Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền. Ảnh: CSIS |
Căng thẳng trên Biển Đông leo thang khi Mỹ điều tàu chiến áp sát đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc chính là phòng xử án của Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan sau tuyên bố tòa có thầm quyền xét xử yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh mà Philippines khởi xướng, Diplomat đưa tin.
Phía Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới cùng trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt cũng như nguồn sản vật biển phong phú. Bắc Kinh dựa vào tấm bản đồ được chính phủ Tưởng Giới Thạch vẽ năm 1947 để khẳng định cái gọi là chủ quyền với Biển Đông. Nhằm hiện thực hóa yêu sách này, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động bồi lấp phi pháp trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.
Không thể đương đầu trực diện với Trung Quốc về mặt quân sự, Philippines quyết định đấu tranh với Bắc Kinh dựa vào luật pháp quốc tế. Năm 2013, Philippines nộp đơn lên Tòa Trọng tài nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Manila dựa vào Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà hai nước cùng là thành viên.
Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ tính hợp pháp của tòa vì cho rằng tranh chấp trên Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, tòa tuyên bố có thẩm quyền xét xử đơn kiện của Philippines vì cho rằng Manila kiện cách diễn giải UNCLOS của Trung Quốc chứ không đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ra tòa.
Tuyên bố của tòa ràng buộc Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đã ngay lập tức tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài “vô hiệu lực”. Các phán quyết tương tự trong tương lai cũng sẽ không được tuân thủ. Tuy nhiên, khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt chính là áp lực quốc tế. Mỹ, Đức và nhiều quốc gia khác ngay lập tức hoan nghênh quyết định của Tòa Trọng tài và khuyến khích Trung Quốc giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế.
Việc từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế còn tác động trực diện tới danh tiếng cũng như tham vọng trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh. Vị thế nước lớn của Trung Quốc sẽ bị lung lay kéo theo sự mất niềm tin của các quốc gia khác. Là một đất nước dựa nhiều vào giao thương đường biển, Trung Quốc rất cần thế giới tin tưởng mình tuân thủ luật pháp.
Với những lợi thế này, Philippines cũng chưa thể ăn mừng. Tòa Trọng tài cho biết họ có đủ thầm quyền xét xử 7 trong số 14 yêu cầu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Manila khó giành được chiến thắng tuyệt đối trong 7 điểm này. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể từ chối thực thi phán quyết của tòa, điều khiến những nỗ lực của Philippines trở nên kém hiệu quả.
Tuy nhiên, vụ kiện của Philippines giúp các nước nhỏ được bình đẳng hơn với các nước lớn trong các vấn đề xung đột. Với vụ kiện này, luật pháp quốc tế đã trở thành vũ khí của kẻ yếu, giúp giành lợi thế trong các cuộc tranh chấp không tiếng súng.