Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật Đường sắt có quy định riêng về đường sắt cao tốc

397/403 đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), trong đó có một chương riêng về đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Chiều 16/6, với hơn 80% (397/403 đại biểu) tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Trước đó, giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết sáng 30/5, tại phiên thảo luận ở hội trường, 23 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến.

Thay thuật ngữ 'lối đi dân sinh' thành 'lối đi tự mở'

Hầu hết ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội và đã có thêm một số ý kiến góp ý để hoàn thiện. Sau phiên họp, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để chỉnh lý.

Về lối đi tự mở, đường sắt giao nhau với đường sắt hoặc đường bộ, dự thảo luật đã tiếp thu và thay cụm từ “lối đi dân sinh” thành “lối đi tự mở” cho hợp lý hơn với giải thích thuật ngữ này và thực tế cuộc sống, theo đề nghị của ĐBQH.

Thong qua Luat Duong sat sua doi anh 1
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua dự án Luật Đường sắt sửa đổi. Ảnh: Quochoi.vn

Theo ông Dũng, có ý kiến ĐBQH đề nghị phải quy định cụ thể nguyên tắc việc xử lý các vị trí giao cắt không phù hợp với quy định của luật này và lộ trình thực hiện nên quy định đến năm 2020 giải quyết dứt điểm lối đi dân sinh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng ngừa được tai nạn giao thông đường sắt.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy việc xử lý các vị trí giao cắt không phù hợp, lối đi tự mở và lộ trình thực hiện cần căn cứ vào điều kiện thực tế của vị trí giao cắt cụ thể và khả năng huy động nguồn lực đầu tư. Do đó để bảo đảm tính khả thi, việc giao Chính phủ quy định như dự thảo luật là phù hợp.

Một số ý kiến ĐBQH đề nghị giữ nguyên nội dung cho tư nhân tham gia để bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường, tránh độc quyền trong kinh doanh đường sắt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước; tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp.

Sẽ có đường sắt tốc độ cao vào năm 2030?

Về đường sắt tốc độ cao, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho hay có ý kiến ĐBQH cho rằng, không nhất thiết phải thiết kế riêng một chương về đường sắt tốc độ cao, mà đưa những nội dung của chương này bổ sung hoặc ghép với các điều trong một số chương khác và có cơ sở pháp lý để sau này Chính phủ chuẩn bị dự án đầu tư, xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Thong qua Luat Duong sat sua doi anh 2
397/403 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt sửa đổi. Ảnh: Thắng Quang.

Vấn đề này Ủy ban Thường vụ giải trình trong dự thảo luật quy định áp dụng cho tất cả các loại hình đường sắt trong đó có đường sắt tốc độ cao. Chương VIII về đường sắt tốc độ cao quy định những nội dung đặc thù riêng khác với loại hình đường sắt thông thường.

“Đường sắt tốc độ cao là loại hình đường sắt tiên tiến, hiện đại, đòi hỏi yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội cho phép cần có một chương riêng quy định về đường sắt tốc độ cao như dự thảo luật”, ông Dũng nói.

Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao, giữa tháng 10/2016, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc nghiên cứu phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu bổ sung quy định về cấp kỹ thuật đường sắt tốc độ cao vào tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn quốc gia về cấp kỹ thuật đường sắt.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sớm cập nhật các nghiên cứu; tổ chức nghiên cứu; tổ chức hội thảo, truyền thông và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Thủ tướng, Chính phủ thông qua năm 2017 để xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2018.

"Khi được Quốc hội thông qua, cần chuẩn bị kỹ về thiết kế kỹ thuật và nguồn vốn để năm 2022 - 2030 thực hiện xong các dự án ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/7/2018.

Đề nghị cho tư nhân tham gia kinh doanh đường sắt

Góp ý cho Luật đường sắt, đại biểu Quốc hội kiến nghị nên khuyến khích đầu tư đối tác công tư, cho phép tư nhân tham gia nhiều hơn vào ngành kinh doanh đường sắt.




Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm