Chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Đường sắt (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ một số kiến nghị về lộ trình xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Bộ GTVT phấn đấu đến năm 2018 sẽ trình lên Chính phủ để thẩm định lại dự án.
Theo ông Đông, dự án này nếu được Chính phủ thông qua sẽ trình ra Quốc hội thông qua, chủ trương đầu tư tương tự như Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước năm 2020. Bộ GTVT cũng chuẩn bị tiền đề để xây dựng những đoạn thí điểm, đoạn ưu tiên sau năm 2020.
"Từ nay đến năm 2020, dự án được nghiên cứu và thông qua chủ trương. Sau năm 2020 xây dựng thí điểm tuyến từ TP HCM đi Long Thành (Đồng Nai) để vận hành khai thác thử, để chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo con người. Sau đó, Bộ GTVT sẽ làm tiếp đoạn ưu tiên”, ông Đông nói
Theo vị thứ trưởng này, hai đoạn ưu tiên là Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang trước năm 2030. Sau đó, tuyến đường sắt cao tốc sẽ được nối dần các đoạn còn lại từ Hà Nội vào Đà Nẵng, từ TP HCM đi ra Đà Nẵng, cuối cùng sẽ nối được từ Bắc vào Nam.
Thứ trưởng Đông nhấn mạnh, theo dự báo vận tải, đến năm 2030, Việt Nam xây dựng các dự án khác như cảng hàng không, đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ 4 - 6 làn xe và cải tạo đường sắt cũ với tốc độ 80 km/h vẫn cần có thêm tuyến đường sắt mới vì khi đó, với khoảng 57 triệu hành khách/năm, bắt buộc phải có thêm đường sắt cao tốc Bắc – Nam mới có thể kham nổi.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình bày Luật Đường sắt (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn |
Liên quan đến Luật Đường sắt sửa đổi, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề, thị phần vận tải đường sắt chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng vận tải toàn ngành trong thời gian qua có xu thế giảm dần từ 1,3% năm 2008 xuống còn 0,7 % năm 2012. Trong những năm gần đây, thị phần liên tục giảm.
“Bộ GTVT cho rằng ngành đường sắt phát triển sớm nhưng thị phần lại phát triển chậm là do luật cũ không sửa đổi. Vậy bây giờ sửa đổi thị phần sẽ tăng lên bao nhiêu?. Khi luật ra đời thì việc lấn chiếm có chấm dứt không khi theo quy định các công trình cách đường sắt 15 m nhưng hiện chỉ cách 1,5 m. Vậy có giải quyết được không? kinh phí ở đâu?”, bà Hải nêu.
Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, thị phần vận tải của đường sắt liên tục giảm so với các lĩnh vực khác là thực tế diễn ra từ năm 2008 cho đến nay. Năm 2014 và 2015, vận tải hành khách đạt 11,2 triệu khách, giảm so với trước rất lớn.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý cả hạ tầng và vận tải nên tính cạnh tranh còn hạn chế. Mặt khác tính kết nối giữa đường sắt với các cơ sở hạ tầng khác còn hạn chế, nhiều nơi hàng hóa từ bến cảng vận chuyển lên tàu phải bốc xếp cho nên thị phần giảm.
“Nếu sửa đổi luật, Bộ GTVT sẽ tách hạ tầng cho thuê tuyến để khai thác, thu hút tư nhân vào dịch vụ đầu máy toa xe, còn nhà nước chỉ lo phần hạ tầng. Khi kết nối vào các mối hàng vào các cảng thì thị phần hàng hóa sẽ tăng lên. Do hạn chế của đầu máy toa xe, nên khi tư nhân vào sẽ kết nối tốt hơn chứ nhà nước tính cạnh tranh không cao”, ông Đông khẳng định.
Theo lý giải của ông Đông, ngành đường sắt chưa có tuyến tư nhân đầu tư, cho thuê vì đang giao cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam quản lý khai thác. Khi sửa Luật, ngành giao thông kêu gọi tư nhân sẽ tăng được thị phần.