có dịp bước vào vị trí quản lý tuyến metro đầu tiên của Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện với Zing, tiến sĩ khoa học, Tổng giám đốc Vũ Hồng Trường chia sẻ những câu chuyện đằng sau việc chuẩn bị lực lượng để vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
"Người ta nói đùa ông Trường sau một đêm thành tỷ phú"
- Cơ duyên ông đến với vị trí lãnh đạo đơn vị vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông như thế nào?
- Tôi bắt đầu nghiên cứu về giao thông đô thị từ năm 1981, khi đang học tập tại Liên Xô. Đến nay là trên 40 năm. Tôi đam mê nghiên cứu về giao thông đô thị nói chung chứ không chỉ là metro.
Tiến sĩ Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro. Ảnh: Ngọc Tân. |
Từ năm 2004 đến 2015, tôi làm Trưởng ban kế hoạch đầu tư rồi Phó tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) nên cũng có kinh nghiệm trong việc thiết lập doanh nghiệp mới và tái cơ cấu, quản trị doanh nghiệp.
Đến năm 2015, Hà Nội lựa chọn một người làm lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội để chuẩn bị vận hành đường sắt đô thị, trước mắt là các tuyến Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Tôi được biết, lãnh đạo thành phố cũng cân nhắc nhiều ứng viên. Tôi nghĩ chắc do cái duyên nên cuối cùng lãnh đạo đã lựa chọn tôi để xây dựng công ty, chuẩn bị cho công tác tiếp nhận, vận hành. Tôi đến nhận nhiệm vụ tại Hanoi Metro từ tháng 6/2015 đến nay.
- Hanoi Metro - doanh nghiệp vận hành metro đầu tiên của Việt Nam - ra đời như thế nào?
- Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) nhận quyết định thành lập ngày 27/11/2014, nhưng chính thức hoạt động từ tháng 6/2015, sau khi ban lãnh đạo được bổ nhiệm.
Hanoi Metro khởi đầu với "5 không": Không trụ sở, không kinh phí, không nhân sự, không phương tiện đi lại và không tài sản
TGĐ Hanoi Metro Vũ Hồng Trường
Doanh nghiệp khởi đầu với "5 không": Không trụ sở, không kinh phí, không nhân sự, không phương tiện đi lại và không tài sản.
Nhân sự ban đầu mà chúng tôi huy động còn phải nhờ đơn vị cũ trả lương cho một tháng đầu. Phương tiện cũng mượn của Transerco một thời gian. Trụ sở cũng thuê của họ, xin lãnh đạo cho nợ tiền.
Tuy nhiên, một điều may mắn là Thành ủy, UBND và các sở ban ngành vô cùng tạo điều kiện hỗ trợ. Từ "5 không", đến bây giờ thành "5 có".
Có người còn đùa tôi là chỉ sau một đêm, ông Trường đã trở thành tỷ phú, sở hữu và quản lý gần 20.000 tỷ đồng sau khi công trình Cát Linh – Hà Đông được bàn giao.
Nhân lực của Hanoi Metro đã phải chờ đợi 6 năm để được chính thức vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Việt Linh. |
- Doanh nghiệp thành lập từ 2015 nhưng mãi đến cuối năm 2021 mới được tiếp nhận tuyến metro đầu tiên. Trong thời gian chờ đợi, ông và các nhân viên của mình đã xoay sở thế nào?
- Chúng tôi phải đối mặt với 2 vấn đề là làm sao để giữ chân được nhân sự và sử dụng thời gian chờ đợi đó làm sao để hiệu quả nhất.
Trong thời gian chờ nhận bàn giao dự án, vấn đề lương, phụ cấp ảnh hưởng lớn đến tâm tư nguyện vọng của người lao động.
Thời gian đã sàng lọc để giữ lại những người thực sự đam mê, thực sự tâm huyết với nghề đường sắt đô thị
TGĐ Hanoi Metro Vũ Hồng Trường
Tuy nhiên, thời gian đã sàng lọc để giữ lại những người thực sự đam mê, tâm huyết với nghề đường sắt đô thị. Họ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hy sinh cả tuổi trẻ.
Trong khi chờ đợi, nhiều lái tàu, nhân viên metro sẵn sàng làm những công việc khác để tồn tại. Để rồi khi công trình đi vào vận hành đảm bảo an toàn, được người dân ủng hộ thì đó là niềm động viên an ủi cho những tháng ngày vất vả của đội ngũ nhân sự của Hanoi Metro.
- Với một dự án nhiều tai tiếng, tốn giấy mực của báo chí như Cát Linh - Hà Đông, việc đảm nhận vị trí vận hành tuyến có khiến ông gặp áp lực?
- Tôi đã quen với áp lực khi phải làm cái gì mới rồi, ngay từ thời vận hành xe buýt Hà Nội hay thời làm giảng viên ở Đại học GTVT, khi đưa những cái mới vào tôi đều xác định là vạn sự khởi đầu nan.
Tôi luôn có niềm tin là nếu chúng ta tôn trọng quy luật khách quan và thực sự tâm huyết thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua, mọi vấn đề đều có giải pháp. Vấn đề là những giải pháp đó phải được tuyên truyền để tạo sự đồng thuận xã hội, để người dân chia sẻ khó khăn.
