Theo khoản 1, điều 14bis trong luật chuyển nhượng của FIFA, nếu CLB không trả lương hai tháng theo đúng cam kết về ngày trả lương, cầu thủ có lý do để tự phá vỡ hợp đồng.
Điều kiện đủ là cầu thủ phải gửi văn bản ít nhất 15 ngày để CLB thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Nếu sau 15 ngày, CLB vẫn không thanh toán các khoản phí, cầu thủ có quyền đơn phương hủy hợp đồng.
Hải Hủy và nhiều cầu thủ Quảng Ninh khác lao đao vì không nhận được lương. Ảnh: Minh Chiến. |
Theo chia sẻ của Mạc Hồng Quân, Nguyễn Hải Huy hay Nghiêm Xuân Tú, CLB Quảng Ninh nợ lương các cầu thủ "từ tháng 9 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021". Quãng thời gian này kéo dài 6 tháng, đủ để đạt được điều kiện cần: không trả lương hai tháng theo đúng cam kết theo quy định của FIFA.
Cầu thủ Quảng Ninh sẽ được phép hủy hợp đồng trong trường hợp văn bản họ gửi lên CLB đã quá 15 ngày nhưng không được giải quyết. Với những thông báo mà Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú hay Hải Huy viết trên trang cá nhân vào chiều 9/4, chưa ai rõ các cầu thủ đội bóng đất mỏ liệu đã gửi văn bản chính thức tới CLB hay chưa.
Nếu đó là văn bản mang ý nghĩa tối hậu thư cho CLB Quảng Ninh 15 ngày giải quyết theo quy định của FIFA, các cầu thủ Quảng Ninh sẽ được phép hủy hợp đồng sau ngày 24/4. Nếu các cầu thủ Quảng Ninh đã gửi văn bản này trước đó 15 ngày, và thông báo trên mạng xã hội nhằm mục đích khác, họ đã có quyền rời CLB Quảng Ninh.
Trên bình diện bóng đá thế giới, chuyện nợ lương cầu thủ không hiếm. Song để dẫn tới chuyện hủy hợp đồng thì lại hiếm. Đa phần các CLB luôn đàm phán được với các cầu thủ. Inter Milan tại Serie A nợ lương các cầu thủ từ tháng 1/2021, nhưng Romelu Lukaku hay Christian Eriksen chưa từng phàn nàn đòi hủy hợp đồng. Vì mối quan hệ giữa các bên là hữu hảo, và không có chuyện quỵt hẳn lương để cầu thủ sống khổ sở.
Với Quảng Ninh, giọt nước đã tràn ly từ lâu. Trước khi V.League 2021 bắt đầu, chuyện nợ lương của Quảng Ninh đã được đề cập. HLV Phan Thanh Hùng chủ động từ chức vì CLB đầy rẫy những vấn đề chưa thể giải quyết. Có thời điểm CLB Quảng Ninh chỉ có 12 cầu thủ vì nhiều người sang đầu quân cho đội bóng khác, và phải tập chung với hội CĐV.
Theo ước tính, CLB Quảng Ninh nợ các cầu thủ tổng cộng 90 tỷ đồng, bao gồm các khoản lương, thưởng tồn đọng từ năm 2019. Việc nhà tài trợ bất ngờ rút lui khiến ông bầu Phạm Thanh Hùng không thể một mình chi trả các khoản nợ này.
Hồi cuối tháng 3, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hứa sẽ trả lương nên các cầu thủ trở lại tập luyện sau khi bỏ tập để phản đối. "Lãnh đạo tỉnh đã xuống động viên, thế chẳng nhẽ anh em không tập", một cầu thủ của Quảng Ninh nói với Zing.
Bị nợ lương nhưng các cầu thủ vẫn giúp CLB Quảng Ninh đứng thứ nhì tại V.League đến lúc này. Ảnh: Duy Thành. |
Tuy nhiên, lời hứa đưa ra nhưng giờ tiền vẫn chưa thấy. Cầu thủ Quảng Ninh nể mặt lãnh đạo tỉnh, nhưng nể với cái túi rỗng.
Trường hợp tiêu biểu để các cầu thủ Quảng Ninh có thể học tập chính là người đồng hương Đặng Văn Lâm. Thủ thành của tuyển Việt nam đã tự hủy hợp đồng với CLB Muangthong United cũng bởi việc bị nợ lương 2 tháng.
Bất chấp những chỉ trích gay gắt của đội bóng Thái Lan, Văn Lâm vẫn ung dung sang Nhật Bản chơi cho Cerezo Osaka. FIFA không trừng phạt Văn Lâm có nghĩa Muangthong sai trong vụ tranh chấp rùm beng này.
Nếu làm đúng luật, các cầu thủ Quảng Ninh sẽ luôn xác định được thời điểm họ được phép rời CLB, như cách Văn Lâm đã làm tại Thái Lan.