Bình luận
Có rất nhiều cay đắng dành cho cổ động viên Inter sau khi vụ chuyển nhượng này diễn ra. Cho đến tận nửa cuối tháng 7, Lukaku vẫn nói muốn tiếp tục gắn bó với Nerazzurri và không muốn trở lại Stamford Bridge. Nhưng cuối cùng, mọi thứ thay đổi sau đấy vài ngày. 98 triệu bảng và ban lãnh đạo Inter không thể chống lại được sức mạnh của đồng tiền.
Thêm vào đó, chính tiền đạo người Bỉ đã đề đạt được ra đi và trong ngày quay trở lại nước Anh, Lukaku đã đăng dòng trạng thái: “Happy to be back home” lên trang cá nhân. Đó thực sự là cú đánh vào tình yêu mà cổ động viên Inter dành cho anh.
Lukaku trở lại Chelsea theo bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử đội bóng. Ảnh: Sports. |
Hành trình vươn lên
Sau 2 năm ở Giuseppe Meazza, anh vẫn chỉ coi nơi đây như là điểm dừng chân. Ở Inter, anh đã đoạt Scudetto và trở thành ngôi sao số 1 của đội bóng. Nhưng Inter không thể đưa Lukaku đi xa hơn nữa. Đó là “điểm tới hạn” của nhà vô địch Serie A, đặc biệt là khủng hoảng tài chính đã khiến họ phải bán Achraf Hakimi cho Paris Saint-Germain sau đúng 1 mùa giải.
Nhiều người chỉ trích Lukaku tham tiền bởi lẽ anh sẽ nhận mức lương gấp rưỡi hiện tại, khoảng 12 triệu euro mỗi năm. Như vậy, trong 5 năm tới, tiền đạo người Bỉ sẽ được đảm bảo thu nhập không dưới 60 triệu euro, chưa kể các khoản thưởng và phí ra sân.
Cuộc đời của Lukaku xuất phát từ tầng lớp nghèo khổ, nơi mà mẹ anh từng phải pha nước vào sữa tươi để có thể cầm cự lâu hơn một chút, nơi mà anh chỉ có bánh mỳ để ăn qua ngày. Lukaku từng thề sẽ không bao giờ để gia đình mình lâm vào cảnh túng thiếu. Tất nhiên, anh đã làm được điều đó từ rất lâu rồi, khi mới chỉ là chàng tiền đạo trẻ ở Anderlecht.
Nhưng sau tất cả, khát vọng khẳng định bản thân mới là mục đích lớn nhất. Lukaku từng đến Chelsea với niềm hy vọng kế vị Didier Drogba và ra đi trong tư thế của kẻ thất bại. Sau 10 năm, anh muốn quay lại để chứng tỏ chính mình. Tâm trạng đó mới thực sự là quyết định đưa Lukaku rời khỏi Inter chứ không hoàn toàn vì chuyện tiền bạc.
Mùa hè 2011, Lukaku đáp máy bay từ Bỉ tới London để ký kết hợp đồng với Chelsea. Ngày ấy, anh chỉ là chàng trai 18 tuổi và dễ bị tổn thương. Mùa giải đó, Chelsea đã giành danh hiệu Champions League đầu tiên trong lịch sử, nhưng Lukaku thậm chí không được ra sân phút nào ở cúp châu Âu và chỉ đá vẻn vẹn 12 trận.
Mùa giải trọn vẹn duy nhất gắn bó với Chelsea kết thúc một cách thảm họa khi anh không ghi nổi bàn thắng nào. Chelsea không thể kiên nhẫn với Lukaku, hệt như với chính người đồng hương của anh là Kevin De Bruyne. Năm 2012, "The Blues" đẩy anh sang West Bromwich dưới dạng cho mượn. Bắt đầu từ đây là những ngày anh miệt mài chứng tỏ tài năng của bản thân.