Phải nói tất cả bài học từ dự án Cát Linh - Hà Đông là kinh nghiệm vô cùng quý báu để Hà Nội triển khai các tuyến metro tiếp theo nhanh hơn và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Cố gắng vận hành tốt để giảm gánh nặng trợ giá
- Ông đánh giá thế nào về kết quả vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 3 tháng qua?
- Kết quả đạt được theo kịch bản tốt nhất mà chúng tôi dự kiến. Tôi phải cảm ơn tất cả người dân đã nhiệt tình ủng hộ. Sự chia sẻ của người dân thông qua việc sử dụng tuyến Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện đi lại đã tạo động lực để chúng tôi làm việc.
Tới đây, hết tháng 3, khi chuyên gia tư vấn hỗ trợ vận hành về nước, tôi tin tưởng là chúng ta có thể duy trì vận hành tốt, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ cho hành khách đi tàu.
Người dân hào hứng trải nghiệm tàu điện Cát Linh - Hà Đông trong những ngày đầu khai trương. Ảnh: Thế Bằng. |
- Ông có thể tiết lộ về doanh thu của Hanoi Metro từ việc bán vé tàu?
- Chúng tôi chưa hạch toán đủ, tài sản còn chưa bàn giao chính thức, doanh số vẫn chỉ là tạm tính.
Tuy nhiên, đối với chi phí vận hành dự án tàu điện, chúng tôi vẫn xác định nguồn trợ giá của Nhà nước là 70-80%, nguồn thu từ khai thác thương mại chỉ bù được 20-30% chi phí. Trên thế giới chỉ có 2 nơi không phải trợ giá vận hành metro là Nhật Bản và Hong Kong.
- Sau khi nhận bàn giao dự án, thu nhập, lương thưởng của nhân viên Hanoi Metro thay đổi như thế nào?
Chúng tôi vẫn xác định nguồn trợ giá của Nhà nước là 70-80%, nguồn thu từ khai thác thương mại chỉ bù được 20-30% chi phí
TGĐ Hanoi Metro Vũ Hồng Trường
- Trong gần 3 tháng qua, lái tàu nếu vận hành đủ ngày công thì thu nhập khoảng 12-13 triệu đồng/tháng. Các chức danh khác có thu nhập bình quân hơn 7 triệu, thấp nhất là 6,5 triệu.
Năm ngoái vì chưa vận hành nên không có kinh phí, tiêu chuẩn gì về Tết cả. Đến năm nay chúng tôi vẫn chưa có thưởng Tết vì mới chở khách hơn 2 tháng. Chúng tôi đang trình đơn giá tạm để thành phố đặt hàng.
Tuy nhiên, chắc chắn là trong Tết này cán bộ, công nhân viên sẽ có phúc lợi.
- Mục tiêu của Hanoi Metro trong năm mới là gì? Kế hoạch khai thác thương mại, quảng cáo tại tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ được triển khai ra sao?
- Chúng tôi phải hoàn thành kế hoạch đặt hàng của thành phố. Trong yêu cầu đặt hàng sẽ có sản lượng, chỉ tiêu, chất lượng cụ thể mà chúng tôi phải đáp ứng.
Mục tiêu thứ 2 là chuẩn bị đưa nhân sự đi đào tạo để sẵn sàng tiếp nhận vận hành đoạn trên cao tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội.
Chúng tôi cũng sẽ triển khai các phương án kinh doanh thương mại dịch vụ “ngoài vé” để tăng tiện ích cho hành khách. Việc tăng nguồn thu cũng đồng thời để giảm khoản trợ giá của thành phố.
Metro là tương lai tất yếu của giao thông đô thị
- Người dân đã nghi ngại nhiều về chất lượng và hiệu quả vận hành của dự án Cát Linh - Hà Đông. Bản thân ông đánh giá thế nào?
- Việc đánh giá chất lượng công trình là của bên nghiệm thu, chủ đầu tư, của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước. Còn bằng cảm nhận của tôi qua thực tế vận hành, đến nay ngoài một số trục trặc nhỏ đã khắc phục được thì chất lượng không có vấn đề gì.
Đường sắt đô thị được kỳ vọng là phương tiện giải quyết ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Đến bây giờ đã có một lượng hành khách mua vé tháng và đi tàu thường xuyên, lưu lượng rất ổn định và đang có xu hướng tăng. Sau Tết, khi học sinh, sinh viên được đi học trực tiếp trở lại thì tôi tin rằng lưu lượng hành khách còn tăng nữa.
Có người khác lại hỏi tôi là cần mang theo một con gà thì đi metro kiểu gì? Tôi bảo nhu cầu của con người thì vô cùng (cười).
- Ông nhận định đường sắt đô thị sẽ thay đổi giao thông của Hà Nội như thế nào?
Thành công bước đầu khi vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông đã tạo niềm tin rằng chúng ta càng đẩy nhanh đầu tư các tuyến metro của Hà Nội bao nhiêu thì những vấn đề về giao thông đô thị càng được giải quyết tốt hơn. Bởi vậy nên Hà Nội đang thúc đẩy, tập trung mọi nguồn lực để đưa tuyến thứ 2 là tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đi vào vận hành.
Tôi có một niềm tin là người Việt Nam trong tương lai gần hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ về xây dựng cũng như vận hành khai thác các tuyến metro.
- Xin cám ơn ông!