Chuyển đổi số góp phần phát triển nhiều khía cạnh xã hội của đất nước. |
Ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505-QĐ/TTg, lấy ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Zing trích đăng bài viết của ông Trần Văn Sỹ, cựu cán bộ của Bộ Thông tin & Truyền thông về Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10.
Khi nghe thuật ngữ "chuyển đổi số", theo thói quen thì nhiều người Việt nghĩ về một sự thay đổi số phận. Và chữ "số" này khiến người ta nghĩ về khoa "lý số" mà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là người rất nổi tiếng, không chỉ trong lịch sử nước ta mà cả người Trung Quốc cùng thời cũng rất kính nể.
Về hình thức ngôn ngữ mà nói, những thuật ngữ trong đời sống có chữ "số" như "thuật số", "dịch số", "lý số" thậm chí là cả "chuyển đổi số" cũng không hề xa lạ với tư duy của người Việt, vì nó từng được các nhà nghiên cứu (kinh) Dịch học nói nhiều từ rất xa xưa.
Vậy cái môn "lý số" truyền thống ấy của người Việt thì có liên quan gì với "chuyển đổi số" mà chúng ta đang nói hôm nay không?
Xin thưa là có, chúng liên quan rất chặt chẽ, thậm chí có thể nói là không tách rời nhau. Tại sao có thể nói như vậy?
Ta biết rằng chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin phát triển cao. Không có công nghệ thông tin thì không có chuyển đổi số. Vậy công nghệ thông tin thì dựa trên cơ sở nào?
Người ta biết rằng, nền tảng cơ sở lý thuyết tạo nên mọi công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng rộng rãi của CNTT là hệ đếm cơ số 2 (hệ nhị phân). Tất cả các lệnh được máy tính thực hiện để tạo ra cả một thế giới số đều chỉ là tổ hợp của các chuỗi 0-1 với độ dài và thứ tự khác nhau.
Có thể nói ngắn gọn là từ sự biến hóa của hai số 0-1 này mà tạo nên mọi chuyện "vũ trụ trong bàn tay" - một thế giới số như ta thấy. Điều này trùng hợp với sự biến hóa âm dương theo quan điểm của Dịch học.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, lợi ích về chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: VGP. |
Theo Dịch học, thế giới do âm dương (lưỡng nghi) biến hóa mà thành. Người ta biểu diễn dương bằng một vạch liền ( – ), âm bằng một vạch đứt (- -); lấy hai vạch này chồng lên nhau, tổ hợp thành 4 kiểu, gọi là "lưỡng nghi sinh tứ tượng" (Thái âm, Thiếu dương, Thiếu âm, Thái dương); lấy tứ tượng này chồng lên từng vạch âm, dương, tổ hợp 2 lần 4 như vậy, thành 8 quẻ (gọi là tứ tượng sinh bát quái).
Tám quẻ này là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
Lại tổ hợp các quẻ và thay đổi thứ tự của chúng thì sẽ thành muôn vạn các kiểu biến hóa, dùng để mô tả và luận đoán mọi sự trong cả thế gian, xưa gọi là môn lý số, nay phần nhiều đã thất truyền.
Thánh nhân thì vận dụng theo cách của thánh nhân, người thường thì theo cách của người thường, lui thì luận quá khứ, tiến thì luận tương lai, ứng dụng rất rộng rãi suốt cả hàng nghìn năm qua, tất nhiên là không tính các trường hợp mê tín dị đoan thiếu căn cứ khoa học.
Nếu ta lấy số 1 để thay cho vạch liền, số 0 để thay cho vạch đứt nói trên, ta có thể viết tất cả các quẻ của Dịch học bằng các số nhị phân: Càn (111), Khảm (010), Chấn (001), Cấn (100), Đoài (011), Ly (101), Khôn (000), Tốn (110). Ngược lại, các thuật toán là cơ sở để tạo nên cả thế giới công nghệ thông tin, thế giới số cũng có thể viết thành các quẻ Dịch bằng tổ hợp của các vạch liền, vạch đứt.
Như vậy, có thể coi về hình thức thì lý thuyết cơ sở này của CNTT và của Dịch học là trùng hợp hoàn toàn. Như vật với ảnh của nó: Thế giới thật thì vận hành theo Dịch lý, Thế giới số thì vận hành theo phép chuyển các dữ liệu trên nền tảng số.
Về nội dung, thì CNTT nhờ biến hóa các tổ hợp nhị phân có thể tạo ra mọi thứ trong thế giới ảo; cũng như thế giới thật do âm, dương biến hóa được mô tả qua các các quẻ dịch mà thành.
Minh chứng đơn giản nhất cho điều này là chỉ cần loại bỏ nguồn điện thì chẳng còn gì của thế giới ảo có thể hoạt động được nữa.
Cách đây hơn 2.500 năm, Pythagoras (tác giả định lý nổi tiếng), nhà triết học và toán học Hy Lạp đã nhận định: Bản chất mọi sự vật là con số..., mọi sự vật sinh ra và biến đổi phù hợp với các con số. Bây giờ chúng ta nói cuộc sống số, thời đại số, số hóa các quá trình... cũng có thể coi là một sự minh họa cho tư tưởng triết học của Pitago. Mới mà không lạ.