HLV Yannick Ferrera, người từng dẫn dắt Lukaku ở đội trẻ Anderlecht, đã nói về anh: “Lukaku không bao giờ nghĩ mình giỏi hơn tất cả, cậu ấy chỉ tự nhủ mình muốn giỏi hơn mọi người và vì thế, mình cần luyện tập thật chăm chỉ. Ngay từ ngày đầu tiên, Lukaku đã khiến tôi chắc chắn cậu ấy sẽ trở thành cầu thủ tuyệt vời”. Những gì mà ông Ferrera tin tưởng đã trở thành hiện thực.
Dưới màu áo West Brom, Everton rồi Manchester United, Lukaku đã lớn dần và tự ghi tên mình vào danh sách những tiền đạo hay nhất Premier League. Sau 234 trận ở Ngoại hạng Anh, tiền đạo người Bỉ đã ghi 113 bàn thắng, chỉ kém một chút so với Harry Kane (125 bàn) trong cùng khoảng thời gian.
Chelsea đã nhận ra sai lầm của họ khi bán Lukaku với giá 28 triệu bảng và một lần nữa phạm sai lầm tiếp khi không cố gắng trong cuộc đua giành chữ ký của anh vào mùa hè năm 2017. Bây giờ, con số không phải là 75 triệu bảng nữa mà đã lên tới 98 triệu bảng, kỷ lục lớn nhất mà Chelsea từng đầu tư cho một cầu thủ trong lịch sử của mình.
Nhưng chắc chắn, Chelsea cảm thấy họ không thể tiếp tục mắc lỗi thêm. Dù mùa giải trước, "The Blues" đã giành Champions League, song đội hình của họ vẫn thiếu tiền đạo hàng đầu thế giới để tiếp tục duy trì vinh quang. Trong nửa thập kỷ qua, Lukaku chứng minh anh xứng đáng nằm trong số những trung phong hay nhất, đồng thời phù hợp với mọi đội bóng và mọi phong cách thi đấu.
Số liệu không biết nói dối, trong 6 mùa gần nhất, anh ghi trung bình 25 bàn thắng trên mọi mặt trận, một thống kê đáng gờm. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Bởi lẽ, đôi khi vai trò của tiền đạo không chỉ là ghi bàn. Chelsea, hay nói đúng hơn là HLV Tuchel, đã nhận ra điều ấy.
Chelsea cần Lukaku
Theo một cách tổng quan, Lukaku là mẫu tiền đạo khá toàn diện. Anh không phải là tay săn bàn đơn thuần kiểu Haaland, người chỉ luôn hướng tới việc có tên trên bảng tỷ số ở mỗi trận. Anh cũng không phải là dạng tiền đạo kiến tạo, người sẵn sàng hy sinh bản thân cho đồng đội lập công giống Giroud hoặc Firmino.
Lukaku trở lại sân Stamford Bridge để khẳng định khả năng trong màu áo Chelsea. Ảnh: Sports. |
Anh ở khoảng giữa của hai thái cực ấy, vừa có thể ghi rất nhiều bàn thắng, vừa có thể làm tường hoặc hỗ trợ đồng đội trong khi gây áp lực lên hàng thủ đối phương. Về phương diện này, có thể coi Lukaku khá giống Harry Kane, tất nhiên là theo phong cách có phần nặng về thể lực hơn.
Thomas Tuchel đã xây dựng cho Chelsea một lối đá tấn công đa dạng và hiệu quả. Ông cần Lukaku trở thành người dứt điểm cuối cùng cho mỗi đợt lên bóng và rất có thể, với lối chơi này, anh sẽ còn ghi nhiều bàn thắng hơn những ngày tại Italy.
Ở mùa trước, tỷ lệ chuyển hóa bàn thắng của Lukaku xếp thứ 5 tại Serie A. Nếu Chelsea có thể mang đến cho anh nhiều cơ hội hơn trong mùa giải mới, có lẽ số bàn thắng của anh sẽ đủ để khiến Tuchel hài lòng.
Trong những tiền đạo ghi trên 30 bàn mỗi mùa kể từ năm 2019 tới nay, Lukaku là người sút thuộc loại ít nhất, trung bình trên 3 lần mỗi trận. Rõ ràng, anh không quá coi trọng số lượng mà thiên về chất lượng.
