Ông Imran Khan đã mất chức thủ tướng Pakistan sáng 10/4, sau khi bị bãi nhiệm trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội nước này.
Các đảng đối lập cho biết ông Khan đã thất bại trong việc vực dậy nền kinh tế bị tàn phá bởi Covid-19 hoặc thực hiện lời hứa đưa Pakistan trở thành một quốc gia thịnh vượng, không tham nhũng và được tôn trọng trên trường quốc tế, theo Reuters.
AFP đã đưa ra một số nhân tố chủ chốt trong sự việc ông Khan bị lật đổ.
Ông Khan đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pakistan. Ảnh: Reuters. |
Shehbaz Sharif
Ông Shehbaz là em trai của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, người đã bị truất quyền tham gia tranh cử một lần nữa và hiện sống lưu vong ở Anh. Tuy nhiên, ông Shehbaz lại là ứng cử viên chính thay thế ông Khan, theo AFP.
Người đàn ông 70 tuổi này là một người có sức ảnh hưởng lớn về mặt chính trị. Ông từng là thủ hiến của Punjab, cơ sở quyền lực của gia đình và hiện là Chủ tịch của đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N).
Là một nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn, ông được biết đến với việc trích dẫn thơ ca cách mạng trong các bài diễn văn và được coi là một người nghiện công việc.
Ông vẫn nổi tiếng bất chấp những tiêu đề báo lá cải gay gắt về nhiều cuộc hôn nhân, cũng như danh mục tài sản bao gồm các căn hộ sang trọng ở London và Dubai.
Asif Ali Zardari
Xuất thân từ một gia đình giàu có, ông Zardari được biết đến nhiều hơn với lối sống ăn chơi, cho đến khi kết hôn với cựu Thủ tướng Benazir Bhutto. Bà Bhutto trở thành nữ thủ tướng đầu tiên tại Pakistan (1988-1990) và tái đắc cử năm 1993.
Ông Zardari đã tham gia chính trị và được biết đến với biệt danh "Mr Ten Percent" do khoản tiền mà ông được cho là đã lấy từ các hợp đồng với chính phủ. Ông đã hai lần bị bỏ tù vì các tội danh liên quan đến tham nhũng, buôn lậu ma túy và giết người, mặc dù chưa bao giờ phải hầu tòa.
Người đàn ông 67 tuổi này đã trở thành đồng chủ tịch đảng Nhân dân Pakistan (PPP) vào năm 2007 và ngồi vào ghế tổng thống của đất nước một năm sau đó, trong một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với PML-N.
Bilawal Bhutto Zardari
Ông Bilawal Bhutto Zardari, con trai của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto và Asif Zardari, trở thành chủ tịch của PPP khi mới 19 tuổi, sau khi mẹ ông bị ám sát.
Ông được coi là một người tiến bộ, cũng như thường xuyên lên tiếng về quyền của phụ nữ và nhóm thiểu số.
Với hơn một nửa dân số Pakistan là từ 22 tuổi trở xuống, sự hiểu biết về mạng xã hội của Bilawal Bhutto là một điểm nhấn đối với giới trẻ, mặc dù ông thường xuyên bị chế giễu vì kém tiếng Urdu, ngôn ngữ quốc gia của Pakistan.
Maulana Fazlur Rehman
Sau khi bắt đầu sự nghiệp chính trị với tư cách là người theo chủ nghĩa cứng rắn của đạo Hồi, ông đã làm dịu hình ảnh trước công chúng trong những năm qua bằng một sự linh hoạt. Theo đó, ông đã xây dựng liên minh với các đảng thế tục ở cánh hữu và cánh tả.
Dù có khả năng huy động hàng chục nghìn sinh viên madrassa (trường học Hồi giáo), đảng Jamiatul Ulema-e-Islam (F) của ông vẫn chưa bao giờ tập hợp đủ sự ủng hộ để lên nắm quyền. Tuy nhiên, ông thường đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ chính phủ nào.
Bên cạnh đó, theo AFP, mối bất đồng giữa ông Rehman với ông Khan được cho ngày càng sâu sắc.