Triết học duy vật biện chứng thì coi sự thống nhất, đấu tranh giữa các mặt đối lập là nguyên nhân cơ bản của mọi sự vận động tạo nên thế giới vật chất muôn màu muôn vẻ. Điều đó cũng tương đồng với lý thuyết âm dương trong Dịch học, tương đồng với sự biến hóa đóng ngắt của các mạch điện điều khiển - tạo nên cả thế giới ảo sống động như thật, hoạt động theo các lệnh điều khiển được viết bằng các tổ hợp số nhị phân (01).
Như vậy, có thể nói, nhờ công nghệ thông tin, người ta như thu được tất cả thế giới (đúng ra là hình ảnh, dữ liệu số hóa của nó) vào trong bàn tay, thì theo Dịch học, người ta cũng đã thấy hình ảnh cả vũ trụ trong hạt cát vậy. Và nhờ Dịch học, người ta có thể dự đoán ra điều gì, tưởng tượng ra điều gì, suy luận ra điều gì, thì bằng chuyển đối số (vốn dựa trên nền tảng công nghệ thông tin) người ta cũng sẽ tạo ra được điều đó trong thế giới số.
Từ sự tương đồng này, theo phép luận Dịch, ta biết rằng trong xu thế chuyển đổi số toàn cầu, thì tài nguyên bậc nhất chính là tư duy của con người. Và chuyển đổi số sẽ tạo ra sự phát triển với tốc độ cao không giới hạn, vì nó tạo nên con đường ngắn nhất từ ý tưởng đến hiện thực, từ sáng tạo trong tư duy thành sáng tạo trong đời sống vật chất của con người, dựa trên một tài nguyên không giới hạn là năng lực tư duy của con người.
Đã và sẽ còn xuất hiện rất nhiều ví dụ về những người tay không đồng vốn, mà chỉ với chiếc máy tính nối mạng, nhanh chóng trở nên giàu có hoàn toàn hợp pháp.
Và với những luận giải trên, ta tin rằng nói "chuyển đổi số để chuyển đổi số phận" là rất có lý, chứ không phải chỉ là cách chơi chữ cho vui.
Chuyển đổi số tại Việt Nam đã mang đến nhiều kết quả tích cực. Ảnh minh họa: The Enterprisers Project. |
Mừng cho nước ta là Đảng và Chính phủ đã và đang rất coi trọng chuyển đổi số, đã sớm nhận ra đó là phương thức phát triển mới của đất nước, là thời cơ ngàn vàng cho nước ta nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước văn minh. Một loạt các văn bản quan trọng nhất, từ văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động quốc gia của Chính phủ... đều giành sự ưu tiên cho vấn đề này, xác định chuyển đổi số là việc của toàn dân, không ai đứng ngoài.
Luận theo Dịch mà nói, không ai có thể đứng ngoài, chuyển đổi số chính là để giúp chuyển đổi số phận của mỗi con người cũng như của cả đất nước.
Năm nay, lần đầu tiên, Chính phủ đã quyết định chọn ngày 10 tháng 10 là "Ngày chuyển đổi số quốc gia".
Không rõ cơ quan tham mưu có dùng Dịch học để xem ngày rồi tham mưu cho Thủ tướng hay không, nhưng lấy ngày này làm ngày chuyển đổi số thì đúng là... quá đẹp.
Ngày và tháng như thế, luận số theo Dịch học thì là tượng "Thiếu dương", viết bằng một vạch liền, một vạch đứt, (tương ứng với hai số 1 và 0) (một trong tứ tượng do lưỡng nghi sinh ra – đã nói trên).
Về thời gian, Thiếu dương thuộc mùa xuân, ứng với sự khởi đầu, là rất phù hợp với sự bắt đầu sự nghiệp chuyển đổi số. Về không gian, Thiếu dương thuộc phương Đông, nên hợp văn hóa Việt. Ngày này chỉ được viết với hai con số 1, 0, chính là cơ sở hệ đếm cơ số 2, là căn bản gốc rễ của chuyển đổi số như nói trên.
Ngày 10/10 cũng là ngày giải phóng Thủ đô của Việt Nam, ngày mà người Việt ai cũng đã nhớ, đã gửi gắm niềm tin và hy vọng. Và những phân tích ở trên cũng cho ta thấy, chuyển đối số tuy rất hiện đại, rất mới, nhưng lại là rất không xa lạ với tư duy và văn hóa của người Việt Nam.
Như vậy, có thể nói là được cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Do vậy, ta tin chuyển đổi số Việt Nam nhất định sẽ thành công. Đó không phải là khẩu hiệu. Đó cũng không chỉ là kết quả của một phép luận Dịch học, mà và vì trước hết và trên hết, nó hợp với mong muốn xứng đáng của mọi người dân Việt Nam cho một sự thay đổi số phận của mỗi con người và của cả đất nước mình để nhanh chóng phát triển, văn minh, hạnh phúc.