Các chỉ số cho thấy Lukaku có xu hướng dứt điểm ở tầm gần hơn là sút xa. Không phải anh không có khả năng sút ngoài vòng cấm mà đơn giản, tiền đạo này muốn có sự chắc chắn trong những tình huống dứt điểm.
Một vấn đề khác mà Tuchel phải cảm ơn Antonio Conte là việc HLV người Italy đã hoàn thiện bộ kỹ năng cho Lukaku sau 2 mùa dẫn dắt. Từ tiền đạo cục mịch và vụng về sau những đường lên bóng nhanh hoặc chọc khe, Lukaku đã thay đổi để trở nên linh hoạt hơn rất nhiều.
Anh cũng có xu hướng đón nhận các đường kiến tạo từ cánh trái, nơi mà Mason Mount đặc biệt ưa thích. Cộng với những vệ tinh chất lượng khác như Ziyech hay Hudson-Odoi, Lukaku sẽ có rất nhiều cơ hội thể hiện khả năng chạy không bóng, thứ vũ khí mà anh đã miệt mài rèn giũa trong 2 năm qua.
Dấu hỏi chỉ đến ở việc liệu Lukaku và Kai Havertz có thể phù hợp khi cùng thi đấu ở hàng công Chelsea hay không. Tiền đạo người Bỉ đã có 10 kiến tạo ở mùa giải trước, song đó là tại Serie A có tốc độ lên bóng chậm. Còn ở Premier League, ngay cả thời điểm đỉnh cao, anh cũng chỉ kiến tạo 7 lần trong một mùa.
Tất nhiên, Tuchel mua Lukaku không phải chỉ hướng vào chỉ số này. Thứ ông cần là tiền đạo có khả năng ghi 25 bàn mỗi mùa. Người gần nhất có thể làm được điều ấy là Didier Drogba cách đây đã hơn một thập niên. Kể cả khi Lukaku và Havertz tỏ ra không phù hợp, HLV người Đức cũng sẽ có giải pháp khác bằng cách để cầu thủ người Bỉ độc lập tác chiến. Mà khả năng đó, anh đã chứng tỏ mình quá nhiều lần rồi.
Chúng ta trông chờ gì vào Lukaku ở lần thứ 2 (thực ra là lần thứ 3) khoác áo Chelsea? Anh chưa bao giờ lập công trong màu áo "The Blues" ở thì quá khứ. Nhưng lần này, anh cần làm, thậm chí làm thật nhiều để chứng tỏ bản thân mình. Mùa hè 2014, Lukaku đã quyết định rời khỏi Stamford Bridge để bước sang giai đoạn mới trong sự nghiệp.
Bây giờ, anh trở về với vị thế là cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Chelsea. Nó khác hoàn toàn so với 10 năm trước, bởi anh không còn phải đóng vai “kép phụ” cho bất cứ ai nữa. Thomas Tuchel gọi Lukaku là “số 9 đích thực, là người mà chúng tôi không có trong đội hình hiện tại”, và ông chắc chắn tìm ra giải pháp để anh có thể tỏa sáng. Bây giờ, mọi thứ chỉ còn chờ thời gian để chứng thực.
Robert Lewandowski hay Karim Benzema đã và đang cố gắng kéo dài sự nghiệp của mình bằng sự nỗ lực và những tiến bộ của khoa học. Lukaku bây giờ đã 28 tuổi, anh chắc chắn cũng muốn theo gót những tiền đạo xuất chúng ấy. Điều đó phụ thuộc vào ý chí và sự chuyên nghiệp của chính anh. Mà với một cậu bé lớn lên từ khu ổ chuột và trải qua biết bao sóng gió, anh có thừa những phẩm chất ấy trong người.
Ngày 26/8/2019, trong trận đấu với Lecce, khi Inter dẫn trước đội khách với tỷ số 2-0, các cổ động viên chỉ chờ được nhìn thấy Lukaku khai hỏa. Anh hiện thực hóa mong muốn này vào phút thứ 60 và sau đó tiến tới khán đài giơ tay cúi chào khán giả như muốn nói: “Tôi tự giới thiệu, tôi là Lukaku”. Bây giờ, anh không cần giới thiệu mình ở Chelsea nữa bởi như anh nói, anh đã trở về “nhà”.